"Cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam: "Thời gian là thẩm phán công bằng nhất"

Nhật Minh| 30/08/2016 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngọc còn có vết. Thậm chí Đức Mẹ Maria còn không thoát khỏi lời đồn. Thế nhưng, cây ngay không sợ chết đứng. Và theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, thời gian chính là vị thẩm phán công bằng nhất…

Nhà thơ Dương Kỳ Anh, người được mệnh danh là "cha đẻ Hoa hậu Việt Nam"

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 (HHVN 2016) chính thức khép lại, với chiến thắng thuộc về Đỗ Mỹ Linh - sinh viên ĐH Ngoại thương. Và tất nhiên, giống như quy luật thường tình của sự luân chuyển 4 mùa, kết thúc cuộc thi, báo chí lại tìm đến ông - nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh, người được mệnh danh là “cha đẻ HHVN”, là “ông trùm sắc đẹp” để hỏi những câu hỏi… xưa như Diễm.

Tôi không phải ngoại lệ. Và, ông từ chối. Nhưng có lẽ cũng vì tính ông vốn thương những PV trẻ nên sau nhiều lần cố gắng thuyết phục, ông “miễn cưỡng” nhận lời.

PV: Khi Đỗ Mỹ Linh đăng quang HHVN 2016, nhiều người tiếc cho Ngô Thanh Thanh Tú - Á hậu 1. Cá nhân ông khi đặt lên bàn cân hai nhan sắc này, ông thích vẻ đẹp của người đẹp nào hơn? 

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: (Cười) Tôi chỉ là khách mời, không tham gia ban giám khảo nên không thể đưa ra đánh giá chính xác. Hãy để thời gian trả lời…

PV: Mỹ Linh đăng quang được xem là khá bất ngờ khi thể hiện “có phần nhạt nhòa” trong cuộc thi HHVN 2016. Từng là người “cầm cân nảy mực, và là một người làm báo, ông có thể chia sẻ đôi điều với công chúng, chuyện chấm thi nơi hậu trường với những gì mà khán giả “mắt thấy tai nghe” (qua truyền thông, báo chí) khác nhau khoảng bao nhiêu phần trăm?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Làm giám khảo hoa hậu như tôi từng làm, tôi thấy khó lắm. Trước đây khi làm trưởng ban giám khảo các cuộc thi HHVN và Hoa hậu Thế giới người Việt, dù bận đến mấy tôi vẫn dành thời gian theo dõi từ đầu, từ khi các thi sinh đến làm thủ tục đăng ký dự thi, đến vòng sơ tuyển, sơ khảo, chung khảo khu vực và suốt thời gian thí sinh tham gia vòng chung khảo toàn quốc.

Tôi quan sát từ dáng đi, cách ứng xử hàng ngày, cả những bữa cơm của các thí sinh… Sau đó, tôi lấy thêm nhiều thông tin trực tiếp từ kịp bác sĩ nhân trắc học, từ trưởng phó ban phụ trách thí sinh và tham khảo thêm ý kiến những anh chị em trong báo Tiền Phong… từ đó bắt đầu định hình những điều mà tôi cảm nhận được. Tôi cân nhắc, so sánh, chọn lọc đến từng chi tiết trước khi trình bày với ban giám khảo. Chứ chỉ nhìn thí sinh trình diễn trên sân khấu nhiều khi chưa thật chuẩn xác, nhiều khi không giống như những gì trong sinh hoạt đời thường.

Chọn hoa hậu không chỉ ở trên sân khấu trình diễn, mà còn phải quan sát ở cả ngoài đời thực. Có những thí sinh trên sân khấu đẹp rực rỡ nhưng ngoài đời không được thế… Còn nữa, phải có rất nhiều thông tin từ nhiều phía kể cả ý kiến, nhận xét của chính quyền, nhân dân nơi thí sinh làm việc, sinh sống… mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Tôi nhớ cuộc thi HHVN 2004, tôi và ông Đào Hồng Tuyển - “chúa đảo” Tuần Châu đã phải thức đến 2 giờ sáng đi lại trên sân khấu ngoài trời nóng bức để trao đổi với nhau về việc chọn hoa hậu.

HHVN 2016 Đỗ Mỹ Linh

PV: Nhân chuyện một số người đẹp được BGK lựa chọn, nhưng lại… không được lòng công chúng, ông nhớ từng có Hoa hậu nào đã bị khán giả phản đối song sau đó người đẹp ấy lại chứng minh được điều ngược lại rằng, BGK đã lựa chọn chính xác?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi nhớ cuộc thi HHVN năm 1992, khi MC Thanh Bạch hỏi mấy ngàn khán giá ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng ai sẽ là hoa hậu, cả mấy ngàn con người hô to “Vi Thị Đông!  Vi Thị Đông”. Nhưng năm đó Hà Kiều Anh mới là Hoa hậu còn Vi Thi Đông là Á hậu 1.

