Hàng trăm đơn thư khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng cũng đã được phản hồi. Quá trình xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm vụ kiện cũng đã được tiến hành, song vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng...
Thậm chí vụ kiện ngày càng rối rắm hơn khi “bị đơn” đưa ra nhiều chứng cứ đề nghị Toà bác tư cách khởi kiện của Ngân hàng Bắc Á.
Sau quá trình dài xét xử vụ án chưa thể đưa ra phán quyết cuối cùng, thì bất ngờ mới đây bà Nhiễu và ông Cương - bị đơn của vụ kiện lại đưa ra nhiều chứng cứ khẳng định, Ngân hàng Bắc Á hoàn toàn không có tư cách khởi kiện gia đình mình liên quan đến việc mua bán tài sản là Khách sạn Almaz số 21/52 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội.
Về vấn đề này, Luật sư Đặng Minh Tuệ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) hỗ trợ pháp lý cho ông Cương cũng đã phân tích và đưa ra nhiều căn cứ, bằng chứng có sức thuyết phục nhằm bác những lý lẽ của Ngân hàng Bắc Á.
Do tranh chấp kéo dài, gia đình ông Lê Tân Cương và bà Nguyễn Thị Nhiễu cũng chịu nhiều thiệt hại
Cụ thể, vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà đất tại số 21/52 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội” đã được TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm bằng Bản án số 05/2010/DS-ST ngày 11/5/2010 và TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm bằng Bản án số 140/2011/DSPT. TANDTC kháng nghị và ra Bản án giám đốc thẩm xử hủy cả hai bản án trên để giải quyết lại theo thủ tục chung. Tất cả các bản án này đều xác định Ngân hàng Bắc Á là nguyên đơn và bà Nhiễu, ông Cương là bị đơn, xác định Ngân hàng Bắc Á là "bên mua" trong Hợp đồng mua bán nêu trên. Tuy nhiên, căn cứ để hủy bỏ hai bản án nêu trên của TANDTC theo Quyết định giám đốc thẩm số 394/2014/DS-GĐT ngày 24/9/2014 là cần phải xem xét và xác định lại mức độ lỗi của hai bên mua và bán.
Cũng theo Luật sư Tuệ, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm này, bà Nhiễu, ông Cương đều chung quan điểm cho rằng: Hợp đồng mua bán nhà ngày 19/01/1999 và các tài liệu giao dịch khác giữa bên bán và ông Dũng về việc mua nhà không hề xác định Ngân hàng Bắc Á là bên mua; và đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Trọng Dũng theo Giấy ủy quyền ngày tháng năm nào.. ? mà chỉ xác định Bên mua là ông Nguyễn Trọng Dũng, CMTND số 181892850 cấp ngày 19/9/1998 tại Nghệ Tĩnh, địa chỉ tại 61 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội. Nếu xác định ông Nguyễn Trọng Dũng là đại diện cho Ngân hàng Bắc Á mua nhà thì hợp đồng mua nhà phải đề bên mua là Ngân hàng Bắc Á và người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Trọng Dũng, như thế mới phù hợp.
“Quá trình đàm phán mua bán nhà, ông Dũng không giao dịch với tư cách là đại diện cho Ngân hàng TMCP Bắc Á mua mà ông Dũng chỉ nói ông Dũng là người mua. Việc thanh toán tiền mua nhà cũng do ông Dũng đứng ra trả tiền cho cho tôi và bà Nhiễu. Sau đó, tôi và bà Nhiễu đã dùng số tiền đó trả nợ tiền vay cho Ngân hàng Bắc Á, chứ không phải do Ngân hàng Bắc Á trả tiền cho bà Nhiễu và tôi”, ông Cương cho biết.
Thực tế, tại Bản cam kết về việc mua bán nhà số 21 đường Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ đều do ông Dũng viết tay và ký Bên mua là ông Nguyễn Trọng Dũng, không thấy có câu chữ nào nhắc đến Ngân hàng TMCP Bắc Á là bên mua. Tại Bản thỏa thuận một số cam kết về việc mua bán nhà này (do ông Dũng viết tay), hai bên đã thống nhất bổ sung một số quyền và nghĩa vụ như: Ông Dũng đồng ý để ông Lê Tân Cương được ở lại Khách sạn. Đồng thời, ông Dũng còn thống nhất cho ông Cương và bà Nhiễu được nhận lại nhà trong thời hạn 04 năm nếu trả đủ số tiền mua nhà. “Nếu ông Dũng chỉ thực hiện việc mua bán nhà theo ủy quyền mà Ngân hàng TMCP Bắc Á xuất trình thì ông Dũng không thể tự ý thỏa thuận ngoài phạm vi ủy quyền được” - ông Cương cho biết.
