Sau thời gian dài bị kìm hãm bởi đại dịch thì nay ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, một bài toán khó là việc thiếu nhân sự trong thời kỳ cao điểm lúc nào cũng làm đau đầu các nhà quản lý. Vậy giải pháp để khắc phục tình trạng trên liệu có thể dễ thực hiện?
Sau gần 2 năm bị hạn chế bởi dịch bệnh thì nay du lịch của Việt Nam đang ghi nhận sự phát triển nhanh chóng. Các địa điểm du lịch đã có thể sẵn sàng chào đón du khách sau thời gian dài đóng cửa bảo dưỡng.
Tuy nhiên, về phần con người thì mọi thứ vẫn chưa thể về guồng quay như trước. Bởi trong thời gian dịch bệnh, nhiều nhân sự ngành du lịch đã mất, nghỉ việc và buộc họ phải chuyển sang ngành khác để kiếm sống.
Cho nên việc không đủ nhân viên phục vụ tại các địa điểm du lịch đang là bài toán khó chưa thể giải quyết. Đặc biệt hiện còn đang là mùa cao điểm cho cả khách nội địa và quốc tế.
Hiện, tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.100 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 52.000 phòng, trong đó, có 96 cơ sở được xếp hạng 3-5 sao với 22.934 phòng, chiếm gần 50% tổng số phòng trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho nhân lực hậu dịch, Sở Du lịch Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phát triển nhân lực khối sản xuất kinh doanh năm 2022.
Trong quý III, Sở Du lịch sẽ tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bao gồm 2 lớp bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý khách sạn chất lượng cao, ngoại ngữ, nghiệp vụ du lịch buồng phòng.
Trong 3 năm dịch Covid-19, khoảng 70% lao động ngành du lịch ở tỉnh Khánh Hòa mất việc, chuyển việc khác.
Khi du lịch hồi phục, các doanh nghiệp gọi lao động quay trở lại làm việc, nhưng nhiều người không quay về do đã tìm được công việc mới, có người chưa thật sự tin tưởng vào sự phục hồi du lịch.
Thực tế, khách nội địa luôn có thói quen đi du lịch cuối tuần chứ không trải đều như khách quốc tế.
Vì vậy, nếu tuyển dụng nhiều lao động thì ngày thường sẽ dôi dư, tuyển vừa đủ thì lúc cao điểm lại thiếu hụt lao động, phải đi thuê công nhật (không ổn định, chất lượng thấp).
Khảo sát cho thấy nhiều khách sạn, công ty du lịch đang áp dụng biện pháp ký hợp đồng tạm thời, bán thời gian với một số lao động.
Nhiều chủ khách sạn lý giải dịch vẫn còn có thể phức tạp trở lại và nhất là lúc hết mùa cao điểm du lịch liệu dòng khách nội có còn đông như hiện nay.
Chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng cho rằng hiện tuyển dụng được lao động có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ càng khó khăn hơn.
Theo ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa, để giải quyết những vấn đề trên, doanh nghiệp nên ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động cho đến hết mùa du lịch hè, cố gắng tạo điều kiện để họ làm việc dài hạn.
“Trước mắt, các khách sạn có thể sử dụng nguồn sinh viên thực tập để bù đắp thiếu hụt những ngày cao điểm, đồng thời điều chuyển linh hoạt các bộ phận nhân viên để phục vụ lúc cao điểm”, ông Hoàng nói.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cũng thừa nhận dịch bệnh kéo dài khiến lao động chuyên nghiệp chuyển việc nhiều.
“Trong thời gian nghỉ việc một số lao động sẽ bị mai một nghề do không được thực hành trong suốt 2 năm qua, còn nhân lực mới không đáp ứng được yêu cầu. Giải pháp trước mắt theo tôi doanh nghiệp cần cải thiện về chế độ đãi ngộ để thu hút lao động; tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo để tuyển dụng lao động có tay nghề, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng lao động đủ đáp ứng nhu cầu mỗi dịp khách đông”, bà Thanh nói.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.