Khi ra về, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - thành viên ban giám khảo cuộc thi năm ấy ghé tai tôi nói “Chúng ta chọn chính xác rồi Dương Kỳ Anh ạ”. Tôi nói “Đúng vậy, sau này mọi người sẽ thấy”. Và quả là như vậy, một năm sau gần như ai cũng công nhận BGK chọn Hà Kiều Anh là chuẩn!

PV: Vậy ra có những điều “tưởng vậy mà không phải vậy”? Những gì cho là đúng mà chưa chắc đã đúng? Phải chăng tất cả là do suy nghĩ, quan điểm cá nhân của mỗi người?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như tôi đã nói nhiều lần, sự thật chỉ có một, chân lý chỉ có một nhưng cách nhìn nhận có khi ở nhiều khía cạnh khác nhau, từ nhiều phía khác nhau, và biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác.

Quan điểm của tôi là chọn hoa hậu trước hết phải đẹp, chọn ra hoa hậu mà bị chê là xấu thì không thể chấp nhận được, tất nhiên là vẻ đẹp hài hòa từ hình thể đến nhân cách, sự hiểu biết… Chọn hoa hậu phải nhìn từ nhiều phía và phải nhìn về tương lai của người đẹp đó, bởi vậy giám khảo phải là người có con mắt tinh đời, nói như cụ Nguyễn Du “Khen cho con mắt tinh đời/ Anh hùng đoán giữ trần ai mới già”…

Thời tôi làm có những vị giám khảo mà tôi cho là có con mắt tinh đời như NSND Trà Giang, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cố giáo sư Nguyễn Quang Quyền, cố NS Mai Nam…

PV: Xin không nhắc đến tin đồn hay scandal nọ kia của tân HHVN, bởi như người ta nói, đó là chuyện thường tình, là chuyện… xưa như Diễm. Tin đồn với người nổi tiếng, nhất là với người đẹp, có vẻ giống như một thứ “gia vị của cuộc sống”? Ông nghĩ sao ạ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Với những người nổi tiếng, người của công chúng, trong đó có hoa hậu luôn là tâm điểm của mọi sự chú ý, mọi lời đồn, mọi ý kiến tốt có xấu có. Nhưng, nói như người xưa “Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật”. Nhưng lại cũng như người xưa nói “Không có lửa làm sao có khói”. Không ai trên đời này có thể làm vừa lòng hết mọi người, kể cả bậc vĩ nhân. Có là “gia vị” hay không cũng tùy từng người, từng hoàn cảnh cụ thể.

Những người nổi tiếng tất nhiên có nhiều người yêu mến, ngưỡng mộ và có cả những người ghen ghét, đố kỵ, tìm cách bới móc việc này việc khác… Ông cha mình từng dạy “Cây ngay không sợ chết đứng”, yêu ghét là việc của người ta, mình phải biết cách sửa mình, phải biết cách biến đa sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự…

PV: Ai cũng biết đã vào cuộc chơi của thì cũng cần phải tuân thủ đúng luật chơi. Nhưng nhiều người lại có suy nghĩ rằng, Hoa hậu hay người nổi tiếng thì cũng chỉ là một cá thể của xã hội, họ là một cá nhân và rằng, họ chỉ cần không có bất kỳ hành vi nào bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cái lằn ranh gọi là quy tắc ứng xử của một người đẹp, một người nổi tiếng dù mơ hồ nhưng cũng không thể bỏ qua, và nên tuân theo nếu không muốn bị ném đá. Còn ông?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Người nào thì cũng phải làm đúng pháp luật, người bình thường cũng như người nổi tiếng. Khi đã là hoa hậu, là người của công chúng, không làm trái pháp luật là đương nhiên, nhưng theo cá nhân tôi cũng không nên làm những điều có thể tổn hại đến hình ảnh hoa hậu mà nhiều người thường lý tưởng hóa... Bởi thực tế như bạn biết đấy, khi một cô gái trở thành Hoa hậu, người ta dễ nhìn vào cô ấy, xem mọi cử chỉ, lời nói của cô ấy đều phải đẹp. Đó là điều mong muốn của công chúng, của nhiều người…

