EU kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon trong bối cảnh kêu gọi cải cách

Trâm Anh| 01/12/2019 22:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù không phải là văn bản đánh dấu thành lập Liên minh châu Âu (EU), Hiệp ước Lisbon (Lisbon Treaty) là văn bản có đóng góp quan trọng trong quá trình nhất thể hóa châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hôm nay đã kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon - nền tảng pháp lý của liên minh - trong bối cảnh kêu gọi cải tổ một khối EU có phần suy yếu trong thập kỷ qua bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế và di cư, sự hoài nghi về đồng euro và Brexit.

EU kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon trong bối cảnh kêu gọi cải cách

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde tại buổi lễ kỷ niệm 10 năm hiệp ước Lisbon của EU, tại Brussels, Bỉ ngày 1 tháng 12, 2019.

Chủ nhật (1/12) cũng là ngày đầu tiên làm việc của Chủ tịch của Ủy ban châu Âu mới được bầu, bà Ursula von der Leyen và Chủ tịch mới của Hội đồng châu Âu, ông Charles Michel.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) David Sassoli đã chủ trì một buổi lễ tại Nhà lịch sử châu Âu ở thủ đô Brussels của Bỉ để kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon có hiệu lực và cũng là lễ nhậm chức của các nhà lãnh đạo mới của Liên minh châu Âu (EU) gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Michel khẳng định Hiệp ước Lisbon xác định bản sắc, sự đa dạng và là nền tảng của EU ngày nay. Hiệp ước đã gặt hái được nhiều thành công và vẫn còn nguyên giá trị. Ông Michel nhấn mạnh cần sử dụng hiệp ước Lisbon trong công cuộc cải cách của châu Âu trong giai đoạn tới.

Về phần mình, tân nữ Chủ tịch EC đánh giá các nhà lãnh đạo châu Âu chính là những người nối tiếp bảo vệ Hiệp ước Lisbon. Được thừa hưởng một di sản tốt, tất cả phải có trách nhiệm gìn giữ và phát triển EU lớn mạnh hơn trong tương lai.

“Châu Âu là một lời hứa, là tương lai, là thứ mà tất cả chúng ta phải xây dựng, từng viên gạch và từng ngày”, ông von der Leyen nói.

Mặc dù không phải là văn bản đánh dấu thành lập Liên minh châu Âu (EU), Hiệp ước Lisbon (Lisbon Treaty) là văn bản có đóng góp quan trọng trong quá trình nhất thể hóa châu Âu. Hiệp ước Lisbon đã bổ sung những thiếu sót của các hiệp ước trước và hiện đại hóa các cơ cấu của EU cho phù hợp với quy mô hoạt động của tổ chức này. Vì vậy, Hiệp ước Lisbon được đánh giá là "một hiệp ước cải cách".

Về cấu trúc, Hiệp ước Lisbon được chia làm hai phần. Phần một là Hiệp ước về Liên minh châu Âu và phần hai là Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu.

Phần một đề cập đến những quy định chung về EU, trong đó có những quy định về quan hệ đối ngoại. Phần hai của Hiệp ước Lisbon đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng chính sách trên các lĩnh vực.

Về nội dung, Hiệp ước Lisbon đã đưa ra những thay đổi quan trọng, bao gồm: Cải tổ cơ chế vận hành theo hướng dân chủ, minh bạch và hiệu quả hơn, xóa bỏ các cơ cấu riêng của 3 trụ cột, phân định rõ ràng và cụ thể thẩm quyền của EU trên các lĩnh vực chính sách; Lần đầu trao cho EU tư cách pháp nhân “thừa kế và thay thế tư cách pháp nhân của Cộng đồng châu Âu”; Lập ra chức chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council) và đại diện cao cấp của EU về ngoại giao và an ninh (là phó chủ tịch Hội đồng châu Âu); Áp dụng chế độ bầu cử mới. Kể từ năm 2009, Nghị viện châu Âu chỉ còn 750 nghị sĩ, mọi nghị quyết của EU phải có 55% nước thành viên với tổng số 65% dân số ủng hộ mới được thông qua.

Mười năm sau khi Hiệp ước Lisbon có hiệu lực, Liên minh châu Âu vốn được hình thành để củng cố sự thống nhất từ ​​đống tro tàn của Thế chiến thứ hai đang bị ảnh hưởng bởi sự chia rẽ.

Hiệp ước Lisbon đã đơn giản hóa việc ra quyết định trong một liên minh đã mở rộng tới 28 thành viên trong đó có 12 quốc gia từ khối Xô Viết cũ. Nó củng cố vai trò của Nghị viện châu Âu được bầu và giảm quyền phủ quyết của chính phủ đối với những thay đổi lập pháp, nhưng vẫn để lại một số lĩnh vực như chính sách đối ngoại và thuế đòi hỏi sự nhất trí cao - và do đó dễ bị phủ quyết từ một quốc gia thành viên.

Vào năm 2015, khối đã tỏ ra lúng túng khi không thể áp dụng một chính sách tị nạn chung để giải quyết dòng người tị nạn từ Trung Đông - cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Liên minh cũng bị chia rẽ về cải cách kinh tế, làm dấy lên lo ngại rằng đồng tiền euro, được sử dụng bởi 19 quốc gia thành viên, có thể không đủ mạnh để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.

Đức và Pháp, từ lâu đã là trục chính của EU, tuần trước đã kêu gọi một Hội nghị về tương lai của Châu Âu, có thể sẽ được tổ chức vào giữa năm 2022, để giúp EU trở nên đoàn kết và có chủ quyền hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU kỷ niệm 10 năm Hiệp ước Lisbon trong bối cảnh kêu gọi cải cách