Mới đây, tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Chí Thanh đã diễn ra phiên tòa giả định với tình huống cụ thể, sát thực tế, nhằm trang bị kiến thức về luật pháp; đồng thời, định hướng pháp luật và công việc cho các em học sinh phổ thông.
Phiên tòa giả định sát với thực tế
Phiên tòa được tổ chức vào ngày chủ nhật nhưng từ sáng sớm, hàng trăm học sinh của các trường THPT trên địa bàn TP. Pleiku đã có mặt đông đủ để theo dõi. Đối với các em, phiên tòa này còn khá mới mẻ nên hầu như các em đều tập trung lắng nghe các tình tiết, các hành động từ các tình huống giả định. Chủ tòa phiên tòa cũng như các thẩm phán, các bị cáo, bị hại đều được các cán bộ TAND tỉnh Gia Lai nhập vai diễn xuất tốt. Đại diện VKS và đại diện Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai cũng đã có những tranh luận hợp lý tại phiên tòa.
Không khí trang nghiêm bao trùm khu vực “xử án” khi HĐXX chính thức bước vào “phiên tòa”. Mọi người đều giữ trật tự để theo dõi quá trình xét xử hai “bị cáo” tên là Minh và Phong (đang theo học THPT) về tội “Giết người” và “Cố ý gây thương tích”. Vì một phút nông nổi của tuổi trẻ, trong ngày sinh nhật của bạn mình ở quán karaoke Minh và Phong đã cướp đi một mạng người và làm một người bị thương.
Sự việc xuất phát từ một mâu thuẫn nhỏ, nhân dịp một người bạn tổ chức sinh nhật và mời 20 người bạn đến tham dự, trong đó, có Nguyễn Ngọc Minh, Trần Hoàng Phong và Ngô Đức Hùng. Trước khi đi, Minh có cầm theo một con dao gấp (dài khoảng 19 cm). Trong lúc ngồi uống bia tại phòng karaoke, giữa Hùng và Phong xảy ra xô xát với nhau dẫn đến hai bên thách thức nhau. Nhân lúc Minh ra ngoài đi vệ sinh, Phong kể lại chuyện Hùng thách thức đánh nhau. Nghe vậy, Minh và Phong liền quay lại phòng hát, tại đây, Minh đã rút dao từ trong túi quần ra và đâm một nhát vào đùi của Hùng sau đó chạy ra ngoài.
Lúc này, Phong đang ở trong và bị Hùng giữ lại, giữa Phong với nhóm bạn của Hùng lập tức xảy ra đánh nhau. Đợi ở ngoài nhưng không thấy Phong ra, Minh liền quay lại, thấy bạn mình bị đánh, Minh đã nhảy vào đâm Hùng và bạn của Hùng. Vì vết thương quá nặng lại mất máu nhiều, nên Hùng đã tử vong tại bệnh viện.
Riêng hai đối tượng Minh và Phong sau khi gây án, biết mình không trốn được nên đã ra Công an đầu thú.
Các em học sinh chăm chú theo dõi "phiên tòa"
Những bài học được rút ra
Trò chuyện với chúng tôi Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh Nguyễn Thanh Huệ cho biết: “Việc tổ chức phiên tòa giả định hướng đến tầng lớp thanh - thiếu niên trong trường học là rất cần thiết. Tình huống rất sát với thực tế, phù hợp với việc giáo dục giới trẻ vị thành niên… Qua đây, chúng tôi cũng mong nhận được sự hợp tác trong việc “dạy chữ, rèn người” của xã hội và các bậc phụ huynh”.
Tất cả học sinh có mặt đều theo dõi một cách chăm chú và cảm thấy xót thương cho người cha già ngày càng tiều tụy vì đã mất đi một người con. Bên cạnh đó, mọi người cũng lên án hành vi của Minh và Phong, chỉ vì một phút nông nổi, không làm chủ được bản thân mà đã cướp đi tính mạng của một người bạn, còn bản thân phải dính vào vòng lao lý, đánh mất tuổi thanh xuân trong tù với mức án 12 năm tù dành cho Minh và 8 năm 9 tháng tù dành cho Phong.
Phiên Tòa trang nghiêm rút ra nhiều bài học bổ ích về giáo dục pháp luật
Ông Võ Tiến Sỹ, cán bộ TAND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Phiên tòa này đã được chúng tôi xem xét rất kỹ về nội dung cũng như các tình tiết, làm sao để khi xét xử xong, các học sinh nhận thức được hành vi sai trái của các bị cáo, từ đó, sống tốt hơn, tránh những cuộc vui chơi khi có rượu bia, đặc biệt là, khi theo dõi xong phiên tòa, các em sẽ định hướng được nghề nghiệp của mình”.
Luật sư Quang Phạm (Trưởng văn phòng luật sư Phạm Ngọc Quang tại Gia Lai) tâm sự thêm: “Với tư cách là luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa, tôi cũng mong các em ở dưới hiểu rõ hơn về luật pháp Việt Nam, đồng thời, cũng giúp các em rút kinh nghiệm và lựa chọn cách hành xử tốt nhất, tránh việc rơi vào vòng lao lý…”.
Về phía các học sinh theo dõi phiên tòa, em Huỳnh Bảo Nhi (học sinh lớp 12, trường THPT Lê Lợi) không giấu được cảm xúc của mình đã chia sẻ: “Hiện tại, em đang là học sinh, môn học Giáo dục công dân cũng đã đề cập đến lối sống lành mạnh nhiều, nhưng khi em được tham dự và theo dõi phiên tòa này, em đã học hỏi được rất nhiều thứ rất thực tế. Một số ít các bạn cùng trang lứa, hay nông nổi nên thường gây nên hậu quả khôn lường. Em nghĩ rằng, mỗi học sinh như chúng em phải biết phấn đấu học tập tốt, ngoan ngoãn lễ phép với tất cả mọi người, đặc biệt, phải biết kiềm chế cảm xúc của bản thân; sống phải có trách nhiệm với mình và xã hội…”.
Phiên tòa giả định với những con người giả định, nhưng đã để lại những bài học thật cho đông đảo các em học sinh có mặt theo dõi, giúp các em nhận thức được những hành động của mình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Qua đó, cũng là hồi chuông cảnh báo cho những kẻ xem thường pháp luật, cuối cùng sẽ không tránh khỏi những hình phạt thích đáng.
Phần cuối chương trình - sau khi kết thúc phiên tòa đã diễn ra chuyên mục hỏi đáp pháp luật, các học sinh đã có những câu hỏi rất thiết thực liên quan đến “bạo lực học đường và các biện pháp phòng tránh” và đã được các chuyên gia tư vấn, giải đáp một cách sâu sắc nhất.