Thư pháp - Nét Xuân hồn Việt

Trang Nhi| 26/01/2020 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu đối, biển hoành đỏ, trướng mừng thọ…là nếp xin chữ, treo chữ đã tồn tại từ xa xưa trong văn hoá Việt Nam. Từng vết mực ấy đã lưu giữ, khắc hoạ nét đẹp đời sống, tâm hồn Việt, thư pháp là thú chơi không thể thiếu trong những ngày đầu xuân năm mới.

Thư pháp - Nét Xuân hồn Việt

Xin chữ đầu năm - nét đẹp truyền thống tự ngàn xưa

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Hàng ngàn năm rồi vẫn thế, Tết đến Xuân về, người ta thường tìm về những giá trị truyền thống. Trong không khí háo hức đón mùa xuân, dọn dẹp những xưa cũ, mở cánh cửa chào năm mới, ngoài chúc nhau an khang thịnh vượng, người ta còn gửi gắm những cầu chúc tốt đẹp vào thư pháp.

Ngoài cái đẹp tự thân của kỹ thuật viết chữ, của hồn người viết, qua tác phẩm thư pháp người ta cảm nhận được không khí khi mùa xuân đến và gửi gắm những niềm tin vào năm mới.

Trong nét chữ khai bút đầu năm, người người mong cầu năm mới học hành tấn tới, chữ nghĩa thông thuận, vạn sự thành công nên mở án, mài mực, chấm bút và hạ một đôi dòng để khoái cảm đó được truyền trong năm mới. Ngày nay, người ta bật máy tính, hoặc sổ tay viết mấy dòng văn, cũng phần nào giống nhau ở cái ý nghĩa.

Ngoài những hoạt động văn hoá du xuân, người Việt rất coi trọng việc xin chữ trong năm mới. Treo chữ trong nhà cho sáng sủa, hanh thông, cầu mong sức khỏe, công việc thuận lợi thành đạt. Đôi khi cháu xin chữ tặng ông bà mừng thọ, con xin chúc cha thuận lợi công danh… biểu trướng tạ ơn, mừng nhau thăng tiến cũng một kiểu cách như thế, nó đầy tính nhân văn, tốt đẹp, là truyền thống mà bao đời nay người Việt vẫn gìn giữ.

Trong sử sách còn ghi lại rất nhiều câu chuyện về việc xin chữ, khiến người đọc không khỏi cảm động và quý trọng cả người cho, lẫn người xin. Tác phẩm văn học “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân tả cảnh Huấn Cao cho chữ trong ngục tối, làm người đọc phải suy tư về ý nghĩa sâu xa mà môn nghệ thuật thư pháp gửi gắm. Ấy là cái đẹp trong nhân cách của cả người cho lẫn người nhận.

Nét bút là nết người

Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đồng thời đã nhiều năm sống trong các tự viện miền Bắc và miền Nam. Ông cũng là một trong năm thành viên nhóm Thư pháp tiền vệ đã có nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Ông cho rằng, nghệ thuật viết thư pháp của người Việt luôn trọng chừng mực, mềm mại mà không yếu đuối, nét bút bay bướm, tài hoa nhưng mô phạm, sâu lắng. Đó là biểu hiện của nền văn hóa Việt Nam mộc mạc nhưng không hề thiếu cá tính, không quá chú trọng cái phi thường mà ưu ái cái bình dị, gần gũi.

Cái đẹp ấy vẫn giữ được hồn cốt truyền thống và cũng thay đổi dần theo không gian, thời gian và tâm thức từng thời đại. Nó không cố định, cứng nhắc, mà luôn sống động trong từng giai đoạn, tạo nhiều cung bậc cảm xúc cho con người.

