Với tôi, một nhà thơ, suốt đời yêu cái đẹp thì các hoa hậu Việt Nam như những đứa con tinh thần của mình. Bởi vậy khi hoa hậu, người đẹp nào đó vướng vào chuyện này, chuyện khác không hay, tôi thực sự đau lòng", nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ.
LTS: Đầu năm mới, gọi điện cho nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh đề nghị được thực hiện một cuộc phỏng vấn về một chủ đề vô cùng hấp dẫn và vốn quen thuộc với ông - một người nổi tiếng với một danh xưng khá hoa mỹ “cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”, “ông trùm” sắc đẹp…, ông đồng ý. Hoa hậu - Người đẹp, đề tài “xưa như Diễm”! Thế nhưng với nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh, dù nhiều lần chia sẻ với nhiều báo, những câu chuyện xoay quanh đến cái đẹp qua lời kể của ông bao giờ cũng thú vị và dường như chưa khi nào hết nóng.
Nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh, người được mệnh danh là "cha đẻ Hoa hậu Việt Nam"
Nhà báo - nhà thơ Dương Kỳ Anh tên thật Dương Xuân Nam, sinh năm 1948, tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là cựu Tổng biên tập báo Tiền phong, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là trưởng Ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (cuộc thi hoa hậu đầu tiên, lâu đời nhất và quy mô lớn nhất Việt Nam) từ năm 1988 - 2012. Ông từng được mời làm Giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quốc tế ASEAN năm 2005 và được trao kỷ lục Người Việt Nam đầu tiên làm giám khảo cuộc thi hoa hậu quốc tế. Đặc biệt, tên ông còn được lưu trong Từ điển “Danh nhân Văn hóa Thế giới” (khu vực châu Á - Thái Bình Dương). |
PV: Xin chào nhà thơ Dương Kỳ Anh! Đầu Xuân Mậu Tuất, xin chúc ông sức khỏe và hai chữ “an yên”. Được biết năm nay ông vẫn ăn tết ở nhà vườn Sóc Sơn. Tết này với ông có gì đặc biệt hơn những năm khác không ạ?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Không phải lần đầu mà nhiều năm qua tôi thường ăn tết ở nhà vườn. Năm nay hoa đào nở muộn nên bây giờ mới nở bung khắp vườn, đẹp lắm, cánh hoa đào bay cả vào phòng ngủ của tôi cùng với hai đứa cháu nội siêu quậy cũng vui lắm (cười).
Tôi đang viết một cuốn sách, suốt cả năm qua vẫn chưa tìm ra tên gọi. Thế mà mấy ngày tết tên gọi của cuốn sách tự nhiên hiện lên. Tôi mừng quá! Cái tên “Minh triết của tôi” thật đúng với những gì tôi đang viết. Có lẽ đó chính điều đặc biệt nhất, cũng có thể coi như là niềm vui đặc biệt mà Tết đã mang tặng cho tôi.
PV: Cánh báo chí vẫn hay kháo nhau thế này, nói về người đẹp ư, phải tìm nhà thơ Dương Kỳ Anh - “ông trùm” sắc đẹp (cười). “Ông trùm” sắc đẹp trước và nay khác nhau thế nào, thưa ông?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Gọi tôi là người sáng lập các cuộc thi hoa hậu Việt Nam như báo Tiền Phong nhiều lần viết vậy có lẽ chuẩn hơn.
Chúng tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất với mục đích tôn vinh cái đẹp, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, tạo ra một hình thức sinh hoạt văn hóa mới hấp dẫn và bổ ích, còn bây giờ nhiều cuộc thi sắc đẹp hình như có những mục đích khác làm tôi suy nghĩ rất nhiều (im lặng).
Còn tôi ư? “Tôi vẫn là tôi có khác chi / Vẫn thường say đắm bước người đi / Đêm mơ vẫn đợi người trong mộng”. Nhà thơ mà!
PV: Tôi nhớ ông từng kể rằng, trong số những điều mà ông xem và bị coi là “việc làm khác người” khi đứng trên cương vị Tổng biên tập báo Tiền Phong trước đây thì có việc ông kêu gọi và đứng ra tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong. “Khác người” theo ông là vì lý do gì?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh và Hoa hậu Bùi Bích Phương tại nhà vườn Sóc Sơn 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Những việc mà cả nước thời đó chưa ai làm, không ai làm mà chúng tôi làm tức là “khác người” rồi!
Thực ra báo Tiền Phong thời đó chúng tôi còn nghĩ ra những việc làm “khác người” khác, không chỉ riêng việc thi hoa hậu, chẳng hạn như tổ chức tuyển phóng viên một cách công khai. Dù bây giờ việc này hoàn toàn là bình thường, nhưng thời ấy (đó là khoảng đầu năm 1988) nó bị xem là một việc làm “khác người”, bởi trước đó, các báo thường thông qua giới thiệu lý lịch những ứng viên tiềm năng rồi mới chọn về. Điều đáng mừng là những phóng viên mà báo Tiền Phong tuyển dụng được trong cuộc thi đó sau này đều trưởng thành rất tốt và có những vị trí cao trong làng báo. Rồi thì một loạt những việc làm bị xem là “khác người” vào thời ấy như: sáng lập giải bóng đá Siêu Cúp Quốc gia; trao Học bổng khuyến khích tài năng trẻ, tổ chúc các cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh (văn và thơ); thành lập Công ty cổ phần Tiền Phong.
