Dương Triệu Vũ chia sẻ: "Tôi là một nghệ sỹ, tôi sẽ không bao giờ cho phép mình bước ra khỏi ranh giới cho phép."
Được học, trưởng thành và làm việc ở một môi trường mà ai cũng quen tác phong người nào việc nấy, tự giác hoàn thành trách nhiệm không đợi nhắc – trở về sống, làm việc ở một môi trường có nhiều điểm trái ngược, Dương Triệu Vũ đã lấy lại sự cân bằng để làm được điều mình muốn như thế nào?
Anh có nhắc đến là sẽ học tập phong cách chuyên nghiệp của ca sỹ phương Tây, cụ thể đó là những gì vậy? Và, anh hy vọng với phong cách này sẽ mang lại sự đột phá nào trong sự nghiệp của mình?
Cách làm của người phương Tây là hướng vào mục tiêu đã đặt ra. Khi về nước làm việc, tôi thấy từ khâu tổ chức cho đến ca sỹ, vũ đoàn, sân khấu đều thiếu sự nhiệt tình khi tập chương trình. Còn tại hải ngoại, từ lúc tập dợt cho đến khi lên sân khấu mọi người đều được bắt phải làm “như thật”. Kể cả chính tôi đôi khi cũng “lười biếng” và chỉ làm ½ sức khi tập dợt, lúc ấy thầy vũ đạo thấy ngay và trách liền. Người Mỹ có câu: “There’s no such thing as too much rehearsal” – ý là trên đời không có chuyện luyện tập quá nhiều. Tôi nghĩ, bất cứ người nào khi chú tâm và làm việc nghiêm túc sẽ mang lại thành quả tốt đẹp, không riêng gì trong công việc của tôi.
Hiện tại, anh thấy mình còn thiếu chuyên nghiệp ở điểm nào chăng?
Tôi rất nghiêm túc trong công việc, nhưng ở đời thường có lẽ tôi hơi quá thoải mái với bản thân trong cách ăn mặc, cũng như rất hòa đồng với mọi người. Theo phương diện tích cực thì tôi là một người đáng yêu, không cầu kỳ, nhưng đối với những người soi mói thì họ sẽ nói tôi không giữ hình tượng. Tôi là một nghệ sỹ, tôi sẽ không bao giờ cho phép mình bước ra khỏi ranh giới cho phép.
Anh có thường chia sẻ với đồng nghiệp khi thấy họ thiếu chuyên nghiệp hay… mặc kệ họ?
Lúc mới về thì tôi “nhập gia”, sau một thời gian thì cũng… “tùy tục”. Sau này, tôi tập tành tự lập hơn, tự gây dựng cho mình một môi trường thích hợp với cách mình muốn làm việc, tìm những người có suy nghĩ giống như mình. Như tôi đã nói trước đây, chuyện gì cũng có ngoại lệ. Ở Việt Nam có rất nhiều nghệ sỹ đàn anh rất rất chuyên nghiệp và kỹ lưỡng đến từng centimet. Đây là những người để tôi tiếp tục học hỏi…
Là người gần gũi với Đàm Vĩnh Hưng trong công việc từ lâu, cả trên sân khấu và hậu trường, anh có thấy ca sỹ đàn anh này có điểm nào thiếu chuyên nghiệp mà anh dứt khoát không để mình bị ảnh hưởng?
Anh Hưng đã là một người quá thành công trong công việc, nếu tôi không tìm được điều hay để học từ anh ấy, thì cũng không dám phê bình. Có lẽ, nếu có được sự thành công như anh ấy thì mới nên lên tiếng. Tôi cũng đang mong có ngày đó. (Cười)
Một linh kiện tốt lắp vào cái máy mà phần lớn bộ phận của nó rệu rã thì cũng không làm cái máy hoạt động tốt hơn, thậm chí là ngược lại. Anh đã và sẽ làm gì để “bộ máy” của anh phải chuyên nghiệp như anh muốn?
Như tôi đã nói, mình phải tạo cho mình một môi trường và xung quanh là những người có cùng mục tiêu như mình, có cường độ làm việc tương tự. Tôi may mắn là đã được làm việc với những người như thế.
Những phần phong cách chuyên nghiệp nào của ca sỹ/nghệ sỹ phương Tây mà anh rất ngưỡng mộ nhưng thấy không thể thể hiện/làm được ở Việt Nam?
Ở họ, những khâu mix âm thanh, hòa âm, vũ đạo, sân khấu, camera man, đạo diễn, ánh sáng, PR, kể cả người quét dọn sân khấu cũng có một sự chuyên nghiệp rõ ràng. Không bao giờ có sự to tiếng, nhưng lại rất hiệu quả trong công việc và rất tự giác và không cần ai phải lên tiếng để họ phải thực hiện việc họ phải làm. Còn về kỹ thuật, Việt Nam mình mới trong thời kỳ phát triển rất sơ khai, nhưng tôi cảm thấy có nhiều sự tiến bộ rất nhanh và rất tích cực. Điển hình, bạn xem một video clip cách đây 10 năm và một video bây giờ sẽ thấy chúng ta đã được đi một chặng đường rất xa, nhưng có lẽ để bắt kịp với mạch đập của thế giới thì vẫn còn là giấc mơ.