Luật sư cho biết, quá trình mua bán nhà, ông Dũng không hề xuất trình văn bản ủy quyền nào của Ngân hàng TMCP Bắc Á cho bên mua để thể hiện ông Dũng là đại diện cho Ngân hàng Bắc Á mua nhà. Đối với Giấy ủy quyền ngày 04/12/1998, do Ngân hàng xuất trình tại Tòa án, qua xem xét cho thấy Giấy ủy quyền này không phải là văn bản ủy quyền của Ngân hàng TMCP Bắc Á cho ông Dũng đại diện cho Ngân hàng này mua nhà với bà Nhiễu và ông Cương.
Theo nội dung của Giấy ủy quyền trên, Ngân hàng TMCP Bắc Á đã ủy quyền cho ông Dũng “thay mặt Ngân hàng Bắc Á đứng ra làm thủ tục mua bán ngôi nhà số 16 Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội mà hiện tại đang thế chấp tại Ngân hàng Bắc Á”.
Thực tế tài sản mà ông Dũng đứng ra đàm phán, ký kết và thực hiện Hợp đồng mua bán với bà Nhiễu và ông Cương là Khách sạn ALMAZ có địa chỉ tại 21 Tô Ngọc Vân, Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội. Và Khách sạn ALMAZ vào thời điểm ông Dũng mua hoặc thời điểm Ngân hàng TMCP Bắc Á ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 04/12/1998 cho ông Dũng không phải là tài sản thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bắc Á.
“Giấy ủy quyền này hoàn toàn có thể do Ngân hàng lập ra sau này để hợp thức cho việc khởi kiện của Ngân hàng. Hơn nữa, tôi cũng cho rằng do Ngân hàng TMCP Bắc Á không phải bên mua nên hoàn toàn không có các tài liệu, chứng từ thể hiện việc thanh toán tiền mua nhà được thể hiện trong hồ sơ kế toán, tài chính của Ngân hàng TMCP Bắc Á. Ngân hàng TMCP Bắc Á không phải là bên mua nhà là một tình tiết mới trong vụ án”, Luật Sư Tuệ khẳng định.
Được biết tại giai đoạn xét xử trước đây, bà Nhiễu, ông Cương với tư cách là bị đơn (và cũng là bên bán nhà) đều không có quan điểm phản đối tư cách Ngân hàng TMCP Bắc Á là bên mua. Căn cứ vào quy định của khoản 2 Điều 80 BLTTDS thì các cấp Tòa xét xử trước đây không xem xét đến tư cách khởi kiện của nguyên đơn và giải quyết yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Bắc Á là có căn cứ.
Tuy nhiên, hiện vụ án được TAND quận Tây Hồ đưa ra xét xử lại, và người đại diện pháp lý của gia đình bà Nhiễu, ông Cương nhận thức được Ngân hàng Bắc Á không phải là bên mua nên đang có đơn đề nghị TAND quận Tây Hồ xem xét tư cách khởi kiện của nguyên đơn.
"Trên cơ sở pháp lý, gia đình tôi quyết định làm đơn phản tố đề nghị TAND quận Tây Hồ (Hà Nội) giải quyết theo quy định của pháp luật, bác toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng TMCP Bắc Á với lý do Ngân hàng này không có tư cách khởi kiện đối với Hợp đồng mua bán nhà số 21/52 Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội” - ông Cương nói.
Thiết nghĩ, vụ việc đã kéo dài 20 năm, dù muốn hay không thì hai bên (Ngân hàng Bắc Á và gia đình ông Cương) đều chịu quá nhiều thiệt hại. Con đường tố tụng loanh quanh còn dài chưa biết đến bao giờ kết thúc? Có lẽ ngoài sự trông chờ phân xử của pháp luật thì sự nhường nhịn, chia sẻ và thương lượng là cần thiết cho cả hai phía hiện nay.
Báo Công lý sẽ trở lại thông tin vụ việc khi có tình tiết mới.