Ghi nhận căn bệnh “người cây” xuất hiện ở Việt Nam

Chí Tâm| 09/08/2019 21:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo y văn, thế giới ghi nhận 501 bệnh nhân và trường hợp của ông Sơn có thể sẽ nâng số này lên 502 bệnh nhân trên toàn thế giới.

Ông Nguyễn Văn Sơn (48 tuổi, ở huyện Nho Quan, Ninh Bình) được phát hiện mắc bệnh "người cây" từ gần 10 năm trước.

Theo lời kể của người nhà, từ khi lên 10 tuổi, bàn chân, bàn tay ông Sơn bắt đầu có những dấu hiệu khác lạ. Đầu tiên chỉ là những mụn cóc mềm, nhưng sau đó càng lúc càng cứng đơ, rồi trở nên xù xì. Hết lớp mụn cóc nọ đến lớp mụn cóc kia mọc lên, ngày càng lan rộng khắp hai bàn tay, bàn chân bệnh nhân.

Suốt 40 năm sống chung với căn bệnh, các mụn cóc chai sần, nứt nẻ khiến bàn tay và bàn chân của ông biến dạng, nứt nẻ như rễ cây và đến lúc già thì "rụng" đi khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn. Ông cũng không thể tự mình đi lại hay ăn uống, không thể tự tắm rửa hay cầm nắm được thức ăn bằng tay.

Gia đình đã đưa ông Sơn đi chữa bệnh, “gõ cửa” khắp nơi nhưng rồi lại thất vọng ra về. 

Ghi nhận căn bệnh “người cây” xuất hiện ở Việt Nam

Ông Sơn phải chung sống với bệnh "người cây" suốt 40 năm qua

Theo các bác sĩ da liễu, bệnh của ông Sơn được gọi là “người cây” (tree man - Epidermodysplasia verruciformis). Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920.

Bệnh "người cây" có tên khoa học là Epidermodysplasia verruciformis (EV). Nguyên nhân gây bệnh được xác định là virus HPV (Human Papillomavirus), có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người.

Y văn thế giới ghi nhận đã có 501 bệnh nhân trên toàn cầu kể từ ca đầu tiên được phát hiện và mô tả bởi Lewandowsky năm 1922. Trường hợp của ông Sơn có thể đây là ca bệnh "người cây" đầu tiên tại Việt Nam và trở thành ca thứ 502 trên thế giới.

Việc điều trị bệnh "người cây" rất phức tạp, các bác sĩ sẽ phải tiến hành các xét nghiệm gen và virus. Sau khi có kết quả mới áp dụng các liệu pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận căn bệnh “người cây” xuất hiện ở Việt Nam