Giám định tư pháp là một khâu rất quan trọng trong tố tụng hình sự, nhưng hiện đang có nhiều bất cập. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, thảo luận về công tác tư pháp nhiều ý kiến cũng cho rằng, nhiều vụ án bị kéo dài nguyên nhân từ công tác giám định.
Tình trạng chậm giám định
Mới đây, Bộ Tư pháp tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp. Đại diện các cơ quan liên quan, tổ chức giám định cũng đã chỉ ra những bất cập, khuyết thiếu; nhiều quy định khi triển khai trên thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, khó thực hiện đã ảnh hưởng đế tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Theo báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, hoạt động giám định tư pháp chủ yếu là được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, còn lại là trưng cầu giám định của các cấp Tòa án, cơ quan điều tra thuộc VKSNDTC. Lĩnh vực giám định được trưng cầu chủ yếu là pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự (90%), các lĩnh vực giám định về: Xây dựng, tài chính,ngân hàng, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư... có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, với những quy định của Luật hiện hành sẽ rất khó có thể điều chỉnh hết được, nhất là khi những Luật về tố tụng mới được ban hành gần đây. Chẳng hạn như: Luật chưa quy định cụ thể về thời hạn tối đa để giám định, nên công tác giám định thường bị chậm trễ, kéo dài, không có điểm dừng; chưa quy định rõ về chế tài xử lý đối với những trường hợp từ chối, né tránh giám định không có lý do chính đáng, cố tình kéo dài kết quả giám định, đưa ra kết quả giám định không đúng hoặc không rõ ràng, chung chung… nên việc thực hiện chưa nghiêm, trên thực tế có hiện tượng đùn đẩy, né tránh, từ chối giám định.
Đại diện một số cơ quan liên quan cũng đã chỉ ra một số bất cập liên của Luật hiện hành.
Phó Trưởng Ban Nội chính TW Phạm Gia Túc cho rằng: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng trong tình hình mới. Nhất là, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 theo hướng khắc phục các sơ hở, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với BLTTHS và các Luật có liên quan. Trong đó, bổ sung quy định về thời hạn tối đa thực hiện giám định để tránh tình trạng giám định chậm trễ, kéo dài hoặc có trường hợp cơ quan trưng cầu ấn định thời gian quá ngắn, chưa phù hợp.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phạm Gia Túc nói về những bất cập trong giám định tư pháp
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Thu Thủy cũng cho hay, quy định về thời hạn hoàn thành giám định theo yêu cầu tại Quyết định trưng cầu giám định thường không khả thi theo yêu cầu của CQĐT. Bởi vì với một số lĩnh vực phức tạp, liên quan các lĩnh vực khác nhau nhưng hồ sơ, tài liệu do cơ quan trưng cầu giám định cung cấp tại thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định trong nhiều trường hợp còn chưa đầy đủ, tài liệu phục vụ giám định chỉ được thu thập đầy đủ đáp ứng yêu cầu giám định sau quá trình phối hợp làm việc, trao đổi, định hướng điều tra giữa giám định viên và điều tra viên; Nội dung, vấn đề trưng cầu giám định tại thời điểm trưng cầu giám định còn chưa rõ ràng, mang tính chất tham vấn. Cơ quan trưng cầu giám định chưa có kết luận cụ thể về phạm vi, đối tượng vi phạm làm căn cứ xác định giám định thiệt hại.
Tuy nhiên, có trường hợp các tài liệu phục vụ cho một vụ việc giám định quá nhiều, các giám định viên không đủ thời gian xem xét để đưa ra ý kiến từ chối giám định khi nội dung cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn hoặc các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định. Do vậy, quy định thời hạn nêu trên tại Luật Giám định tư pháp là quá ngắn, không đủ để đánh giá hồ sơ, tài liệu phục vụ cho việc Giám định viên có căn cứ từ chối giám định…
Khó khăn về nguồn nhân lực
Đại diện Sở Tư pháp Cà Mau đề nghị bổ sung quy định về thời hạn giám định trong từng lĩnh vực khác nhau, tránh tình trạng những vụ án phải tạm đình chỉ, chờ kết quả giám định trong thời gian dài, ảnh hướng đến thời hạn điều tra, truy tố, xét xử, nhất là vụ án tham nhũng.
Dẫn ra một thực tế là “ngành y khám cho người sống đã khó huống hồ bắt người chết phải nói lên sự thật khó hơn rất nhiều”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho hay việc tuyển đầu vào giám định viên hiện nay rất khó khăn vì các bác sỹ giỏi đều không muốn vào lĩnh vực này. Bộ muốn lập thêm một số Viện Pháp y ở một số khu vực nhưng không thể tìm kiếm được nhân lực. Do đó, vấn đề cần quan tâm hiện nay là nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị phục vụ giám định.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng, thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung, các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng cho thấy, do chưa có quy định cụ thể về thời hạn ra kết luận giám định, kết luận định giá tài sản dẫn đến việc giám định, định giá tài sản trong nhiều trường hợp mang tính hành chính, kéo dài; chất lượng kết luận giám định trong một số vụ án chưa chặt chẽ, còn chung chung, không trả lời cụ thể câu hỏi của cơ quan trưng cầu giám định, khiến cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án, làm hạn chế kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Do đó, cần bổ sung quy định về thời hạn giao nhận quyết định trưng cầu từ khi có yêu cầu đến khi đi giám định, thời hạn giám định lại; Bổ sung quy định về thời hạn tối đa thực hiện giám định để tránh tình trạng giám định chậm trễ, kéo dài hoặc có trường hợp Cơ quan trưng cầu ấn định thời gian quá ngắn, chưa phù hợp.
Trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương từ thực tiễn triển khai, thi hành Luật Giám định tư pháp, các ý kiến cho rằng cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật này theo hướng, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về thời hạn giám định, quy định trách nhiệm của các bộ, ngành chuyên quản lĩnh vực giám định trong việc ấn định thời hạn giám định cụ thể đối với từng loại việc giám định trong quy trình giám định để bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với quy định của pháp luật về tố tụng, đặc biệt là khắc phục tình trạng chậm trễ trong tiếp nhận, thực hiện giám định trong thời gian qua, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế hiện nay.