Người thân chị Y Nhiêu, nạn nhân trong vụ bạo hành dã man người giúp việc cho biết, trưa 24/7, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã tiến hành giám định thương tích cho chị Nhiêu.
Theo đó, để bổ sung thêm các chứng cứ, nội dung trong vụ án, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại trong vụ bạo hành người giúp việc, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã đưa chị Y Nhiêu từ xã Đak Pét, huyện Đăk Glei (Kon Tum) xuống TP.Pleiku để giám định thương tích.
Đây là vụ việc gây chấn động dư luận xã hội, ngoài việc cơ quan chức năng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang phối hợp, khẩn trương điều tra làm rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã có những chỉ đạo về việc điều tra vụ án cũng như thăm hỏi nạn nhân kịp thời. Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng đã nói lên quan điểm của mình. Theo Bộ trưởng, cơ quan chức năng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum cần phối hợp điều tra, khởi tố và xử lý nghiêm minh vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, TƯ Hội LHPN Việt Nam cũng đã có văn bản chỉ đạo Hội LHPN tỉnh Gia Lai phối hợp với các cơ quan chức năng để nhanh chóng làm rõ nội dung sự việc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Đối với Hội LHPN tỉnh Kon Tum cần hỗ trợ, thăm hỏi cả về vật chất, lẫn tinh thần để chị Y Nhiêu nhanh chóng vượt qua nỗi đau này.
Nạn nhân Y Nhiêu với những vết thương chằng chịt trên cơ thể
Trước đó, như tin đã đưa, thời gian vừa qua, người dân trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum xôn xao về việc một thiếu nữ (ở tỉnh Kon Tum) đi làm thuê ở (Gia Lai) bị chủ đánh đập, bẻ răng, nung sắt nóng khiến mặt mũi biến dạng, mẹ đẻ cũng không nhận ra con mình do nghi ngờ đã trộm tiền, vàng. Sau khi trốn thoát khỏi những trận đòn tra tấn của bà Nga, Y Nhiêu đã kể lại những câu chuyện "rùng rợn" về kiếp “đi ở” của mình.
Theo lời Y Nhiêu, năm 2014 Y Nhiêu từ huyện Đắk Glei (Kon Tum) xuống Pleiku (Gia Lai) để làm thuê. Trước khi về làm thuê cho bà Nguyễn Thị Hà (Nga Vọc), thì đã làm một số nơi khác. Những năm qua, việc làm của Y Nhiêu diễn ra bình thường. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây, Y Nhiêu đột nhiên bị bà Nga bạo hành bằng nhiều hình thức kinh khủng.
Y Nhiêu kể vào bất cứ thời gian nào trong ngày (thường là sau khi dùng “đá” - ma túy xong) thì bà Nga lại gọi Y Nhiêu lên rồi đổ cho tội trộm tiền rồi đánh đập, tra hỏi. “Bà dùng bàn là hơ nóng lên rồi dí vào người em. Lấy cây sắt nung đỏ lửa rồi đánh. Lấy kìm cắt kẽm để cắt tai em. Cây gỗ bà đóng đinh 5 vào rồi đánh liên tiếp vào người, vào chỗ kín. Răng em bà ấy lấy búa đánh chưa gãy thì lấy kềm ra nhổ mất 3 cái”- Y Nhiêu kể lại trong nước mắt.
Đáng sợ hơn, khi chị Y Nhiêu mang thai tháng thứ 5 thì bị bà Nga đánh đập, đạp liên tục vào bụng và nói rằng "nếu là con của chồng tao thì tao giữ, còn không thì tao đập cho chết".
Không chỉ bà Nga một nhân viên khác là “chị em kết nghĩa” với bà Nga tên Na cũng thường xuyên tham gia lấy mảnh chai, dao lam cắt vào mặt. “Vết thương trên mặt em là do Na dùng dao mổ rạch”, Y Nhiêu cho biết.
Người cha bị bệnh tâm thần của Y Nhiêu không người chăm sóc
Được biết, bản thân bị hại là người dân tộc thiểu số, nên trình độ dân trí còn thấp. Bên cạnh đó, gia cảnh của gia đình rất đáng thương. Cha bị bệnh tâm thần, mẹ đến nay đã hơn 70 tuổi không đủ sức để lao động, 6 anh em phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền để tiếp tục đến trường. Nay, các anh chị lớn đã lập gia đình nên ở riêng làng khác, còn những người chưa lập gia đình thì ai thuê gì làm nấy, miễn là kiếm thêm được ít tiền về lo cho cha và mẹ.