Gánh nặng, thách thức và những động thái đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden

Nhóm PV| 21/01/2021 08:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Joe Biden đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau lễ nhậm chức được tổ chức trang trọng tại Điện Capitol ở thủ đô Washington vào ngày 20/1. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui chiến thắng của đảng Dân chủ, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang phải đối mặt với một loạt gánh nặng và các thách thức cả về đối nội và đối ngoại.

Như tin đã đưa, trưa 20/1 (tức rạng sáng 21/1 theo giờ Việt Nam), Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đã làm lễ nhậm chức tại Điện Capitol ở thủ đô Washington, chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Rất nhiều cựu nguyên thủ cùng gia đình đã có mặt tại lễ nhậm chức của ông Biden, trong đó có các cựu Tổng thống Barack Obama, Bill Clinton và George W.Bush. 

binder.jpg
Ảnh CNN

Ông Joe Biden đọc lời tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts.

Gánh nặng và thách thức của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Sau lễ nhậm chức, ông Biden cùng chính quyền mới không có nhiều thời gian chuẩn bị mà phải bắt đầu ngay công cuộc tái thiết và vực dậy một nước Mỹ đang gặp vô vàn khó khăn.

Về đối nội, thách thức đầu tiên của Chính quyền Biden-Harris chính là xử lý đại dịch Covid-19 và những hệ lụy, đặc biệt là về kinh tế-xã hội mà dịch bệnh gây ra. Dữ liệu của Đại học John Hopkins cho thấy, cuộc khủng hoảng y tế công cộng tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua đã khiến hơn 24 triệu người bị nhiễm bệnh và cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người ở Mỹ.

Các chuyên gia y tế công cộng hàng đầu của Mỹ đều cảnh báo rằng dịch bệnh sẽ còn tồi tệ hơn nữa, ít nhất là đến giữa tháng 2 tới, cho đến khi tình hình có thể dần được cải thiện. Dự báo ​​số ca tử vong vì Covid-19 ở Mỹ sẽ lên tới 500.000 người vào giữa tháng sau. Bản thân Tổng thống Biden mới đây đã phải thừa nhận rằng nước Mỹ vẫn đang ở trong một “mùa Đông rất đen tối” khi đề cập tới diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Thứ hai, đó là nhanh chóng hoàn thiện bộ máy nhân sự để điều hành công việc của Chính phủ. Đáng chú ý, một ngày trước lễ nhậm chức tổng thống, các ủy ban liên quan của Thượng viện Mỹ mới tổ chức điều trần chuẩn thuận cho năm ứng viên được ông Biden đề xuất, trong đó có những ứng viên vào các vị trí rất quan trọng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Giám đốc tình báo quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng. Hơn nữa, việc đảng Dân chủ chỉ nắm đa số ghế mong manh (50/100) tại Thượng viện, bắt đầu từ ngày 22/01 tới, sẽ khiến những người được ông Biden lựa chọn và phải được Thượng viện phê chuẩn có thể gặp không ít khó khăn mới có thể giành đủ số phiếu ủng hộ cần thiết.

Thứ ba, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đó là hàn gắn những chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính-trị xã hội và đoàn kết nước Mỹ, sau một mùa vận động tranh cử 2020 gây tranh cãi và kéo dài nhất trong lịch sử hiện đại. Cùng với đó là những nguy cơ thường trực bất ổn an ninh và xung đột do chính các nhân tố bên trong gây ra, trong bối cảnh xung đột đảng phái và sắc tộc tại Mỹ hiện ở mức cao hơn bao giờ hết.

Về đối ngoại, thông điệp xuyên suốt mà ông Joe Biden nêu lên trong chiến dịch vận động tranh cử vừa qua, đó là “nước Mỹ đã trở lại” để sẵn sàng lãnh đạo thế giới chứ không thoái lui. Tân Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Chính quyền Tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump, mà ông Biden gọi là “Nước Mỹ một mình”.

Theo đó, Mỹ sẽ không nắn gân đồng minh, không tôn vinh chủ nghĩa dân túy và sẽ không rút khỏi các cam kết quốc tế. Thay vào đó, nước Mỹ sẽ quay trở lại chính sách truyền thống kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đó là củng cố các mối quan hệ đồng minh và chủ nghĩa đa phương, lấy giá trị dân chủ làm nguyên tắc cốt lõi để tập hợp lực lượng. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng, sau bốn năm dưới thời Chính quyền Donald Trump, cả ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm chủ nghĩa đa phương, quan hệ đồng minh và giá trị dân chủ, đã bị mai một tới mức mà nhiều chuyên gia cho rằng không thể khôi phục được.