Còn về việc làm “khác người” mà bạn nhắc đến, tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong thì đúng là vào thời đó (năm 1988), ngay cả việc đưa tin cuộc thi Hoa hậu Thế giới năm 1988 cũng không được phép trên báo chí. Chúng tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong mà không xin phép ai (mà thời đó chưa có khái niệm hoa hậu, chưa có cơ quan nào quản lý vấn đề này nên muốn xin phép cũng không biết xin ở đâu); chỉ sau khi thi xong, làm chấn động cả nước, cấp trên mới bắt giải trình.
Có thể nói đó là một việc làm “khác người”, “liều lĩnh” - hai từ mà một đồng chí cấp trên thân cận đã dùng khi nói chuyện với tôi lúc ấy rằng: “Các cậu toàn làm những việc khác người, liều lĩnh”. Tôi nghĩ, báo Tiền Phong là tờ báo của tuổi trẻ, mà tuổi trẻ luôn thích cái mới, đi đầu trong công cuộc đổi mới cũng là chuyện tất yếu.
PV: Hành trình tìm kiếm và tôn vinh nhan sắc Việt đã bước sang tuổi thứ 30, được mệnh danh là “cha đẻ Hoa hậu Việt Nam”, hẳn một “người cha” sẽ có rất nhiều điều đáng nhớ về “đứa con” đặc biệt này? Ông nhớ nhất điều gì? Kỷ niệm nào khiến ông hạnh phúc nhất?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hơn 20 gắn bó với các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, các cuộc thi sắc đẹp khu vực và thế giới…, tôi có khá nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tôi đã viết 3 cuốn sách “Hoa hậu Việt Nam - Những điều ít biết” (Tập 1 in năm 1998, Tập 2 in năm 2008 và Tập 3 in năm 2013). Trong 3 tập sách này tôi đã kể khá nhiều chuyện như chuyện hoa hậu “mất tích”; người đẹp uống thuốc ngủ tự tử trong đêm chung kết; rồi chuyện người dân ở một khu vực vừa có sóng thần tàn phá tại quốc đảo Indonesia rước ảnh Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền chào đón chúng tôi - những thành viên trong ban giám khảo một cuộc thi Hoa hậu ASEAN; hay chuyện Hoa hậu Việt Nam được chào đón ở Mỹ, ở Hàn Quốc như thế nào…
Kỷ niệm khiến tôi hạnh phúc nhất là khi Hoa hậu Việt Nam đoạt giải ở một số cuộc thi hoa hậu quốc tế, như lần Hoa hậu Hà Kiều Anh đoạt giải cao tại cuộc thi Hoa hậu Sinh viên thế giới, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam được kéo lên trong tiếng hô “Việt Nam! Việt Nam”, khiến tôi cảm động trào nước mắt. Từ chỗ trên bản đồ sắc đẹp thế giới chưa có tên Việt Nam thì nay vị trí Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới đã có một thứ hạng rất cao.
PV: Đó là những kỷ niệm vui, vậy “đứa con” mang tên Hoa hậu Việt Nam ấy có khi nào cũng như những đứa con - theo nghĩa đen - có thể khiến các bậc làm cha làm mẹ mất ăn mất ngủ, thậm chí khiến người mang danh “cha đẻ” như ông đau lòng?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Thực tế nhiều Hoa hậu Việt Nam như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Nguyễn Thiên Nga… đã phát huy được hình ảnh hoa hậu của mình trong nhiều năm qua, đó là điều làm tôi rất vui.
Trên 20 năm làm trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu thế giới người Việt lần thứ nhất, cũng như khi làm giám khảo các cuộc thi người đẹp khác, tôi nhận ra một điều: Chọn ra một người đẹp toàn diện khó lắm, rất khó, rất hiếm, đau đầu lắm, không dễ dàng gì, vì cái đẹp vốn mong manh nên cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định lựa chọn ai đó làm hoa hậu.
Với tôi, một nhà thơ, suốt đời yêu cái đẹp thì các hoa hậu Việt Nam như những đứa con tinh thần của mình. Bởi vậy khi hoa hậu, người đẹp nào đó vướng vào chuyện này, chuyện khác không hay, tôi thực sự đau lòng. Tôi chỉ mong mọi chuyện với các hoa hậu đều diễn ra tốt đẹp. (im lặng)
PV: Ông có buồn khi công chúng có vẻ như không công bằng khi không tiếc lời ca ngợi những gì mà cuộc thi đã làm được, song nếu có bất kỳ sai sót nào thì cuộc thi ấy lại bị đem ra mổ xẻ, thậm chí nặng nề hơn là bị “chọi đá tập thể”, và tên ông –“cha đẻ Hoa hậu Việt Nam” lại được mang ra “réo”? Hay phải chăng đó là “chuyện thường tình thế thôi” của người nổi tiếng, người của công chúng?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi đã nhiều lần trả lời trên truyền hình và các tờ báo rằng khen chê là chuyện của mỗi người, ai cũng có quyền khen chê, có thể khen đúng, chê đúng và ngược lại. Vấn đề là ở chỗ khen chê như thế nào, nhất là khi khen chê con người, lại là người đẹp, tuyệt đối không lấy chuyện khen chê để vùi dập người khác, nhất là phụ nữ, là người đẹp.
