Đường từ quán nhậu đến... địa ngục

Nam Hoàng| 05/05/2019 07:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những vụ tai nạn giao thông gây chết người xảy ra liên tiếp. Nguyên nhân của các vụ tai nạn xuất phát từ việc lái xe sử dụng rượu bia đã khiến dư luận bức xúc.

Chỉ trong vòng 1 tuần lễ, Hà Nội xảy ra liên tiếp 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ba người phụ nữ bị tước đi mạng sống, 5 đứa trẻ bỗng dưng trở thành trẻ mồ côi. Đó là chưa kể đến những người chồng mất vợ, cha mất con, mẹ già mất nơi nương tựa. Tất cả những bi kịch, đớn đau, mất mát ấy đều do “ma men ngồi sau tay lái” gây nên. 

Có lẽ trên thế giới, không ở đâu mà người dân có thói quen sử dụng rượu bia nhiều như ở Việt Nam. Ma chay, cưới xin, hội họp, lễ lạt, vui buồn... tất cả đều cần có rượu. Nếu như ở phương Tây, người ta xem rượu bia chỉ là phương tiện, là chất xúc tác và phần nhiều mang tính lễ nghi để bắt tay giao hảo, thì ở Việt Nam rượu được lôi ra để thi thố, so kè. Thậm chí nó còn được xem là thước đo để đánh giá năng lực, phẩm cách, tình cảm của con người. Thế nên mới nảy ra thú vui ép uống cho gục, đem tình thân đong đo bằng cốc bia, chén rượu, hễ gặp là cụng nhau canh cách, thách nhau nằng nặc.

Gần như trong bất cứ cuộc rượu nào người ta cũng có thể bắt gặp những kiểu mời mọc, ép uổng như: “Anh quý chú anh mới mời. Chú không uống là không coi anh ra gì”; “Cả bàn đều uống, chả lẽ mình ông không?”; “Đàn ông mà không uống thì về nhà mà mặc váy” hoặc “không uống thì không làm việc”, “không uống là không hòa đồng, thân thiết”, “không uống là không nhiệt tình”, “không uống là không tôn trọng nhau”, “không thường xuyên đi nhậu là bị chia rẽ, bị bè phái, cục bộ”... Điều đáng nói là những suy nghĩ kiểu như vậy lại tồn tại trong mọi ngõ ngách, từ Nam chí Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi.   

Đường từ quán nhậu đến... địa ngục

Hiện trường vụ tai nạn đau lòng trong hầm Kim Liên

Mỗi lần ngang qua các quán bia, nhà hàng, người ta không khó để nghe những lời chúc tụng, những tiếng zô zô 1-2-3 tới tấp. Sau chầu “chén tạc chén thù” ồn ĩ và huyên náo, nhiều người siêu vẹo, gà gật lái xe về. Dù đích đến của họ là nhà, là cơ quan hay có khi là một quán nhậu khác thì họ cũng đã và đang giỡn mặt với tử thần. Bởi thực tế đã chứng minh, mỗi năm có đến hàng nghìn người ra khỏi quán bia, lái xe gây tai nạn rồi vào thẳng phòng cấp cứu, thậm chí là chạy lên thẳng... xuống địa ngục. Không những thế, trên “đường xuống suối vàng”, họ còn kéo theo nhiều người vô tội khác.

Như trong hai vụ tai nạn kể trên, cả 3 nạn nhân xấu số đều là phụ nữ. Cuộc đời của họ còn rộng dài phía trước. Và họ cũng còn có rất nhiều người thân, nhất là những đứa con để chăm sóc, yêu thương. Rồi đây chồng, cha mẹ của họ sẽ ra sao? Đặc biệt là những đứa trẻ vô tội kia, tương lai của chúng sẽ thế nào? Cuộc đời lắm những chông chênh, rồi chúng biết bấu víu vào đâu?

Thế nên không phải bỗng dưng người ta gọi rượu bia là “sát thủ giấu mặt”, còn những kẻ say xỉn lái xe là những kẻ sát nhân. Bởi có những chén rượu để giải sầu, lại có những chén rượu chỉ mang tang thương, bất hạnh. Chỉ cần một chén uống thiếu trách nhiệm, ta có thể tước đi mạng sống của người khác, tước đi quyền sống của chính mình. Uống say rồi lái xe, nó chả khác gì cái việc đem chết chóc gieo lên đồng loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường từ quán nhậu đến... địa ngục