Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND TP Hà Nội

Mai Đỉnh| 30/07/2022 09:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 29/7, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội có cuộc làm việc với TAND TP Hà Nội về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022.

Dự buổi làm việc có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng, cùng các thành viên Hội đồng Thẩm Phán TANDTC.

Buổi làm việc còn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.

Về phía TAND hai cấp TP Hà Nội, có đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP Hà Nội; các đồng chí Phó Chánh án, Chánh Tòa chuyên trách, Trưởng phòng, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký TAND TP Hà Nội, cùng Chánh án, Thẩm phán Tòa án các quận, huyện.

Nhiều kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng xét xử tại TAND TP Hà Nội

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP Hà Nội báo cáo kết quả công tác kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2022, và việc triển khai cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại TAND hai cấp TP Hà Nội.

tand-tp-hn6.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi làm việc

Theo đó, công tác chuyên môn trong 09 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ công tác trong bối cảnh tình hình tội phạm còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại gia tăng; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh với việc khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế và tham nhũng lớn.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phiên tòa phải hoãn vì lý do đương sự bị mắc Covid-19. Nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi của TANDTC, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cùng sự cố gắng, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, nên TAND hai cấp TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, đã thụ lý 32.135 vụ việc các loại; giải quyết 23. 306 vụ việc, đạt tỷ lệ 72,52%. So với cùng kỳ năm 2021, số thụ lý tăng 911 vụ việc, số giải quyết tăng 396 vụ việc. 

Trong đó, án hình sự: thụ lý 7.028 vụ/13.549 bị cáo; Án dân sự: thụ lý 6.659 vụ; Án hôn nhân và gia đình: Thụ lý 13.634 vụ; Án kinh doanh thương mại: Thụ lý 2.786 vụ; Án lao động và Án hành chính cũng tăng... Đặc biệt, trong đó có nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, điển hình như: Vụ án Nguyễn Anh Quốc và đồng phạm bị truy tố về tội "Lợi dụng chức chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; Vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm bị truy tố về các tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", "Lợi dụng chức quyền chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan. 

tand-tp-hn1.jpg
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc

Trong công tác triển khai cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, TAND TP Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ có tính hiệu lực cao, phải kể đến: Tích cực tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp; Đẩy mạnh tranh tụng, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, hạn chế oan sai; Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm đảm số lượng, chất lượng; tăng cường giáo dục đào tạo, nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ Tòa án; Tăng cường cải cách hành chính. Trong đó, (1) triển khai việc tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án, (2) tăng cường việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Tòa án, (3) triển khai việc xét xử trực tuyến; Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động Tòa án. 

Bên cạnh thuận lợi đã đạt được, thì TAND TP Hà Nội vẫn còn một số vụ án quá hạn, đặc biệt là án hành chính chậm giải quyết. Nguyên nhân của những tồn tại trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Một số quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn; về thủ tục giải quyết vụ việc phá sản trong trường hợp vắng mặt người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán tại Luật phá sản; Khó khăn về cơ sở vật chất, biên chế...

Đề xuất, kiến nghị tại buổi làm việc, lãnh đạo TAND TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật như: Luật phá sản, Luật tổ chức Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính,... cho phù hợp thực tiễn.

Cần quan tâm về vấn đề biên chế cho TAND hai cấp TP Hà Nội (với đặc thù là Tòa án Thủ đô thường xuyên phải giải quyết các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp) nói riêng để góp phân nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử; bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc. Đặc biệt là kinh phí liên quan đến việc tổ chức xét xử các vụ án lớn; cơ sở vật chất, kinh phí cho việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc tổ chức xét xử trực tuyến.

Tiếp tục đầu tư xây dựng, sửa chữa một số đơn vị TAND cấp huyện, TP Hà Nội. Riêng đối với dự án đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của TAND TP Hà Nội, đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố đôn đốc các nhà thầu thi công khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án.

tand-tp-hn2.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định quan tâm, ủng hộ 
hơn nữa các vấn đề xây dựng nghành Tòa án TP Hà Nội.