Có lẽ hồ sơ nổi cộm nhất, cấp bách nhất và cũng sẽ kéo dài nhất trên mặt trận đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Biden đó là ứng xử và giải quyết các mối quan hệ với Trung Quốc. Quan hệ Mỹ-Trung hiện đang ở trạng thái đối đầu toàn diện và việc chính quyền tiền nhiệm thực thi chính sách rất cứng rắn đối với Trung Quốc cho đến tận giờ phút cuối đã nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng trong Quốc hội và đa số người dân Mỹ.

Trong thông điệp gửi gắm cuối cùng, Phó Tổng thống vừa mãn nhiệm Mike Pence kêu gọi chính quyền sắp tới đi đúng hướng, làm những gì mà chính quyền tiền nhiệm đã làm nhằm chống lại sự hung hăng và lạm dụng thương mại của Trung Quốc, giữ vững lập trường mạnh mẽ của Mỹ vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở.

Một hồ sơ đối ngoại khác có thể khiến chính quyền của Tổng thống Biden “đau đầu” đó chính là xử lý vấn đề hạt nhân Iran. Việc đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran năm 2015, còn được biết đến dưới tên gọi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) được coi là điều kiện tiên quyết ngăn ngừa tình trạng “già néo đứt dây” trong quan hệ Mỹ-Iran đồng thời là nhân tố tác động đến uy tín và vị thế của Mỹ ở khu vực Trung Đông, trong bối cảnh Hoà bình Trung Đông lâm vào bế tắc.

Tất nhiên, sẽ còn có rất nhiều các thách thức khác đòi hỏi Chính quyền Tổng thống Biden phải nỗ lực giải quyết. Nhưng 100 ngày lãnh đạo nước Mỹ đầu tiên, Tổng thống Biden sẽ tập trung giải quyết các thách thức nào, cùng với những ưu tiên đối nội… vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.

Trong bản ghi nhớ gửi tới các nhân viên hôm 16/1, Chánh Văn phòng Nhà Trắng sắp nhậm chức Ron Klain thừa nhận rằng, chính quyền mới sẽ phải đương đầu với bốn cuộc khủng hoảng kép, bao gồm cuộc khủng hoảng Covid-19, cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc khủng hoảng khí hậu và cuộc khủng hoảng về công bằng chủng tộc.

Khó khăn chồng chất, nhưng vượt lên tất cả, người dân Mỹ vẫn mong đợi một niềm hy vọng về tinh thần hoà giải, đoàn kết đưa nước Mỹ tiến lên. Và thời khắc chuyển giao quyền lực đêm qua, có lẽ hàng triệu người dân Mỹ đã lặng lẽ nguyện cầu những điều tốt lành nhất đến với họ và nước Mỹ.

Ký 15 sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm

Ngay sau khi tiếp quản Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bắt đầu ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch COVID-19, biến đổi khi hậu và bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách đã được người tiền nhiệm Donald Trump triển khai.

tan-tong-thong-my-ky-15-sac-lenh.jpg
Ngày 20/1, Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm. (Nguồn:abcnews)

Các sắc lệnh, nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và bao gồm quyết định hủy bỏ giấy phép của Tổng thống cho triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Các biện pháp mà ông Biden đang triển khai sẽ chấm dứt lệnh cấm đi lại mà cựu Tổng thống Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tân Tổng thống Biden cũng kêu gọi chính quyền của ông đẩy mạnh chương trình DACA dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em.

Bên cạnh đó, ông chủ mới của Nhà Trắng cũng ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - vốn là cơ sở để chuyển một số khoản ngân sách liên bang sang dự án xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico.

Những hành động mà tân Tổng thống Biden thực hiện không chỉ nhằm đảo ngược những thiệt hại nặng nề hiện nay, mà còn nhằm đưa nước Mỹ tiến lên phía trước, với việc làm thay đổi diễn biến của đại dịch COVID-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng sắc tộc và hỗ trợ các cộng đồng chưa được đáp ứng về y tế và công trình công cộng, đồng thời xây dựng lại nền kinh tế Mỹ bằng cách tăng cường các trụ cột của đất nước…

Trước đó, ông Biden cũng đã công bố đề xuất gói kích thích kinh tế đầu tiên trị giá 1.900 tỷ USD mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” với nhiều biện pháp nhằm đưa Mỹ vượt qua những hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19. Theo đó, chính phủ mới sẽ sử dụng tiền của người đóng thuế để xây dựng lại nước Mỹ, khuyến khích mua sản phẩm nội địa, tạo hàng triệu việc làm trong lĩnh vực chế tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.

