Chúng tôi có dịp gặp lại o du kích nhỏ Lê Thị Thảo, người đã dẫn giải giặc lái Mỹ năm 1967. Hình ảnh kiêu hùng về người nữ du kích nhỏ bé ngày nào vẫn mãi là một biểu tượng đẹp trong trái tim hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Nằm cách cây cầu huyền thoại Hàm Rồng chừng vài km, chúng tôi men theo con ngõ nhỏ dẫn thôn Nhữ Xá, xã Hoằng Anh (TP Thanh Hóa) nơi o du kích Lê Thị Thảo sinh sống. Thấy có khách tới hỏi thăm, o Thảo tươi cười mời vào nhà. O du kích nhỏ Lê Thị Thảo ngày nào cầm súng dẫn giải viên phi công cao lênh nghênh cúi đầu bước qua cầu Hàm Rồng năm nào giờ đã gần 80 tuổi. Khác với dáng vẻ o du kích nhỏ tuổi 20 trẻ trung, xinh đẹp của năm 1967 hiên ngang đi bên giặc lái Mỹ, mái tóc o Thảo nay đã bạc nhưng gương mặt o thì không lẫn đi đâu được, hiền hậu mà cương nghị.
O du kích Lê Thị Thảo cùng chồng trò chuyện với PV
O Thảo sinh ra và lớn lên tại thôn Nhữ Xá, xã Hoằng Anh. Năm 1965, khi chiến dịch phá hoại của Mỹ ngày một điên cuồng, o chưa đầy 18 tuổi đã xung phong tham gia dân quân địa phương. Vào dân quân, o Thảo được phân công nhiệm vụ làm Trung đội phó dân quân, trực chiến đấu với các loại vũ khí K44, CKC, súng trường. Lúc bấy giờ, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều căn cứ quân đội quan trọng, lại nằm trong vùng giáp ranh 2 đầu chiến tuyến nên là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Máy bay Mỹ ngày đêm gầm rú, đánh phá các cây cầu cắt đứt huyết mạch giao thông, phá nát nhiều tuyến đường.
Quân và dân Thanh Hóa vẫn kiên cường giữ cầu, bám đất, bám đường. Lực lượng dân quân vừa tham gia chiến đấu chống lại sự phá hoại của máy bay địch, vừa đảm bảo các tuyến đường thông suốt để các đoàn xe, đoàn quân kịp thời ra tiền tuyến. Cuối năm 1965, Mỹ ồ ạt ném bom xuống cầu Hàm Rồng, nhiều thanh niên xung phong, dân quân đã anh dũng hy sinh, o Thảo cùng đồng đội phải gạt nước mắt để gượng dậy chôn cất đồng đội hy sinh, rồi tiếp tục đứng dậy chiến đấu.
O du kích nhỏ Lê Thị Thảo áp giải viên phi công đi qua cầu Hàm Rồng năm 1967
Đến đầu năm 1966, Mỹ tiếp tục đánh mạnh ở căn cứ cầu Hàm Rồng gần nơi trung đội dân quân của o đóng quân. Để tăng cường cho lực lượng pháo binh bắn phá máy bay địch, o Thảo lại được điều xuống trung đoàn pháo binh, tham gia cùng đồng đội điều khiển các loại pháo 88, pháo cao xạ trên bãi khô trong 3 tháng, sau đó o lại quay về tiếp tục nhiệm vụ Trung đội phó, rồi Trung đội trưởng dân quân địa phương.
Tháng 3/1967, Mỹ tăng cường ném bom trên các căn cứ trọng điểm ở Thanh Hóa, đặc biệt là cầu Hàm Rồng, cầu Lèn (huyện Hà Trung), khi đó o Thảo cùng hai người ở khẩu đội nhận được nhiệm vụ của cấp trên: "Bộ đội ta đã bắn rơi máy bay Mỹ ở cầu Lèn, viên phi công Mỹ đã nhảy dù thoát thân, phải truy tìm để bắt sống viên phi công đó…”. Nhận lệnh, o Thảo cùng hai đồng chí ở khẩu đội tức tốc lên đường. Khi o đến gần địa phận xã Hoằng Long, gần cầu Hàm Rồng, thì người dân thông báo là có một viên phi công Mỹ vừa nhảy dù xuống khu vực này. Cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, o Thảo cùng 2 người đồng đội đã bắt và dẫn giải phi công đó về trận địa Đồng Đá nhốt vào hầm pháo kích.
O Thảo còn nhớ như in, khi đó để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho viên phi công (theo lệnh cấp trên), o đã tháo giày, tháo tất của viên phi công, yêu cầu ông ta phải đi thật nhanh nếu không máy bay địch lại đánh bom. Đến khoảng 12h đêm hôm đó, khi máy bay Mỹ đã ngừng ném bom, pháo của ta cũng không câu nữa, o lại nhận được lệnh đưa viên phi công đó vào trong làng trú ẩn tại trường cấp 2 (nay là Trường THCS Hoằng Anh) với nhiệm vụ: “Trên đường di chuyển phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho viên phi công đó”. Tức tốc o Thảo cùng hai người đồng đội dùng 2 đèn hoa kỳ, che lại rồi áp tải viên phi công đó về địa điểm trú ẩn an toàn. O đã dùng rơm làm giường để đảm bảo cho phi công được ngủ ấm. Khoảng 5h sáng hôm sau, o lại nhận được lệnh cùng với một đồng chí bộ đội dẫn giải phi công đó về Hàm Rồng.
Nói đến đây, o Thảo chỉ tay về tấm ảnh hơn 50 năm mà nhà báo Lê Lâm là người đã chụp lúc o áp giải phi công Mỹ đi qua cầu Hàm Rồng bàn giao cho cấp trên. Bức ảnh ghi dấu lịch sử được gia đình o Thảo treo trang trọng ở phòng khách, để mỗi lần nhìn là mỗi lần nhớ một quãng đời sống hết mình vì lý tưởng cách mạng. Ngày ấy, cô gái Thảo mới gần 20 tuổi, nhỏ thó, chỉ cao 1,50m, nặng chưa đầy 40kg, nhưng cứ muốn xông pha đánh giặc. Sau khi bàn giao phi công Mỹ an toàn cho cấp trên, o Thảo lại quay về trung đội dân quân địa phương, tiếp tục chiến đấu. Đến năm 1968 o vào quân đội, đóng quân ở Trường sỹ quan phòng không không quân tại Sơn Tây, tỉnh Hà Tây (nay là Sơn Tây, TP Hà Nội), đến tháng 10/1972 o Thảo xuất quân, chuyển ngành sang Công ty Thương nghiệp, năm 1991 o về hưu hưởng chế độ một lần.
Chiến tranh đã lùi xa và những vết thương trên da thịt đã lành, Việt Nam đang rộng mở bước vào thời đại mới, nhưng những năm tháng oanh liệt một thời sẽ được sử sách và lớp lớp thế hệ người Việt khắc ghi.