Người Việt thường tự hào rằng mình có thể kiêm nhiệm được nhiều việc, và có tâm lý hay ôm việc. Anh thấy điều ấy ảnh hưởng thế nào đến sự chuyên nghiệp hóa của một ca sỹ?
Chuyên nghiệp là gì? Là có chuyên môn sâu về công việc của chính mình. Và một người không thể có chuyên môn sâu với quá nhiều công việc khác nhau. Điển hình, một ca sỹ mà kiêm luôn phần bán vé hay PR thì chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả tốt rồi.
Hầu như ai cũng thích mình trở thành chuyên nghiệp, nhưng để tiến đến cấp độ ấy cần thay đổi những thói quen của bản thân – mà điều này thật khó, nên thành ra nói vậy chứ không mấy người quyết chí làm. Khi nào khán giả và những người xung quanh anh sẽ nhận ra sự chuyên nghiệp nơi anh như anh nói?
Tôi đang cố gắng thức dậy bản thân mình. Tôi có quá trình học tập tại phương Tây hơn 18 năm và làm việc trong giới showbiz hải ngoại gần 6 năm, không ít thì nhiều tôi cũng được ảnh hưởng. Ngày xưa, tôi còn e dè chưa dám thay đổi nhiều thứ, nhưng bây giờ tôi không chấp nhận những người không thật sự hết mình vì công việc. Tôi nghĩ, có rất nhiều người sẵn sàng nhảy vào công việc đó và sẽ làm việc hết mình hơn.
Hiện có nhiều ca sỹ hải ngoại về hát tại quê nhà với cát-xê ngất ngưởng, anh có cảm thấy ghen tị?
Tôi nghĩ, ai cũng có vị trí của mình hết, và số ca sỹ với cát-xê ngất ngưởng đáng được nhận vinh dự ấy. Thứ nhất, vì mức độ xuất hiện của họ ở Việt Nam rất ít. Nếu họ về thường xuyên hơn và dày đặc như tôi thì sẽ là một chuyện khác hoàn toàn. Nhưng ngược lại, khi tôi lưu diễn nước ngoài, cát-xê tôi đã tăng gấp đôi, gấp ba ngày xưa. Năm nay tôi đã lưu diễn ở Nhật, Úc, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan nhưng tôi vẫn thích hát ở Việt Nam nhất cho dù cát-xê của tôi không phải là ngất ngưởng nhưng đó không phải là mục tiêu để tôi đứng trên sân khấu. Mức cát-xê chỉ là những cột mốc để đánh dấu thành tựu của mình song song với sự mến mộ mà mình có được thôi. Bất kỳ ca sỹ nào cũng có thể nêu ra một cát-xê ngất ngưởng, nhưng chấp nhận lần 1, lần 2, lần 3,… hay không đều là do sự tinh tế và chịu chơi của bầu sô cả.
Trong một bài phỏng vấn khi được hỏi ai có thể thay thế Đàm Vĩnh Hưng, ca sỹ này có trả lời là “chưa thấy cuối đường hầm có đốm sáng nào thực sự sáng chói” – anh có thấy Mr. Đàm bi quan quá chăng?
Sự thật là vậy thôi, vì đối với tôi, một người ca sỹ đã có chỗ đứng vững chắc như anh Hưng, chị Khánh Hà, chị Ý Lan, anh Tuấn Ngọc, chú Chế Linh,… thì không ai có thể thay thế được họ. Nhưng chắc chắn, hào quang cũng sẽ chiếu rọi lên những khuôn mặt mới. Đó là quy luật rồi, Xuân-Hạ-Thu-Đông, cho dù có đến muộn nhưng rồi tất cũng sẽ đến.
Đi biểu diễn nhiều nơi trên đất nước, mỗi vùng có một đặc sản. Mỗi khi đi biểu diễn anh có “săn” đặc sản chứ?
Có chứ, tôi thích khám phá những vùng đất, vùng văn hóa khác nhau, và những người thân hay ví tôi như một anh “Tây ba lô”, chỉ khác ở chỗ tôi là người da vàng. Tôi thích mang một cái ba lô trên vai và đi bộ khắp nơi, khám phá thức ăn, nước uống, khung cảnh đặc trưng ở đó. Việt Nam có thật nhiều sự thú vị, đâu đâu cũng sở hữu những điểm đặc biệt không nơi nào có
Có những món nào ở Việt Nam mà dù người khác khen ngon và mời mọc cỡ nào anh cũng dứt khoát chối từ?
Thịt chó. Không bao giờ tôi có ý nghĩ thử ăn thịt chó.
Chúc anh sớm có được những điều chuyên nghiệp như mình muốn để mang đến cho người yêu nhạc những bữa ăn tinh thần chất lượng ngày càng cao.
Ảnh: Đình Dzũ