Australia đã ban hành bộ luật Thương lượng Bắt buộc Nền tảng Kỹ thuật số vào năm 2021. Trong đó, họ đã buộc Facebook, Google phải trả tiền cho nhà xuất bản để được chia sẻ tin tức. Hiện nhiều quốc gia đang học tập bước đi này.
Theo một báo cáo từ AlphaBeta, doanh thu ngành báo chí Australia đã giảm từ 4,4 tỷ USD năm 2002 xuống còn 3 tỷ USD vào 2018. Trong khi đó, báo cáo điều tra cạnh tranh cho thấy Facebook và Google chiếm hơn 80% doanh thu quảng cáo trực tuyến ở nước này.
“Những nền tảng này đã xây dựng tệp người dùng dùng bằng cách sử dụng nội dung từ các nhà xuất bản”, Nick Shelton, Giám đốc Điều hành Tạp chí văn hóa trực tuyến Bradsheet nói với Insider.
“Facebook và Google đã phổ cập tin tức bằng thuật toán mang lại lợi nhuận cho nền tảng”, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch nói vào năm 2018.
Đến tháng 7/2020, chính phủ Australia đưa ra dự thảo đầu tiên, buộc Google và Facebook phải trả tiền trực tiếp cho nhà xuất bản để hiển thị nội dung tin tức trên trang tìm kiếm và nguồn cung bảng tin. Nhà chức trách đưa ra thời hạn 3 tháng để những gã khổng lồ công nghệ thương lượng cùng các nhà xuất bản.
Google mô tả đề xuất này là “không thể thực hiện được”. Trong khi đó, Facebook phản ứng bằng cách tắt nguồn cấp dữ liệu tin tức tại Australia trong 6 ngày.
Cuối cùng, Australia từ chối các đề xuất sửa đổi bộ luật. Facebook và Google buộc phải thỏa hiệp bằng cách đàm phán những thỏa thuận hàng triệu USD với các nhà xuất bản lớn như ABC, News Corp.
Chính vì lẽ đó, bộ luật Thương lượng Bắt buộc Nền tảng Kỹ thuật số và Truyền thông Tin tức được chính phủ Australia thông qua vào tháng 2/2021.
Theo quy định mới, Google và Facebook phải đàm phán với các nhà xuất bản để đạt được thỏa thuận cấp phép tin bài xuất hiện trên trang tìm kiếm Google và nguồn cấp dữ liệu của Facebook.
Cách tiếp cận này của Australia đang sắp được áp dụng cho Anh, Canada và Mỹ.
Trang Insider cho rằng nhiều quốc gia bị ấn tượng bởi áp lực Australia gây ra với những gã khổng lồ công nghệ, khiến họ “khiếp sợ”.
Trong bài phỏng vấn gần đây với Sunday Times, Bộ trưởng Văn Hóa Vương quốc Anh, Nadine Dorries bày tỏ sự hào hứng với triển vọng xây dựng một hệ thống thương lượng tương tự ở Australia. Theo Press Gazette, các nhà xuất bản Anh cũng ủng hộ ý tưởng này.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đã cam kết giới thiệu một hệ thống tương tự ở đất nước này.
Tại Mỹ, Liên minh Truyền thông Tin tức, đại diện của hơn 2.000 tổ chức báo chí trên đất nước đã kêu gọi các nhà lập pháp thông qua Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí (JCPA). Quy định của đạo luật cũng sẽ buộc Google, Facebook chia sẻ doanh thu với báo chí tại địa phương.
Tuy nhiên, theo ông Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Reuters tại Đại học Oxford, việc sao chép bước đi của Australia không hẳn là điều tốt.
“Nếu người ta cố gắng dùng chính sách công để làm cho báo chí hoạt động bền vững thì vốn đã có những công cụ khác như giảm thuế, trợ cấp của chính phủ, đầu tư có mục tiêu…”, ông Nielsen nói.
Theo chuyên gia thuộc đại học Oxford, vấn đề của những phương cách này là tốn kém tiền bạc. Do đó, báo chí gây áp lực lên chính trị gia, yêu cầu họ đưa ra quyết định.