Khen chê phải có văn hóa! Qua chuyện khen chê ta cũng có thể thấy được con người khen chê đó là người tử tế hay không tử tế, là người thực tâm hay ác ý, là người có văn hóa hay vô văn hóa. Tôi luôn lắng nghe mọi lời khen chê, luôn cảm ơn những người khen chê đúng, thực tâm, thực lòng, còn những lời khen chê theo kiểu “ném đá” thì như những người tử tế vẫn thường hành xử là để ngoài tai, có ai hỏi thì nói: “Thôi, bỏ đi…”.
Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp thường rất nhạy cảm, tôi biết thế nên rất cẩn thận khi tổ chức cũng như khi viết về họ. Nhưng vì là vấn đề nhạy cảm nên dù cẩn thận đến mấy cũng có khi có sơ hở, thiếu sót, nên vẫn mong mọi người hiểu và cảm thông với mình. Nói thực là khi thôi làm trưởng ban tổ chức, trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi cảm thấy nhẹ người.
PV: Nhiều người nói hồng nhan giờ đây không phải “bạc phận” mà là “bạc triệu”. Nhưng hồng nhan khi lỡ mang được danh xưng vẻ vang và đầy tự hào như Hoa hậu chẳng hạn thì có khi lại gây “hậu họa” lúc nào không biết. “Hậu họa” ấy, cá nhân ông cho rằng nó bắt nguồn từ đâu?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Hồng nhan bây giờ không chỉ “bạc triệu” mà là “bạc tỷ” như người ta vẫn thường nói. Thực ra sắc đẹp cũng là một tài sản lớn không chỉ cho riêng người có sắc đẹp mà còn là tài sản quốc gia như nhiều nước trên thế giới mà ta vẫn thấy. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, cũng có cái được, cái mất, vấn đề ở chỗ người có nhan sắc như hoa hậu chẳng hạn vừa là danh hiệu vẻ vang, vừa là trách nghiệm nặng nề, nếu chỉ nghĩ đến danh hiệu vẻ vang, nổi tiếng như một thứ có sẵn, trời cho, lóa mắt với ánh hào quang mà không ý thức được nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề để rồi từ đó thiếu sự rèn luyện, sống buông thả, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà lao vào, quên đi mình là người của công chúng, sống không chỉ cho mình mà còn sống vì cộng đồng, vì công chúng, thì không trước thì sau hoa hậu sẻ là “hậu họa”. Thực ra, ở đời ai cũng vậy thôi, nhưng người đẹp, hoa hậu được nhiều người chào đón cũng như săn đón hơn nên nếu không đủ bản lĩnh thì rất dễ đánh mất bản thân mình.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh và “hoa hậu” của riêng mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
PV: Hành trình tôn vinh nhan sắc Việt nếu tính từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên được chính thức tổ chức với tên gọi Hoa hậu Hội báo Tiền Phong với sự đăng quang của Hoa hậu Bùi Bích Phương (năm 1988) thì cuộc thi đã có lịch sử 30 năm. Từ Hoa hậu Hội báo Tiền Phong - tiền thân của cuộc thi Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong và sau này là Hoa hậu Việt Nam thì cuộc thi lần này là lần thứ 15.
Nhiều người đẹp đang chuẩn bị tinh thần để tham gia các đấu trường sắc đẹp khác nhau, trong đó có Hoa hậu Việt Nam 2018. Ông có gì muốn nhắn nhủ, hay đơn giản chỉ là lời chia sẻ với những cô gái đang nuôi giấc mơ đội trên đầu chiếc vương miện danh giá ấy?
Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi chỉ muốn nói các bạn hãy đến với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam như đến với một ngày hội văn hóa, để cùng nhau giao lưu, học hỏi, cùng nhau hoàn thiện bản thân mình, để hướng tới cái đẹp, cái thiện với tâm trạng thật thoải mái, tự nhiên, vui vẻ, có vậy thì vẻ đẹp của mỗi con người mới được tỏa sáng thực sự. Và luôn nhớ rằng danh hiệu hoa hậu là danh hiệu cao quý, vừa mang lại vinh quang, niềm vui cho bạn vừa là trách nhiệm rất nặng nề với cộng đồng, xã hội và chính bản thân mình.
Cái đẹp nhất là vẻ đẹp của người thiếu nữ toàn diện hiếm lắm, mong manh lắm, rất dễ đổ vỡ nên phải luôn nâng niu, gìn giữ và thường xuyên hoàn hiện bản thân mình.
Xin cảm ơn ông!