Biên bản ký kết giữa Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM với Hội Cựu chiến binh và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là cơ sở quan trọng nhằm đưa công văn 5133 của Chủ tịch UBND TP.HCM về việc chăm lo cho thương, bệnh binh sớm đi vào cuộc sống.
Ngày 10/10, tại TP Thủ Đức, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP.HCM tổ chức Hội nghị ký kết phối hợp với Hội Cựu chiến binh TP.HCM, các doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thuộc TP.HCM nhằm thực hiện công tác chăm lo thương binh, bệnh binh theo công văn số 5133/UBND-KT ngày 4/9/2024 của UBND TP.HCM.
Hội nghị do Trung tướng Lưu Phước Lượng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện công văn 5133 và Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM chủ trì.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM cho biết, Hội nghị hôm nay sẽ quán triệt chỉ đạo nghĩa tình của UBND TP.HCM qua công văn 5133; triển khai kế hoạch cụ thể để công văn 5133 sớm đi vào cuộc sống; hỗ trợ kịp thời cho thương binh, bệnh binh, trước hết là thương binh nặng đang gặp khó khăn; ký kết văn bản phối hợp với các doanh nghiệp và với Hội Cựu chiến binh TPHCM.
Trong đó, Hội HTGĐLS TP.HCM là nơi tiếp nhận nguồn hỗ trợ kinh phí và phân bổ danh sách thương binh, bệnh binh để các doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ nhà nước hỗ trợ và chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước chuyển tiền hỗ trợ (theo định kỳ) về Hội HTGĐLS TP.HCM và nhận hỗ trợ, chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Hội Cựu chiến binh TP.HCM chỉ đạo Hội Cựu chiến binh các quận, huyện, TP Thủ Đức phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương để chăm sóc thương binh, bệnh binh.
"Công văn 5133 thêm một lần nữa khẳng định vai trò, vị thế là thành phố được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố vì cả nước, cùng cả nước", Chủ tịch Hội HTGĐLS TP.HCM bày tỏ.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển vui mừng chia sẻ thêm, ngay khi UBND TP.HCM ban hành công văn, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên hệ và chuyển tiền về tài khoản của Hội để chung tay cùng thành phố chăm lo cho các đối tượng có công.
Trung tướng Lưu Phước Lượng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện công văn 5133 cho rằng phải thống nhất công văn 5133 là một cuộc vận động của UBND TP.HCM chứ không phải là cơ chế, chính sách do nhà nước ban hành, việc tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự giác vì nghĩa tình với đất nước, với những người có công, những thương, bệnh binh.
Bên cạnh các nguồn lực vật chất, Trung tướng Lưu Phước Lượng mong Hội Cựu chiến binh, các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng các thương binh cả về tinh thần, đó có thể là những buổi thăm hỏi, động viên trong các dịp lễ, Tết...
Theo nội dung công văn 5133 do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ký ban hành trước đó, thành phố đề nghị các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn thuộc thành phố chủ động cân đối nguồn quỹ phúc lợi của đơn vị để thực hiện việc chăm lo, hỗ trợ đối với các thương binh, bệnh binh với số tiền chăm lo tối thiểu là 2 triệu đồng/tháng/người; mỗi đơn vị đăng ký tham gia hỗ trợ tối thiểu 5 trường hợp (10 triệu đồng/tháng) và phấn đấu duy trì hoạt động chăm lo cho các trường hợp này ít nhất đến năm 2030. Số tiền hỗ trợ gửi về Hội HTGĐLS TP.HCM.
Trước đó, Hội HTGĐLS TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc nhằm triển khai thực hiện công văn 5133, góp phần chăm lo, hỗ trợ các thương, bệnh binh trên địa bàn.
TP.HCM hiện có 52.411 liệt sỹ và 4.610 thân nhân liệt sỹ hưởng tuất theo quy định; 27.596 thương binh, trong đó có 13.027 thương binh hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong số 13.027 thương binh này, có 1.708 thương binh nặng từ 2/4 trở lên và 102 thương binh đặc biệt nặng (trên 81%).