“Gác tranh chấp, cùng khai thác” và cái bẫy “đường lưỡi bò”

Phương Nam| 10/07/2014 08:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác dựa trên yêu sách đường biên giới biển chiếm gần 85% diện tích Biển Đông của Trung Quốc.

Yêu sách vô lý

Ý tưởng “Gác tranh chấp, cùng khai thác” được Đặng Tiểu Bình nêu ra từ cuối những năm 70 của Thế kỷ 20. Trong cuộc gặp với Lãnh đạo Nhật Bản ngày 31/5/1979, lần đầu tiên Đặng Tiểu Bình đề cập đến việc hai bên “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Tháng 6/1979, Trung Quốc chính thức đề nghị Nhật “cùng khai thác” tài nguyên tại vùng biển xung quanh đảo Điếu Ngư (hiện do Nhật quản lý), nhưng Nhật không đồng ý. Trong suốt hơn 30 năm qua, “gác tranh chấp, cùng khai thác” đã trở thành một chủ trương lớn trong triển khai chiến lược biển của Trung Quốc; họ luôn tìm mọi cách để áp đặt ý tưởng và chủ trương này đối với các nước láng giềng.

Từ tháng 10/2004, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành đàm phán về vấn đề khai thác dầu khí ở Đông Hải, tuy nhiên đàm phán không đạt kết quả. Từ năm 2007, Trung Quốc và Nhật nâng cấp đàm phán lên cấp Thứ trưởng. Sau 5 vòng họp ở cấp Thứ trưởng, tháng 6/2008, Trung Quốc và Nhật Bản đạt được Thỏa thuận khung về "cùng khai thác". Theo đó, hai bên đồng ý khai thác chung tại khu vực rộng khoảng 2.700km2 nằm trên đường trung tuyến giữa bờ biển Trung Quốc và các đảo phía Nam Nhật Bản. Đây mới chỉ là thoả thuận mang tính nguyên tắc, hai bên cần trao đổi thêm về các vấn đề cụ thể mang tính pháp lý thì mới có thể triển khai được.

Tháng 7/2010, Trung Quốc và Nhật tiến hành đàm phán về Hiệp định triển khai Thoả thuận khung năm 2008 nhưng sau đó đàm phán bị gián đoạn do những căng thẳng giữa 2 bên trên vấn đề biển Đông Hải. Cho đến nay, hai bên không đạt được bất cứ tiến triển cụ thể nào về việc triển khai Thỏa thuận này.

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” và cái bẫy  “đường lưỡi bò”

“Đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra

 

Đối với Biển Đông, trong những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã lần lượt nêu ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” với các nước với Philipine (năm 1988) và với Indonesia, Singapore và Malaysia (năm 1990). Tháng 7/1992, tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 25 tại Manila, Phillipine, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tiền Kỳ Tham đã chính thức nêu chủ trương này với các nước ASEAN. Tiếp đó, Trung Quốc nhiều lần nêu lại với các nước về “hợp tác cùng khai thác” ở Biển Đông. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ tháng 11/1991, Trung Quốc nhiều lần nêu với Việt Nam chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác ở Biển Đông”. Tuy nhiên, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không được các nước hưởng ứng, do các nước đều hiểu rõ bản chất của ý tưởng này là nhằm biến khu vực không tranh chấp trong thềm lục địa của các nước thành vùng tranh chấp để thực hiện “cùng khai thác” tại vùng biển của các nước khác trong yêu sách “đường lưỡi bò”.

Để tranh thủ sự ủng hộ của các nước, Trung Quốc đã nhiều lần điều chỉnh câu chữ của ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Ban đầu là “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”, sau đó thì rút gọn lại là “gác tranh chấp, cùng khai thác” và gần đây là “khai thác chung” hay “cùng khai thác”. Tuy nhiên, nội hàm xuyên suốt của ý tưởng này không thay đổi; Trung Quốc khẳng định chủ quyền thuộc Trung Quốc; khi chưa có đủ điều kiện để giải quyết triệt để vấn đề chủ quyền thì có thể gác tranh chấp lại để tiến hành “cùng khai thác” tại các vùng tranh chấp. Chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” gắn liền với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi “đường lưỡi bò” trên thực tế.

Sách lược “vừa đấm, vừa xoa”

Để thúc đẩy chủ trương “cùng khai thác”, Trung Quốc thi hành một sách lược “vừa đấm, vừa xoa”. Một mặt, Trung Quốc đề cao việc duy trì hoà bình ổn định; trong tiếp xúc với các nước, Trung Quốc luôn nhấn mạnh “cùng khai thác” là giải pháp duy nhất để duy trì hoà bình ổn định ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc gây áp lực bằng cách gia tăng các hoạt động hiếu chiến trên thực địa. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây Trung Quốc tiến hành rất nhiều các hoạt động gây hấn trên thềm lục địa của các nước ven Biển Đông để gây sức ép buộc các nước chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” như: nhiều lần quấy rối các hoạt động khảo sát của Philippine ở khu vực bãi Cỏ Rong, để đòi “cùng khai thác” ở khu vực này; năm 2011, Trung Quốc 2 lần cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam nhằm mục tiêu biến khu vực không tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa các nước thành khu vực tranh chấp; năm 2012 tàu của Trung Quốc ngăn cản hoạt động của tàu khảo sát Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia v.v…   “Khai thác chung” không trái với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là việc “khai thác chung” chỉ có thể tiến hành ở những khu vực biển chồng lấn, thực sự có tranh chấp, chứ không thể tiến hành “cùng khai thác” trong vùng biển hoàn toàn không có tranh chấp của một quốc gia khác.

Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 có khuyến nghị về những dàn xếp tạm thời trong khi các bên chưa thể tiến hành được các vùng biển chồng lấn. Theo đó, các quốc gia khi chưa tìm được giải pháp phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì có thể thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn; các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng. Trên thế giới đã có nhiều thỏa thuận về các dàn xếp tạm thời “khai thác chung” dưới nhiều hình thức và trong các lĩnh vực khác nhau (nghề cá, dầu khí…). Ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có: Hiệp về khai thác chung Nhật Bản – Hàn Quốc năm 1974 ở khu vực biển chồng lấn giữa hai nước; Hiệp định về phát triển chung vùng biển chồng lấn ở biển Đông Timor giữa Úc và Indonesia năm 1989.

Mặc dù luôn khẳng định tuân thủ nguyên tắc “cùng khai thác” không làm ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, song ý đồ sâu xa của Trung Quốc là muốn thông qua “cùng khai thác” để hợp pháp hóa các yêu sách chủ quyền của mình. Dùng vấn đề “cùng khai thác” để phân hóa chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Thời gian qua, Trung Quốc luôn lớn tiếng rằng “cùng khai thác” là biện pháp duy nhất để duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông, trong khi luôn đe doạ, gây sức ép với các nước ven Biển Đông, buộc các nước này chấp nhận chủ trương “cùng khai thác”của Trung Quốc.

Theo phân tích của chuyên gia quốc tế, trong vấn đề “cùng khai thác”, các nước nhỏ thường “lép vế” và chịu thiệt thòi hơn so các nước lớn, có ưu thế về vốn và kỹ thuật. Trước tham vọng độc chiếm Biển Đông và chủ trương khai thác tài nguyên trên vùng biển của các nước khác của Trung Quốc thì các nước cần hết sức cảnh giác, tránh rơi vào cái bẫy “cùng khai thác” của Trung Quốc. Các nước cần kiên trì yêu cầu Trung Quốc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mỗi nước theo đúng các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; chỉ có thể chấp nhận “cùng khai thác” với Trung Quốc ở những khu vực chồng lấn, thực sự có tranh chấp phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Sau hơn 30 năm từ khi ra đời ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác”của Trung Quốc chưa được triển khai với bất cứ nước láng giềng nào. Kể cả với Nhật, dù đã đạt được Thoả thuận về nguyên tắc “cùng khai thác”, nhưng khi đi vào bàn các vấn đề cụ thể đã bị bế tắc

Tóm lại, ý tưởng “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc không phải là việc dàn xếp quá độ theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà nội hàm của nó là một phần quan trọng trong chiến lược xuyên suốt của Trung Quốc từng bước xâm lấn vùng biển của các nước láng giềng, tiến tới độc chiếm Biển Đông, Kiên quyết không chấp nhận việc “cùng khai thác” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý được quy định bởi Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây chính là một biện pháp hữu hiệu bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” và cái bẫy  “đường lưỡi bò”

 

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ: Không chấp nhận "gác tranh chấp cùng khai thác" từ "đường lưỡi bò"

 

Việt Nam không thể chấp nhận quan điểm gác tranh chấp cùng hợp tác dựa trên yêu sách đường biên giới biển chiếm gần 85% diện tích Biển Đông, chẳng dựa trên cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn trái ngược với tinh thần của UNCLOS, để tạo ra “vùng chồng lấn” nhằm tìm mọi cách thực hiện chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. 

 

“Gác tranh chấp, cùng khai thác” và cái bẫy  “đường lưỡi bò”

 

Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương: Để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Philippines và Việt Nam có thể chia sẻ tài nguyên trong vùng biển tranh chấp, tuy nhiên ý tưởng này sẽ không thể bao gồm Trung Quốc.

 

Đại sứ Trương Triều Dương giải thích rằng vùng chồng lấn giữa Philippines và Việt Nam chỉ liên quan đến một khu vực nhỏ. Nhưng Trung Quốc thì khác, họ tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông thuộc chủ quyền của họ". Nếu gác tranh chấp, cùng hợp tác với Trung Quốc, vô hình chung là đã thừa nhận yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý của họ.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Gác tranh chấp, cùng khai thác” và cái bẫy “đường lưỡi bò”