Tâm điểm dư luận

“Giải mã” những vấn đề về thị trường bất động sản

Trung Nguyễn 18/08/2023 - 09:04

Thị trường bất động sản (BĐS) hiện có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên hiện nay thị trường BĐS đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Các quy định hiện hành còn thiếu hoặc lỏng lẻo để thị trường BĐS phát triển thiếu kiểm soát, không có quy hoạch, kế hoạch, chạy theo lợi nhuận, phong trào. Cơ cấu sản phẩm BĐS không phù hợp, dư thừa BĐS thuộc phân khúc cao cấp, thiếu BĐS thuộc phân khúc trung bình và thấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của đại đa số người dân. Thị trường BĐS đã có lúc rơi vào tình trạng “nóng”, “lạnh” bất thường, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế…

Từ những bất cập trên, yêu cầu cơ bản, xuyên suốt là việc hoàn thiện cơ chế pháp lý đồng bộ và thực thi minh bạch thông tin thị trường. Bên cạnh đó, giải pháp về cơ chế, chính sách và tổ chức thực thi đối với lĩnh vực nhà ở xã hội sẽ góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội, bảo đảm về chất lượng, đáp ứng được mức sống ngày càng cao của người dân và phù hợp xu hướng phát triển bền vững, là động lực phát triển kinh tế xã hội.

Tại phiên họp thứ nhất của Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, các thành viên đoàn giám sát đã thảo luận, góp ý kiến về Kế hoạch và đề cương của đoàn giám sát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023…

Theo Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội về thành lập đoàn giám sát, mục đích giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội.

Đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội; hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua.

Về nội dung giám sát, đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS, đoàn sẽ tập trung giám sát các nội dung về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường BĐS; công tác quy hoạch; tình hình hoạt động của doanh nghiệp BĐS; việc triển khai các dự án BĐS; tín dụng của thị trường BĐS; các nguồn vốn tín dụng cho thị trường BĐS; kinh doanh dịch vụ BĐS; công khai, minh bạch thông tin về thị trường BĐS; điều tiết thị trường BĐS; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong kinh doanh BĐS; thông tin, truyền thông để hỗ trợ phát triển thị trường BĐS…

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát các nội dung về chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; về quản lý, vận hành nhà ở xã hội; công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát nêu rõ: Chuyên đề giám sát có nội dung, phạm vi giám sát rộng, là lĩnh vực khó, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương và nhiều đối tượng chịu sự tác động.

Do đó, một trong những mục đích, yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đoàn giám sát, là phải đề cao trách nhiệm, góp phần “giải mã” được thực chất những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để quá trình tiếp tục hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật tốt hơn.

Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội, nhân dân và cử tri. Nội dung giám sát là vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội; là vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, đã và đang ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của nhân dân.

Vì vậy, Đoàn giám sát xác định cần tiếp tục tinh thần đổi mới, cải tiến trong cách làm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, hành động trong tư duy, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Giải mã” những vấn đề về thị trường bất động sản