Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vừa diễn ra tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, tính tới ngày 30/6, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh tra đột xuất theo chuyên ngành, phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP.
Một vụ ngộ độc tập thể tại bếp ăn cho công nhân
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã kiểm tra tại 443.178 cơ sở, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Đã có 7.546 cơ sở bị xử lý.
Cùng với việc áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Qua kiểm tra, tỷ lệ cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm đã tăng từ 91% (2016) lên 96,7% (2017). Tuy nhiên, tình hình sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất phụ gia diễn biến có chiều hướng phức tạp, việc xử lý chưa đáp ứng yêu cầu của nhân dân.
Tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đã có hiệu quả nhưng còn diễn biến phức tạp. Việc chấp hành các quy định về quảng cáo thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực so với trước, tuy nhiên, việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, Youtube...) gặp khó khăn. Ngộ độc thực phẩm do rượu diễn biến phức tạo, tỷ lệ tử vong cao. Ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, mặc dù đã giảm so với năm trước nhưng nguy cơ vẫn còn rất cao.