Nhiệm vụ công tác trọng tâm trong thời gian tới, TAND TP Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết; các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố liên quan đến công tác của ngành, đặc biệt là việc triên khai cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cũng như làm tốt công tác khác theo đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử; tập trung mọi nguồn lực để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đột phá giải “Nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, khắc phục có hiệu quả việc chậm xử lý đơn khởi kiện, án quá hạn thời hạn xét xứ, án tạm đình chỉ không có căn cứ pháp luật".

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiễn hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc; Triển khai có hiệu quả Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

tand-tp-hn4.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ; Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công vụ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”; Xây dựng, củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Tòa án.

Hướng đến là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về cải cách tư pháp tại TAND

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao, ghi nhận và biểu dương sự cố gắng và những kết quả thực hiện các nhiệm vụ của TAND TP Hà Nội 9 tháng đầu năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. 

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong nhiều năm qua, TAND TP Hà Nội phối hợp rất là tốt với Thường trực Thành ủy Hà Nội, cũng như thường xuyên cung cấp những thông tin mà bên Thường trực thành ủy quan tâm chỉ đạo.

tand-tp-hn3.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Chính, Thành ủy viên, Chánh án TAND TP Hà Nội trình bày các kiến nghị tại buổi làm việc

Cũng như qua đánh giá chung của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, TAND TP Hà Nội đã cùng với các cơ quan tư pháp khác chấp hành và thực hiện rất là nghiêm túc những vụ án mà được Trung ương và TANDTC ủy nhiệm xét xử tại Hà Nội, theo một nguyên tắc là thượng tôn pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với đề án quan tâm chỉ đạo, đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp của Hà Nội, trong đó có xây dựng Tòa án 2 cấp TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết thông tin, hiện nay phía Thành ủy Hà Nội đã cập nhật và đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025. Về đề xuất đầu tư CNTT để xét xử trực tuyến tại TAND TP Hà Nội, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định rất đồng tình ủng hộ, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp, báo cáo với các bên liên quan để triển khai tiếp.

Thay mặt Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết kiến nghị và mong muốn tới đây Ban cán sự, lãnh đạo TANDTC tiếp tục phối hợp với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quan tâm hơn nữa vấn đề xây dựng nghành Tòa án TP Hà Nội, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp, xét xử; phối hợp trong giải quyết các vấn đề về pháp lý, liên quan đến hoạt động tư pháp của TAND TP Hà Nội nói riêng.

tand-tp-hn5.jpg
Lãnh đạo, Thẩm phán, công chức và người lao động hai cấp TAND TP Hà Nội.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo TANDTC, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã quan tâm rất đặc biệt đối với các cơ quan trong khối nội chính nói chung và ngành Tòa án TP Hà Nội nói riêng. 

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, thông tin về Kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn sắp tới của Thành ủy dành cho Tòa án các quận, huyện của TP Hà Nội gần số tiền 1000 tỷ đồng mà đồng chí Phó Bí thư Thường trực cung cấp là tin hết sức quan trọng và vui mừng đối với ngành Tòa Hà Nội.

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh trách nhiệm, nỗ lực của lãnh đạo Tòa án TP Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan trong việc tham mưu cho TANDTC, Thành ủy, HĐND, UBND có được bản thiết kế và công trình Tòa án TP Hà Nội bề thế ngày hôm nay. Đồng chí cũng tuyên dương và đồng cảm với số lượng án lớn mà Tòa án hai cấp TP Hà Nội phải xét xử (hơn 30.000 vụ việc), xét xử đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp. Đặc biệt, giải quyết tốt các vụ án mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao đạt chất lượng cao, xã hội đồng tình.

Thời gian tới, đồng chí Chánh án Nguyễn Hòa Bình yêu cầu TAND TP Hà Nội cần phát huy những thành quả đã đạt, là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Đối với só lượng án còn tồn đọng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đề nghị UBND TP Hà Nội quan tâm, tăng cường phối hợp với Tòa án TP Hà Nội đưa ra các giải pháp tháo gỡ như, đối thoại, xét xử trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử của TAND TP Hà Nội