Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Đừng chỉ xem là một "bài học"

Biên Thùy| 28/09/2019 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là bài học đắt giá cho ngành giao thông" là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, tại buổi họp báo thường kỳ quý III chiều 27/9, khi nói về Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.

Nó chẳng phải là một bài học thưa Thứ trưởng Đông. Không có bài học nào mà học phí cả chục ngàn tỷ đồng và chồng chất nỗi bức xúc như thế cả. Hãy xem đó là một sai lầm đau xót, cay đắng và phải có người chịu trách nhiệm về sai lầm đó.

11 năm trời, một dự án giao thông giữa lòng Thủ đô vắt qua hơn 2 nhiệm kỳ với 4 thời Bộ trưởng GTVT chỉ đạo mà nay vẫn ngổn ngang. Thậm chí khối lượng công việc giờ chỉ còn 1% mà không biết bao giờ mới đưa vào sử dụng. Trách nhiệm cá nhân thì đang rà soát nhưng hậu quả thì người dân đã lãnh đủ.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Đừng chỉ xem là một

Chưa biết ngày nào dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới hoàn thành (Ảnh: TT)

Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi tới Bộ GTVT mới đây cho thấy có hàng loạt sai phạm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh tăng vốn và ký kết hợp đồng dự án. Có dự án nào lại sai từ A đến Z như thế không? 

Điều đáng nói, theo KTNN thì Bộ GTVT đã biết dự án này không có hiệu quả kinh tế nhưng các bên liên quan vẫn "ngó lơ" để xảy ra hết sai phạm này đến sai phạm khác.

Một dự án trọng điểm của ngành GTVT, quy mô đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng sau hơn một thập niên xây dựng giờ mới phát hiện ra hàng loạt "lỗ hổng". 

Phương án tài chính của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngay từ khi lập dự án đã phải...bù lỗ. Đặc biệt, khi phân tích hiệu quả kinh tế dự án, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành cao, chiếm tỉ trọng lớn trong giai đoạn khai thác dự án nên kết luận đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiệu quả về kinh tế là thiếu chính xác.

KTNN đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký. Đồng thời, yêu cầu Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân và tổ chức cá nhân phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 18.000 tỷ đồng, chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về giá trọn gói mua sắm thiết bị giảm tối thiểu 5% so với dự toán phần thiết bị…

Những khối bê tông nằm vắt vẻo như thách thức, tổng thầu Trung Quốc đến nay vẫn "chây ì" chưa biết bao giờ mới bàn giao cho chủ đầu tư. Đó chẳng phải là điều thật khó hiểu khi công trình giữa Hà Nội mà chúng ta dường như không có quyền quyết định hay kiểm soát? 

Sự kiên nhẫn tiếp tục được thử thách. Trong khi ngồi "hóng" tàu chạy, người dân đã vẽ ra những ý tưởng táo bạo để thay đổi công năng của tuyến đường sắt hàng chục ngàn tỷ. Đấy là một con đường hoa trên cao đầy màu sắc, một con phố đi bộ có một không hai hoặc cái "chợ trời" ban đêm đúng theo nghĩa đen của nó.

Sẽ phải có người đứng ra nhận trách nhiệm hoặc buộc phải chịu trách nhiệm về những sai lầm. Nhưng cũng như thời điểm hoàn thành dự án này vậy...chẳng biết là ngày nào!?

Hơn 1 thập niên, có người dành cả tuổi thanh xuân để chờ đợi dự án hoàn thành. Giờ thì họ ngồi nghêu ngao: "Thanh xuân như một ly trà/Đến khi tàu chạy hết bà thanh xuân".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Đừng chỉ xem là một "bài học"