GHPG Việt Nam: Không quy kết ông Phạm Văn Cung lừa đảo

Như Loan| 26/09/2020 21:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) khẳng định trong công văn phúc đáp ông Phạm Văn Cung (pháp danh trước đây là Thích Phước Ngọc).

Từ một lá đơn đề nghị xin thôi sinh hoạt tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam, bản thân ông Phạm Văn Cung lại chịu búa rìu dư luận xung quanh những thông tin thiếu căn cứ.

Theo đó, một số phương tiện truyền thông có đăng tải nội dung: Đại đức Thích Phước Ngọc “bị kỷ luật, phải hoàn tục, bị xóa tên tu sĩ vì bị tố giác lừa đảo chiếm đoạt tiền” và thông báo trong toàn thể các Ban trị sự GHPG các tỉnh. 

GHPG Việt Nam: Không quy kết ông Phạm Văn Cung lừa đảo

Ông Phạm Văn Cung (Đại Đức Thích Phước Ngọc)

Bản thân ông Phạm Văn Cung rất bất ngờ trước hàng loạt các thông tin thiếu căn cứ viết về ông. Ông Cung cho biết, vào ngày 10/8, ông có gửi Đơn thỉnh nguyện với nội dung xin phép được nghỉ sinh hoạt trong GHPGVN lên Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 17/8, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long ra quyết định số 120/QĐ-BTS chấp thuận theo Đơn thỉnh nguyện của ông Cung. Trong quyết định này có ghi rõ là “căn cứ đơn xin nghỉ sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam của Đại đức Thích Phước Ngọc ngày 10/8/2020” và nội dung điều 1 của quyết định là chấp thuận cho ông Cung “được nghỉ sinh hoạt trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, để lui về gia thất hoặc trú xứ hữu duyên để tịnh tu theo nguyện vọng của mình. Như vậy, ông Cung đã chính thức nghỉ sinh hoạt và không còn là tu sĩ trong GHPGVN kể từ ngày 17/8/2020.

Tuy nhiên, vào tối ngày 22/9, ông Cung đã rất bất ngờ trước hàng loạt thông tin với nội dung: Đại đức Thích Phước Ngọc “bị kỷ luật; phải hoàn tục; bị xóa tên tu sĩ vì bị tố giác lừa đảo chiếm đoạt tiền”. Thông tin này xuất phát từ một công văn số 349/HĐTS-VP2, ngày 22/9/2020 của Văn phòng 2, Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam. Nội dung thông tin này không rõ ràng, không nêu rõ căn cứ xác minh, kết quả, giải quyết của bất cứ cơ quan pháp luật nào.

Ông Cung cho biết, đến giờ phút này chưa có bất kỳ văn bản nào của các cơ quan pháp luật các cấp của Vĩnh Long kết luận ông có dấu hiệu tội phạm.

Qua một số Tăng sĩ có trình độ Phật Pháp và nhiều năm nắm giữ chức vụ trong các Ban trị sự GHPG VN các cấp cho biết: Công văn của HĐTS thông báo như vậy là không đúng quyền hạn vì khi ban hành văn bản (ngày 22/9/2020) thì không còn tên tu sĩ “Thích Phước Ngọc” thuộc GHPG Việt Nam, bởi ông Cung đã được BTS PGVN tỉnh Vĩnh Long có quyết định đồng ý đơn xin thôi sinh hoạt GHPGVN của tu sĩ kể từ ngày 17/8/2020.

Theo quy định của Luật Phật, nếu Tăng sĩ sai phạm tới mức phải đưa ra khỏi Tăng đoàn, thì phải thực hiện đúng các quy trình rất nghiêm nhưng rõ ràng, nhân ái của luật Phật, rất nghiêm trọng mới là Tẩn xuất. Hội đồng trị sự GHPG Việt Nam không có quyền cho hoàn tục mà chỉ có các thầy độ cho tu sĩ thuộc giáo phái tu sĩ theo mới làm thủ tục hoàn tục.

Ông Cung đặt câu hỏi, GHPGVN đã ra thông báo mang tính kết luận về đơn thư tố cáo trong khi chưa tiến hành các thủ tục xác minh, giải quyết, cũng như chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có đúng không? Việc có đơn tố cáo các hành vi sai phạm luật pháp thì phải có kết luận của cơ quan điều tra hoặc có bản án rõ ràng, trên cơ sở cụ thể mới xem xét.

GHPG Việt Nam: Không quy kết ông Phạm Văn Cung lừa đảo

Văn phòng Trung ương GHPGVN khẳng định, không quy kết ông Phạm Văn Cung là lừa đảo hay vi phạm pháp luật

Vì vậy, ông Cung cho rằng Công văn số 349/HĐTS-VP2 ban hành ngày 22/9/2020 của  HĐTS GHPG Việt Nam thể hiện nội dung không rõ ràng, không có  căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, một số cơ quan làm căn cứ nội dung để đưa tin đã gây ra một làn sóng bức xúc trong nhân dân và các Phật tử về hình ảnh Tăng sĩ vi phạm pháp luật, làm vơi đi niềm tin Phật giáo.

Ông Cung chia sẻ, mỗi khi báo chí dồn dập đăng tải sự việc có liên quan đến chùa hoặc Tăng, Ni xảy ra cho dù đó là sơ xuất về việc đời hay lỗi luật Phật, thì Ban trị sự các tỉnh vào cuộc và ngay lập tức có thông báo đình chỉ chức vụ trụ trì hoặc truất trụ trì bằng các văn bản hành chính. Những văn bản này được đưa ra để thông báo có tính đáp ứng tức thời thông tin báo chí, hạ cơn bức xúc của mạng xã hội, nhưng nhiều khi sự thật không phải như vậy. Đặc biệt những thông tin, xử lý chạy theo dư luận, đơn thư chưa có căn cứ pháp luật khiến cho nguời tu hành điêu đứng bởi các văn bản này.

Ông Cung cho biết thêm, sau khi được Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Vĩnh Long chấp thuận nghỉ sinh hoạt thì ông không còn là tu sĩ trong GHPG Việt Nam. Tuy nhiên, ông vẫn là tăng sĩ thuộc Tăng già Phật giáo Sri Lanka, Đặc phái viên quốc tế Ủy ban Tuyên dương khen thưởng Phật giáo Chính phủ Sri Lanka, kiêm Chủ tịch Quỹ Phát triển trẻ em Isuru Sevana của quốc đảo này.

Liên quan đến nội dung ông Cung đề nghị, Văn phòng Trung ương GHPGVN đã có công văn phúc đáp. Trong công văn này, Văn phòng Trung ương GHPGVN khẳng định “Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN hoàn toàn không quy kết ông Phạm Văn Cung là lừa đảo hay vi phạm pháp luật”.

Cụ thể, văn bản số 352/HĐTS-VP2 ngày 25/09/2020  về việc phúc đáp đơn đề nghị của ông Phạm Văn Cung của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký – Chánh Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN ký cho biết: "Việc thông tin trên báo chí không thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Ngoài ra, văn bản cũng khẳng định Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN hoàn toàn không quy kết ông Phạm Văn Cung là lừa đảo hay vi phạm pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GHPG Việt Nam: Không quy kết ông Phạm Văn Cung lừa đảo