Cùng với kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông là cuộc chiến với COVID-19. Ông Biden dự kiến chi 415 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch, trong đó 50 tỷ USD cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia. Tổng thống mới còn cam kết mục tiêu chủng ngừa cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ...

Đoàn kết để vượt qua khó khăn

Trước đó, trong bài phát biểu phát biểu chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, ông Joe Biden khẳng định nước Mỹ đã vượt qua được những thách thức và nền dân chủ đã giành chiến thắng.

bidennhamchuc.jpeg
Tổng thống Biden: Để vượt qua những thách thức, để tìm lại linh hồn và đảm bảo tương lai của nước Mỹ, chúng ta cần nhiều hơn những lời nói

Ông Biden nhấn mạnh: "Hôm nay là ngày của dân chủ, ngày của lịch sử và hy vọng, ngày của những quyết định và sự tái sinh. Ý nguyện của người dân đã được lắng nghe và tiếp thu...Nền dân chủ đã giành chiến thắng."

Ông Biden gửi lời cảm ơn đến những người tiền nhiệm từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, kể cả những người không có mặt tại lễ nhậm chức của ông.

Tổng thống Biden cho rằng nước Mỹ đang phải trải qua "một mùa đông đầy nguy hiểm" giữa lúc dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát.

Ông Biden khẳng định chính quyền mới sẽ hướng về phía trước với đầy sự khẩn trương, trong lúc dịch bệnh đang "rình rập đất nước" và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người.

Ông Biden cũng cam kết sẽ trở thành vị tổng thống của tất cả người dân Mỹ, kêu gọi người dân cùng đoàn kết lại để vượt qua những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt.

Ông Biden nhấn mạnh: "Toàn bộ tâm trí tôi tập trung vào một việc: đưa nước Mỹ xích lại gần nhau, đoàn kết người dân, đoàn kết đất nước của chúng ta."

Nhà lãnh đạo này khẳng định, nước Mỹ đã phải trải qua nhiều lần gặp khó khăn và chia rẽ, ví dụ như cuộc nội chiến, Đại Suy thoái, hai cuộc Chiến tranh thế giới hay vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, sau tất cả, sự đoàn kết vẫn luôn giúp người Mỹ giành chiến thắng.

Tổng thống Biden nhấn mạnh: "Để vượt qua những thách thức, để tìm lại linh hồn và đảm bảo tương lai của nước Mỹ, chúng ta cần nhiều hơn những lời nói. Chúng ta cần đến một thứ luôn bị lảng tránh khi nhắc đến dân chủ: đó là sự đoàn kết".

Trước đó, cũng trong sáng 20/1 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, cùng phu nhân Melania Trump đã rời Nhà Trắng trên chiếc trực thăng Marine One và chia tay với người ủng hộ mình tại căn cứ quân sự Andrew ở ngoại ô thủ đô Washington.

Lễ đón Tổng thống Trump được bắt đầu bằng loạt 21 phát đại bác trong tiếng hò reo của khá đông những người ủng hộ ông Trump. Phát biểu trước những người ủng hộ mình, ông Trump cảm ơn họ đã đồng hành với mình để đạt được những kỳ tích trong suốt 4 năm qua.

“Xin cảm ơn các bạn và tôi xin muốn nói từ đáy lòng mình rằng, thời gian qua là 4 năm không thể tin được. Chúng ta đã đạt được rất nhiều điều cùng nhau. Phục vụ người dân Mỹ trên cương vị Tổng thống là một vinh dự và đặc ân lớn. Tôi sẽ luôn đấu tranh vì các bạn, dõi theo các bạn. Tôi mong chính quyền mới sẽ may mắn và thành công. Tôi nghĩ họ sẽ thành công vì họ có một nền tảng để đạt được những điều thực sự lớn lao”, ông Trump nói.

Sau khi chia tay với những người ủng hộ, Tổng thống Trump cùng phu nhân Melania Trump đã lên Không lực 1 về khu nghỉ dưỡng của mình ở bang Florida thay vì theo truyền thống của các Tổng thống Mỹ là tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm mình vào buổi trưa cùng ngày. 

Ông Trump là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên kể từ năm 1869 không tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm mình. Trước ông Trump, rất ít Tổng thống mãn nhiệm không công nhận thất bại và không dự lễ đăng quang của Tổng thống kế nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng, thách thức và những động thái đầu tiên của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden