Festival Huế 2018 tiếp tục là điểm hẹn của nghệ thuật đa sắc màu với chủ đề Di sản văn hóa hội nhập và phát triển, một điểm đến năm di sản.
Chiều nay (19/12), buổi họp báo công bố Festival Huế 2018 tại Hà Nội diễn ra ở Hà Nội với sự tham gia của đông đảo quan khách trong và ngoài nước. Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức Họp báo thông tin về sự kiện.
Buổi họp báo công bố Festival Huế 2018 diễn ra vào chiều 19/12 tại Hà Nội
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Festival Huế lần thứ X năm 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 2/5/2018. Sở dĩ lấy chủ đề như vậy là do Thừa Thiên Huế đã được UNESCO công nhận 5 Di sản thế giới. Đó là: Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn năm 2010, Châu bản triều Nguyễn năm 2014, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế năm 2016. Huế cũng có 2 di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế và Dệt Dèng (A Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế”.
Đại diện của Bộ Ngoại giao nhấn mạnh đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, du lịch mà còn khẳng định Thừa Thiên Huế đang vươn lên mạnh mẽ ở các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Festival Huế năm 2018 diễn ra đúng vào dịp diễn ra nhiều sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế và quốc gia như: Kỷ niệm 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 230 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi họp báo
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cũng nêu rõ: “Festival Huế lần thứ X là sự kế thừa, khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây. Festival là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế. Đặc biệt, Festival Huế đã góp phần giới thiệu quảng bá các giá trị đặc sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”.
Có mặt tại buổi họp báo chiều nay, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy tin tưởng và kỳ vọng Festival Huế 2018 sẽ tiếp tục tạo ấn tượng về một thành phố Festival giàu bản sắc văn hóa và một Việt Nam hòa bình, thân thiện, tươi đẹp.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Festival Huế nhấn mạnh: “Trải qua 9 kỳ, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới”.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Festival Huế 2018 được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chilê, Australia, Ma rốc…Trong đó, tập trung nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Ngay tại buổi họp báo, BTC cũng đã chính thức mới thêm hai đoàn nghệ thuật của Rumani và Mông Cổ tham gia.
Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoàng tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 05 di sản văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Trong suốt kỳ Festival Huế năm 2018 sẽ diễn ra nhiều chương trình nghệ thuật tiêu biểu, các lễ hội đầy màu sắc và hàng loạt hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng. Trong đó, dự kiến có khoảng 20 đoàn nghệ thuật quốc tế sẽ trình diễn các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc trong Festival Huế năm 2018. Bên cạnh đó, còn có các chương trình đặc sắc khác như: Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội áo dài, chương trình âm nhạc Phật giáo, Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”,…
Qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã trở thành điểm hẹn mỗi hai năm một lần cho các Đoàn nghệ thuật của gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ở cả 5 châu lục (châu Á ngoài Việt Nam chủ nhà, có sự góp mặt của 17 quốc gia; Châu Âu có sự góp mặt của 15 quốc gia; Châu Mỹ có sự góp mặt của 12 quốc gia; Châu phi có sự góp mặt của 3 quốc gia; Châu Đại Dương có Auxtralia.) Sự có mặt của đông đảo các quốc gia và các đoàn nghệ thuật có đẳng cấp đã nâng tầm vị thế của Festival Huế.
Đối với Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành trên cả nước, Festival Huế đã hội tụ hầu hết các đoàn nghệ thuật tiêu biểu cho các vùng văn hóa đặc thù trên cả nước, một số nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật có phong cách độc đáo, có khả năng đối thoại nghệ thuật với các nghệ sĩ quốc tế . Đặc biệt là hàng ngàn diễn viên không chuyên, các diễn viên quần chúng ở các môn phái võ thuật, học sinh, quân đội, hợp tác xã đường sông Huế.
Không chỉ quen thuộc trong nước, Festival Huế còn từng bước gia nhập vào cộng đồng Festival quốc tế. Những đối tác như Festival Avignon, La Rochelle (Festival International du Film), Angouleme (Festival International de la Bande Dessinée), Rennes (Festival Tombée de la Nuit)... (Pháp), Festival Adelaide (Auxtralia), Festival Edimburg (Anh)... khẳng định một Festival Huế mang tầm quốc tế.
Festival Huế ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở hàng chục sân khấu trong thành phố và ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh, càng về sau, các chương trình hoạt động văn hóa cộng đồng, các triển lãm do Ban tổ chức hoặc các tổ chức xã hội, các hội văn học nghệ thuật, kể cả cá nhân nghệ sĩ tự tổ chức ngày càng nhiều. Đến mức có người đã nói, Festival Huế là một tổ hợp lễ hội chuyên đề trong một lễ hội lớn. Người dân Huế, dần dần không còn đứng xem nữa mà đã hòa mình thật sự vào lễ hội. Say mê với các sân chơi hưởng ứng, các chương trình cộng đồng - không bán vé, không giới hạn không gian và thời gian.
Đó là các cuộc triển lãm phong phú, đa dạng, đặc sắc, có thể gọi là một lễ hội nghệ thuật tạo hình trong các kỳ Festival. Đó là sân chơi, là không gian thử thách hay những người Huế xa quê trở về với tác phẩm của mình cùng vui chơi với bè bạn Huế... Không khí hội hè sôi động không chỉ ở các sân khấu biểu diễn, mà còn ở các góc phố, trên đường, ngoài công viên, tràn ra ngập cả phố đi bộ bên bờ sông Hương...
Festival Huế thực sự là điểm hẹn cho các chương trình nghệ thuật, các lễ hội và hoạt động văn hóa cộng đồng đa sắc màu.