Liên quan đến vụ việc người chồng chém đứt lìa hai cánh tay vợ vì nghi ngoại tình, luật sư cho biết với sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, người chồng có thể bị xử lý về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Tỷ lệ thương tích của nạn nhân là căn cứ để xác định tình tiết định khung.
Như Báo Công lý đã thông tin, ngày 15/9, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tam An, huyện Long Thành) để điều tra về hành vi chém đứt lìa 2 cánh tay vợ là chị N.T.T (27 tuổi).
Theo thông tin ban đầu, trưa ngày 13/9, do nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác nên Thái Xuân Bình gạn hỏi thì chị T. thừa nhận có quan hệ tình cảm với một thanh niên khác.
Nghe vợ nói vậy, Bình ghen tuông mù quáng rồi đi vào nhà bếp lấy dao chém vào người chị T. Lúc này chị T. đưa 2 cánh tay lên đỡ thì bị Bình chém đứt lìa.
Sau khi gây án, Bình băng bó cho vợ và gọi điện cho người nhà đến đưa chị T. đi bệnh viện cấp cứu, rồi đến Công an xã Tam An đầu thú.
Được biết, hiện chị T. đang được Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiến hành phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Sau khi báo chí thông tin, rất nhiều độc giả bức xúc và lên án hành động bạo lực của người chồng. Vậy theo quy định của pháp luật, hành vi trên có thể bị xử lý như thế nào?
Phân tích dưới góc độ pháp luật, luật sư Khương Tân Phương (Trưởng VPLS Thuận Nam, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
“Chỉ vì ghen tuông mù quáng, người chồng đã có hành động bạo lực với vợ của mình. Hành vi này thể hiện sự côn đồ hung hãn, sự ích kỷ nhỏ nhen của bản thân đã xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác nên cần thiết phải điều tra làm rõ để xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”, luật sư Phương nhìn nhận và cho biết với sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, người chồng đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 134 BLHS.
Theo luật sư Phương, trong vụ việc này, cơ quan điều tra cần nhanh chóng đưa nạn nhân đi giám định thương tích. Tỷ lệ thương tích của bị hại là căn cứ quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự, xác định tình tiết định khung đối với người chồng.
Cụ thể, việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của người vợ sẽ được tính theo Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích kèm theo Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.
Nếu nạn nhân có mức độ tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, hành vi của người chồng có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Nếu hành vi bị xác định thuộc tình tiết định khung có tính chất côn đồ, khung hình phạt có thể áp dụng với người chồng là 2 đến 6 năm tù (nếu thương tích dưới 31%) hoặc 5 đến 10 năm tù (nếu thương tích ở khoảng 31-60%).
Trong trường hợp kết quả giám định cho thấy nạn nhân có thương tích dưới 11 %, nhưng hành vi của người chồng được xác là có tính chất côn đồ, lúc này người chồng cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điểm i, khoản 1 Điều 134 BLHS.