Gia cố thành trì “Vùng xanh” để bảo đảm sản xuất

Tuấn Phong| 13/08/2021 09:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tấn công mạnh vào các khu công nghệp, khu chế xuất, “3 tại chỗ” (ăn, ở và sản xuất tại chỗ) là một mô hình, sáng kiến an toàn cho sản xuất, được coi là thành trì của sản xuất thời Covid-19 khi các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đã áp dụng thành công.

anh-1.jpeg
Kinh nghiệm từ Bắc Giang, Bắc Ninh cho thấy, mô hình “3 tại chỗ” vẫn có thể áp dụng thành công ở các tỉnh phía Nam nếu DN xây dựng được kế hoạch sản xuất khoa học.

Thực tế, ngay khi dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phía Nam, 618 doanh nghiệp (DN) trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh đã hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”. Con số DN áp dụng mô hình này ở địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 400 DN và Bình Dương là 2.500 DN...

Với sự đồng lòng, quyết tâm cao từ chính quyền, DN và người lao động, cơ bản hoạt động sản xuất diễn ra an toàn, giữ vững được chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, chế xuất lớn.

Tuy nhiên, thành trì “3 tại chỗ” đã bị lung lay, bộc lộ nhiều bất cập, khi dịch bệnh đã len lỏi vào các nhà máy, xuất hiện một số ổ dịch trong các doanh nghiệp có lượng công nhân lớn.

anh-2.jpeg
Công nhân được kiểm tra thân nhiệt trước khi đến nhà máy (thực hiện mô hình “Một cung đường 2 điểm đến”

Sau 3 tuần thực hiện “3 tại chỗ”, có tới 90% doanh nghiệp hoạt động trong các ngành dệt may, điện tử, da giày, gỗ mỹ nghệ tại phía Nam đã phải dừng hoạt động vì các ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Còn tại Bình Dương - tâm dịch thứ 2 sau thành phố Hồ Chí Minh, đã có hàng trăm DN phải dừng hoạt động sau khi phát hiện các ổ dịch mới trong DN “3 tại chỗ”.

Đặc biệt, trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam (chiếm 65% lượng thủy sản xuất khẩu cả nước) đã có 21 nhà máy xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, 103 nhà máy phải tạm đóng cửa, chỉ có 82 nhà máy áp dụng được “3 tại chỗ”...

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, việc triển khai “3 tại chỗ” được kỳ vọng là “cứu cánh” cho các DN vừa chống dịch, vừa sản xuất, nhưng với các DN phía Nam, điều này không đơn giản.

anh-3.jpeg
Cán bộ Y tế lấy thông tin cụ thể từ công nhân nhà máy về sức khỏe

 Bởi, các DN sản xuất có quy mô rất lớn với hàng nghìn, thậm chí hàng vạn công nhân nhưng diện tích nhà xưởng chật hẹp, nên việc áp dụng “3 tại chỗ” gặp nhiều rủi ro. Nhiều DN sau một thời gian cầm cự đã không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn dịch bệnh vì chi phí ăn, ở tập trung quá lớn nên phải dừng hoạt động.

Nguy cơ đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng tại khu vực phía Nam đang hiện hữu khi số lượng nhà máy phải ngừng hoạt động gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung hàng hóa cho cả nước và phục vụ xuất khẩu. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực thủy sản, công suất các nhà máy chế biến thủy sản của cả vùng Nam bộ giảm 30 - 40%, khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 7-2021 cả nước giảm 4% so với cùng kỳ năm 2020.

Kinh nghiệm từ Bắc Giang, Bắc Ninh cho thấy, mô hình “3 tại chỗ” vẫn có thể áp dụng thành công ở các tỉnh phía Nam nếu DN xây dựng được kế hoạch sản xuất khoa học, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là sự “đồng cam cộng khổ”, quyết tâm của các cấp chính quyền, DN và người lao động trong thực hiện giãn cách xã hội.

anh-4.jpeg
Thành trì “Vùng xanh” được củng cố đảm bảo sản xuất duy trì.

Trong đó, quan trọng nhất là cơ sở vật chất phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch sau khi đã hoán đổi công năng để làm nơi ăn, ở của công nhân và ngăn ngừa mọi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nhà máy.

Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là bắt buộc công nhân phải xét nghiệm PCR 2 lần âm tính trước khi đưa vào nhà máy. Khi đã có đội ngũ công nhân “sạch”, DN phải quản lý, kiểm soát khắt khe để bảo vệ bằng được các “vùng xanh” an toàn trong chuỗi sản xuất.

Mỗi lĩnh vực sản xuất, mỗi vùng miền có đặc thù riêng, vì thế, khi áp dụng "3 tại chỗ", từng chủ DN cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với ngành nghề hoạt động.

Đặc biệt, để “3 tại chỗ” được duy trì dài hơi cần phải đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin cho 100% người lao động, được xem như giải pháp căn cơ, bền vững nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia cố thành trì “Vùng xanh” để bảo đảm sản xuất