Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh

Thanh Phương| 01/10/2018 13:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng ngày 1/10, tỉnh Thanh Hoá long trọng tổ chức Khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2018, kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Lễ hội Lam Kinh là hoạt động thường niên nhằm ôn lại truyền thống hào hùng, tri ân công đức của anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sỹ, nhân dân thời Lê đã có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Đây cũng là dịp quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc, tiềm năng du lịch của di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh diễn ra trong 3 ngày (30/9-2/10)

Lễ hội năm nay được bắt đầu bằng phần lễ với các nghi thức truyền thống: Lễ rước kiệu vua Lê Thái Tổ và Trung Túc Vương Lê Lai về sân Điện Quang Đức - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; múa rồng, đọc chúc văn và các nghi thức tế lễ.

Chương trình nghệ thuật mang chủ đề: “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn". Các tiết mục được thể hiện dưới sân khấu hóa ca ngợi công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các bậc trung thần nghĩa sỹ, nhân dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong cuộc Khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược diễn ra cách đây tròn 600 năm; tái hiện sinh động các trò diễn cung đình, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò diễn dân gian và các ca khúc viết về sự đổi thay, phát triển của quê hương Thanh Hóa trong giai đoạn hiện nay.

Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh

Nghi lễ diễn ra trong Lễ hội Lam Kinh

Lễ hội Lam Kinh năm 2018 diễn ra trong 3 ngày, từ 30/9 đến 2/10 (tức ngày 21, 22, 23.8 Âm. Hàng nghìn lượt người từ các nơi đổ về Lam Kinh để dự hội, thắp hương tri ân các bậc tiền nhân.

Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Di tích Lam Kinh còn lại cho đến ngày nay là tài sản văn hóa vô giá của nhân dân Thanh Hóa và các dân tộc, cần được quyết tâm bảo vệ và phát huy. 

Khu di tích lịch sử Lam Kinh thờ anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước. Theo nhiều tài liệu sử sách còn ghi và những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian, vương triều Lê có 2 thái miếu ở Thăng Long và ở Lam Sơn (tức Lam Kinh), thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc, nên xưa kia các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều phải hành hương về Lam Kinh để tế lễ và bái yết tổ tiên hàng năm. Lễ hội đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phục dựng trong nhiều năm trở lại đây.

Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh

Chương trình nghệ thuật mang chủ đề: “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn" với nhiều hoạt động

600 năm đã trôi qua, vào ngày xuân tháng Giêng năm Mậu Tuất 1418, Bình Định Vương Lê Lợi đã giương cao ngọn cờ đại nghĩa, tập hợp quần hùng, kêu gọi mọi tầng lớp cần lao đang rên xiết dưới tầng tầng áp bức của giặc Minh, cùng vùng dậy đấu tranh, trả thù nhà nợ nước, giành lại giang sơn gấm vóc. 

Đất Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của những con người ưu tú như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai... Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước. Qua hàng chục năm “nếm mật nằm gai”, dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng... chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang oanh liệt, rồi thành Đông Quan được giải phóng đã kết thúc 20 năm thống trị của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho Tổ quốc, bắt đầu một kỷ nguyên xây dựng mới.

Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh

Hàng nghìn người kéo về dự lễ

Năm 1928, Lê Lợi lên ngôi vua, tên thụy là Lê Thái Tổ, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đóng đô ở Đông Kinh (Hà Nội). Đến ngày 22/8 năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà, được an táng tại Vĩnh Lăng, Lam Sơn (Khu di tích lịch sử Lam Kinh ngày nay). Các vua, hoàng hậu triều Lê Sơ cũng lần lượt được đưa về táng tại đây. Sau khi Lê Thái Tổ qua đời, các vua triều Lê Sơ vẫn tiếp tục xây dựng Lam Sơn trở thành một kinh đô thứ 2 sau Đông Đô. Tuy chỉ lên ngôi gần 6 năm nhưng Lê Thái Tổ đã đặt nền móng vững chắc cho cả một triều đại và nền độc lập, phồn vinh của quốc gia Đại Việt, xứng đáng là "ông Tổ Trung Hưng" thứ 2 của dân tộc Việt Nam.

Năm 2013, Di tích Lam Kinh đón nhận Bằng công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, còn gắn liền với 3 sự kiện lịch sử: 595 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 585 năm ngày vua Lê Thái Tổ đăng quang và 580 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Tham gia Lễ hội, ngoài việc hiểu thêm về những công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập, người dân còn được hòa mình vào các điệu múa, trò chơi truyền thống như múa Xuân Phả, nghe tiếng chiêng, cồng, trống, cất lên cùng với bài cáo Bình Ngô âm vang giữa núi rừng thiêng liêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn lượt người đổ về Lễ hội Lam Kinh