Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để cứu vãn quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) đang có nguy cơ bị “vỡ” là không khả thi; cần xử lý triệt để tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH hiện nay như thế nào là hai trong nhiều vấn đề được các ĐBQH quan tâm khi thảo luận về Luậ
Giải pháp tăng tuổi nghỉ hưu để cứu vãn quỹ BHXH đang có nguy cơ bị “vỡ” là không khả thi; cần xử lý triệt để tình trạng DN nợ đọng BHXH hiện nay như thế nào là hai trong nhiều vấn đề được các ĐBQH quan tâm khi thảo luận về Luật BHXH chiều 16/6.
Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là giải pháp khả thi
Theo Báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 12/2013, chỉ có 150/300 doanh nghiệp hoạt động tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 50%. Với 11/16 triệu người tham gia BHXH, chỉ chiếm 68,5%, số còn lại trên 5 triệu người không tham gia BHXH, tương ứng với khoảng 56.000 tỷ đồng/1 năm bị thất thu. Mặt khác, đến tháng 3/2014, nợ BHXH, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp đã lên đến 11.000 tỷ đồng, nhưng chưa có biện pháp thu hồi, làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu của người lao động. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Dự thảo Luật cũng thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của người lao động là: Từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm; năm 2017 là 17 năm; 2018 là 18 năm; 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
Tuy nhiên, đa số các ĐBQH không đồng tình và cho rằng, dự thảo Luật đang “đi ngược” với Bộ luật Lao động vừa có hiệu lực thi hành. ĐB Nguyễn Quang Cường (TP Hải Phòng) phân tích: Điều 187 Bộ luật Lao động quy định: “Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại... nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định này”, nay dự thảo Luật lại tăng tuổi nghỉ như vậy là không thống nhất với luật gốc.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, chỉ nên nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với Quân đội và Công an và cần cụ thể hóa trong Luật sỹ quan Quân đội nhân dân và Luật Công an nhân dân như đã nêu tại khoản 3 Điều 53.
Các ý kiến cũng nhấn mạnh, vỡ quỹ BHXH do nhiều nguyên nhân như không thu được do doanh nghiệp trốn đóng BHXH, bộ máy cồng kềnh... chứ không phải do tuổi nghỉ hưu thấp. Hơn nữa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ làm hạn chế khả năng tiếp cận việc làm của lao động trẻ. Ngoài ra, cách tính lương hưu hàng tháng như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Đáng lo về tình trạng nợ đọng BHXH
Theo báo cáo số liệu của Ủy ban Các vấn đề xã hội, số tiền nợ BHXH đến nay gần 5.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2013 có 521 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền trên 1.600 tỷ đồng, chiếm 34% tổng số nợ BHXH. Đây là con số khá lớn, do vậy, các ĐBQH cũng kiến nghị, trước tình trạng này cần phải có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Nhiều ý kiến đồng ý tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH Việt Nam trong việc thanh tra thực hiện pháp luật BHXH, vì cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn, liên quan đến an sinh xã hội, không xem BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đơn thuần như các cơ sở y tế, giáo dục... mà là một tổ chức tài chính, có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác.
Theo quy định của dự thảo Luật, cơ quan BHXH được phép đầu tư phần kết dư quỹ BHXH bằng hình thức “gửi tiền tại ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ” và hình thức đầu tư “ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư”.
Từ ngày 4/4/2008 - 5/8/2009, BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho Công ty Cho thuê tài chính II vay vốn với tổng số tiền 1.010 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ trả được gần 300 tỷ đồng, còn nợ trên 700 tỷ đồng và khả năng trả nợ của công ty là rất thấp; Công ty cam kết trả nợ cho BHXH Việt Nam mỗi quý là 5 tỷ đồng. Như vậy, để trả được hết khoản nợ này phải mất 40 năm, chưa tính khoản lãi.
Nhiều ĐB cũng đặt câu hỏi, về việc này, việc xử lý kỷ luật ở đơn vị, chưa thấy ai là người có trách nhiệm phải hoàn trả hay bồi thường số tiền cho vay sai đó. Vì theo quy định, BHXH Việt Nam chỉ được phép cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn, trong khi Công ty Cho thuê tài chính II không thuộc đối tượng này.
Từ lý do trên, các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về chi phí quản lý của bộ máy; sử dụng phần sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và hiệu quả, tránh tạo ra kẽ hở cho việc lạm dụng số tiền BHXH, trong khi quỹ BHXH là do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp, chứ không phải tiền của ngân sách Nhà nước hay của xã hội “phân bổ” cho người lao động.
ILO dự báo, đến năm 2021 quỹ BHXH thu không đủ chi Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành thì quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm, để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu. Nguy cơ về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất được lý giải bởi một số nguyên nhân: Tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ bảo hiểm xã hội; tỷ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu còn chưa hợp lý; số người đóng bảo hiểm xã hội cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm; tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn (số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài... |