Ngoại trưởng 27 nước Liên minh châu Âu vừa ra điều kiện cứng rắn buộc Anh phải đáp ứng nếu muốn duy trì giai đoạn quá độ hậu Brexit.
Anh và Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang vướng vào bất đồng xoay quanh các quy định trong giai đoạn chuyển tiếp thời hậu Brexit. Theo đó, sau ngày 30/3/2019, nước Anh có thể tạm thời tiếp tục ở lại EU trong một khoảng thời gian quá độ là 21 tháng, nhưng đổi lại, sẽ phải thực hiện một loạt các nghĩa vụ với EU. Đó là quyết định được Ngoại trưởng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đưa ra sau cuộc họp hôm 29/1 tại thủ đô Brussels của Bỉ.
Cụ thể, để tiếp tục ở lại trong Liên minh và giữ quyền tiếp cận vào thị trường chung châu Âu trong giai đoạn quá độ, nước Anh sẽ phải tiếp tục đóng góp tài chính hàng năm tương đương mức mà nước này vẫn đóng trước kia, là vào khoảng 12 tỷ euro/năm.
Tuy nhiên, nước Anh sẽ không giữ được các quyền lợi đầy đủ như một thành viên chính thức, tức không có uỷ viên tại Uỷ ban châu Âu, không có nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu, không được tham dự các hội nghị của Hội đồng châu Âu, và cũng không có quyền bỏ phiếu hay tham gia vào các quyết định lớn của khối, ngoài các quyết định hoàn toàn mang tính kỹ thuật.
Anh và EU đang vướng vào bất đồng xoay quanh các quy định trong giai đoạn chuyển tiếp thời hậu Brexit.
Ngoài ra, trong thời gian giới hạn này, toàn bộ khuôn khổ pháp lý của EU sẽ tiếp tục được áp dụng với Anh, cũng như sự giám sát toàn diện của EU và khuôn khổ thực thi pháp luật theo Tòa Công lý châu Âu. Như một phần của quá trình chuyển tiếp, Anh sẽ vẫn bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trong các thỏa thuận quốc tế hiện hành của EU, ví dụ như thương mại và hàng không.
Đây được xem là những điều kiện cực kỳ cứng rắn mà Liên minh châu Âu đưa ra cho phía Anh và nhiều khả năng có thể sẽ lại tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ giữa hai bên.
Liên minh EU cũng đã cảnh báo rằng, nước Anh phải chấp nhận tất cả các quyết định của khối thương mại và đảm bảo quyền lợi cho các công dân EU hiện đang sinh sống và làm việc tại Anh trong 2 năm chuyển tiếp. Nhưng Thủ tướng May đã rút ngắn thời hạn đến tháng 3/2019.
Theo nguồn tin từ Chính phủ Anh, Thủ tướng Theresa May nhiều khả năng cũng sẽ bác bỏ những điều kiện cứng rắn mà EU vừa đưa ra với Anh, trong khi các nhà đàm phán phía Anh cũng đang lên kế hoạch bước vào các cuộc đàm phán với EU trong tuần tới với những quan điểm không đồng nhất với nhau.
Hiện, nhiều người ủng hộ Brexit bày tỏ lo ngại rằng kết quả trưng cầu dân ý có thể sẽ đổi chiều nếu Thủ tướng Anh quá cứng rắn và rút ngắn thời hạn quá vội vàng. Tuy nhiên, bà May đã bác bỏ một số lo ngại trên và tuyên bố chính phủ sẽ tập trung thiết lập các điều kiện thương mại và xã hội mới cho Brexit.
Tuy nhiên, theo giới phân tích nhận định, Liên minh châu Âu vẫn đang nắm thế chủ động trong cuộc chơi do phía Anh cần đến giai đoạn quá độ hậu Brexit hơn là Liên minh châu Âu.