Thư pháp đi từ tính chất truyền thống của chương pháp, của bố cục. Nó có quy tắc chặt chẽ, nơi nào viết lạc khoản, nơi nào đóng triện vào. Dù màu sắc của thư pháp cũng đơn tính khi chỉ có màu đen của mực, màu đỏ của triện nhưng từng nét đậm nhạt, ngữ nghĩa của chữ trên mỗi bức thư pháp lại có giá trị biểu trưng mạnh mẽ. Nó tương tác và tạo được những cảm xúc về nghệ thuật thị giác. Thư pháp từ xưa tới nay không mang màu sắc cố định, hay định chế bởi những quy tắc mà nó tự do, phóng khoáng trong màu sắc văn hóa dân gian của người Việt.

Cái đẹp của thư pháp mặc nhiên đi từ văn hóa truyền thống của người Việt, không chỉ hoàn toàn ở chữ nghĩa, mà còn giá trị từ người xem, người thưởng thức và tác giả viết. Sự tương tác giữa người viết và người xin chữ sẽ đưa đến những giá trị nghệ thuật khác cho tác phẩm.

Một tác phẩm thư pháp còn đẹp ở ngữ cảnh, ở người xin và người cho chữ. Người đấy, chữ đấy, nét bút chính là nết người. Tác phẩm sẽ có giá trị hơn nữa khi người cho chữ đức độ, có khí chất thanh cao.

Người khổ luyện thực hành thư pháp có thể dùng cái đẹp của chữ và mực để rèn giũa tâm hồn. Còn người chơi thư pháp cũng có thể mượn nét bút tài hoa của người khác để trau chuốt, làm đời sống văn hóa tinh thần của mình phong phú. Ngày ngày ra vào thấy chữ là ngắm nghía trầm ngâm, ngẫm nghĩ răn lòng… đó là một trong nhiều cách học làm người.

Giữ hồn cốt trong nhịp sống hiện đại

Ngày nay, hình ảnh xếp hàng dài đợi xin chữ ông đồ ở Văn Miếu, những hội xuân, cuộc thi viết chữ xuân ở bảo tàng, thư viện…rộn ràng không khí xuân đã trở nên quen thuộc.

Thư pháp - Nét Xuân hồn Việt

 Bầu trời thêm Xuân (Dị bản)- Trích thơ Hồ Chí Minh - Thủ bút Thiền Phong trong triển lãm thư pháp “Nét Xuân- Art of Nom”

Nhiều người chăm chú ngồi xem cách thể hiện chữ của ông đồ già, vừa nghe các cụ giảng giải về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực, viết làm sao cho chữ đẹp không bị nhòe, không bị chảy mực, giới thiệu về lịch sử của thư pháp, cũng như dấu ấn của một thời thi cử mang theo lều chõng của các sĩ tử trong lịch sử. Đặc biệt, ngày nay xuất hiện khá nhiều thầy đồ trẻ. Điều đó quả thật đáng mừng, vì nhiều người trẻ cũng bắt đầu quan tâm và có trách nhiệm gìn giữ, phát huy những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là những hình ảnh đẹp, lắng đọng trong đời sống hiện đại.

Thực tế loại chữ nào cũng có thư pháp thích hợp, chữ Việt cũng không nằm ngoại lệ. Phát triển vào mấy năm gần đây, thư pháp Việt đang tiếp tục đi những bước ban đầu với không ít nhà thư pháp định danh. Những tinh hoa khác nhau khiến thư pháp thêm phần bay bổng, mới mẻ và sáng tạo mang đậm nét Việt, gần gũi, dễ dàng tiếp nhận đối với nhiều người hơn.

Thư pháp ngày nay vẫn giữ cái hồn thiêng, vẫn giữ cốt cách chữ nghĩa, giá trị cũ đan xen với những giá trị mới nhưng vẫn hướng đến giá trị, ý nghĩa tốt đẹp. Những dư âm của thư pháp chắc chắn sẽ tiếp tục được lưu truyền, làm cho đời sống của con người mỗi dịp Tết thêm sinh động, phong vị ngày xuân thêm đậm đà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thư pháp - Nét Xuân hồn Việt