Giá cước vận tải container đường biển quốc tế lại tăng phi mã khiến chi phí bị đội lên cao, làm cho sản phẩm của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hiện các doanh nghiệp hết sức lo lắng vì giá cước vận tải container tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thực tế, đã có nhiều đơn hàng bị hủy vì đối tác chuyển đến địa điểm lấy hàng gần hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang trong giai đoạn bận rộn nhất với các đơn hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm. Nhu cầu tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực đang hồi phục nhưng doanh nghiệp lại vấp phải nỗi lo về giá vận chuyển.
Nhóm nghiên cứu đến từ Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đưa ra nhận định, nếu giá cước tàu biển tiếp tục tăng mất kiểm soát sẽ lại trở thành tác nhân gây hại cho nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt có nguy cơ đánh mất thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146/2016/NĐ-CP về niêm yết giá cước, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, để kiểm soát được cước vận chuyển, phụ phí vận chuyển tăng không kiểm soát. Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng cũng tăng cường trao đổi thông tin về thị trường giá cước, container rỗng để giải quyết vấn đề giá cước tăng của các hãng vận chuyển.
Về lâu dài, cần có quyết sách phát triển đội tàu vận chuyển hàng container mang thương hiệu Việt Nam, phục vụ các tuyến xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như châu Âu hay Bắc Mỹ… việc này sẽ giúp thị trường dịch vụ vận tải biển quốc tế ở Việt Nam đa dạng, mở rộng hơn, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, bổ sung các điều khoản chi tiết về phương thức, phạm vi quản lý và chế tài cụ thể để hãng tàu nước ngoài minh bạch, công khai giá cước, các loại phụ phí, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đàm phán, mua bán dịch vụ vận tải biển quốc tế.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc tại cảng gây thiếu container rỗng, cần khuyến khích các hãng tàu, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ngừng tiếp nhận vận chuyển các đơn hàng của doanh nghiệp đang tạm ngưng sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần chủ động đàm phán với đối tác nhập khẩu để linh động thời gian, không cố định sẵn như trước, từ đó có thời gian chờ container rỗng để gửi hàng.