PV: Ngọc còn có vết. Thậm chí Đức Mẹ Maria còn không thoát khỏi lời đồn. Thế nhưng, như ông nói, cây ngay không sợ chết đứng, không làm sai thì không sợ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Như trên tôi đã nói, ông cha ta nói không sai “Cây ngay không sợ chết đứng”, không làm điều gì sai, trái với lương tâm mình thì không sợ. Nhưng, cuộc đời không đơn giản thế, có nhiều khi làm điều đúng, điều hay, điều tốt mà cũng bị người ta hiểu lầm, bị dè bỉu, phê phán, thậm chí còn hơn thế…

Tôi, có lẽ cũng như nhiều người, chỉ mong sao trong xã hội chúng ta đừng để cây ngay phải “chết đứng”. Và tôi thiển nghĩ chỉ có thời gian là thẩm phán công bằng nhất. Hãy để thời gian trả lời…

PV: Tin đồn là chuyện bình thường nhưng có sức “công phá” không khác gì thuốc nổ TNT. Vậy để đứng vững trước những thị phi, xin mở ngoặc ở đây là người đẹp không có làm gì sai ạ, họ -  người nổi tiếng, Hoa hậu, người đẹp - cần có bản lĩnh như thế nào? Ông có thể cụ thể hóa?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Người đời nói “Miệng thế gian hơn làn sóng bể”. Đúng là dư luận có sức công phá kinh khủng, nếu không có bản lĩnh có thể bị dìm chết. Nhưng bản lĩnh con người ngoài những gì sẵn có, còn phải qua rèn luyện thử thách rất nhiều…

Hoa hậu, người đẹp còn rất trẻ, họ rất dễ bị dư luận làm cho mình rơi vào ảo tưởng, chủ quan, khi vấp váp thì bi quan, chán nản, đó là điều đáng lo hơn cả… Nói đến bản lĩnh thì thì tôi không dám bàn nhiều, chỉ mong sao những hoa hậu, người đẹp luôn tự tin, đón nhận dư luận một cách bình tĩnh, để từ đó tìm ra đâu là thật, đâu là giả, biết cách tự sửa mình, biết cách đối mặt và vượt qua một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng, thanh thản…

PV: Đồng hành cùng Hoa hậu sau cuộc thi HHVN 2016 còn có một đơn vị khác ngoài BTC HHVN. Điểm này hoàn toàn khác biệt so với những năm trước, và có vẻ được xem là khá chuyên nghiệp. Ông nghĩ sao ạ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Đồng hành cùng Hoa hậu, dù là ai, nếu làm cho hình ảnh Hoa hậu Việt Nam tốt đẹp hơn đều đáng quý cả. Tôi thiển nghĩ vậy .

PV: Cuộc thi HHVN 2016 bị nhận xét là “bội thu scandal”. Là cha đẻ cuộc thi, cảm xúc của ông ra sao? Phải chăng “thế thời thời phải thế”? Như ông từng chia sẻ, nếu như ngày xưa mạng xã hội phát triển mạnh như bây giờ, các hoa hậu thời trước chắc không tránh khỏi sóng gió ba đào?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Tôi không có điều kiện theo dõi hết những ý kiến khen chê HHVN 2016. Nhưng, những năm gần đây sau những cuộc sắc đẹp (thi sắc đẹp theo tôi là cuộc thi trên lĩnh vực rất nhạy cảm) thường có nhiều dư luận trái chiều. Theo tôi thì thời nào cũng có ý kiến khen chê, vấn đề là có đúng không, có chuẩn xác không mà thôi…

PV: Xin hỏi ông câu hỏi cuối cùng. BTC lại bị đồn lộ câu hỏi ứng xử, vì trong quá trình luyện tập các cô đã được học... Tôi thì cho đây là chuyện thường tình. Thi mà. Cũng như đi thi học sinh giỏi, chúng ta được ôn thi. Và ôn luyện trước khi thi chính là tôn trọng khán giả. Còn cơ bản vẫn là “cái gốc” ở các cô. Ý kiến của ông như thế nào ạ?

Nhà thơ Dương Kỳ Anh: Thời trước theo như tôi biết BTC chỉ định hướng cho thí sinh những lĩnh vực mà ban giám khảo có thể đặt câu hỏi ứng xử. Báo Tiền Phong thậm chí còn mở cuộc thi đặt câu hỏi ứng xử công khai trên báo cho các thí sinh. (Năm vừa rồi tôi thấy báo vẫn làm vậy).

Tất nhiên, như trên đã nói, lời đồn mà, lời đồn có thể đúng, có thể sai, vấn đề là phải kiểm chứng. Hãy để thời gian trả lời tất cả. Còn cá nhân tôi, tôi tin anh chị em ở báo Tiền Phong…

Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam: "Thời gian là thẩm phán công bằng nhất"