Âm nhạc - Phim

Dùng trí tuệ nhân tạo để sáng tạo nghệ thuật: Cần lộ trình cụ thể

Minh Anh 21/05/2023 - 08:43

Phân cảnh trẻ hóa của Harrison Ford trong "Indiana Jones and the Dial of Destiny" nhận nhiều chỉ trích bởi hình ảnh kém chất lượng. Đây là kết quả của việc sử dụng công nghệ de-aging (tạm dịch: trẻ hóa) cho nhân vật. Thực tế cho thấy, khi quá lạm dụng công nghệ vào sáng tạo nghệ thuật sẽ mang lại nhiều kết quả ngoài ý muốn.

Phần thứ 5 thuộc loạt phim Indiana Jones thu hút chú ý sau buổi công chiếu chính thức tại Liên hoan phim Cannes 2023. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ de-aging (tạm dịch: trẻ hóa) cho nhân vật của Harrison Ford nhận về không ít lời chê bai từ giới phê bình.

Nhà thám hiểm Indiana Jones (Harrison Ford) được trẻ hóa để phù hợp với phân cảnh hồi tưởng từ tác phẩm Indiana Jones and the Raiders of the Lost Ark (1981).

tre-hoa.jpg
Tài tử Harrison Ford được trẻ hóa trong phân cảnh hồi tưởng. Ảnh: Lucasfilm.

Khi các diễn viên già đi theo quy luật của tự nhiên, Hollywood đã sử dụng công nghệ để có tạo hình trẻ trung cho nhân vật như mong muốn. Một số trường hợp nổi bật có thể kể đến như Robert DeNiro trong The Irishman (2019), Samuel L. Jackson trong Captain Marvel (2019).

Đặc biệt, phiên bản trẻ tuổi của Will Smith trong Gemini Man (2019) hay Alfred Molina qua vai diễn Doc Ock trong Spider- Man: No Way Home (2021) được ca ngợi. Tuy nhiên, công nghệ trẻ hóa chỉ hiệu quả khi các nhà làm phim biết lồng ghép một cách tinh tế vào tác phẩm.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên việc sử dụng công nghệ vào sáng tạo điện ảnh bị các nhà bê bình đánh giá kém. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của nghề sáng tạo.

Liệu Trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể thay thế con người cũng như sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sỹ ? Đâu là viễn cảnh nguy hiểm nhất nếu như A.I ngày càng phát triển hơn nữa ?

Với một số người coi sự phát triển vũ bão của công nghệ đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn với vô số tiện ích, thì một số khác lại tin rằng loài người đang dần mất kiểm soát giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng (Matrix) : Công nghệ « vượt mặt », kiểm soát con người. 

Sự xuất hiện của A.I được xem như là một cuộc cách mạng trong giới sáng tạo, khơi dậy một làn sóng gây mê hoặc người dùng bởi những tiện ích mà chúng đem lại nhưng đồng thời cũng gây lo ngại.   

Đối với sự xuất hiện của ChatGPT, nhiều nhà xuất bản cũng như các nhà phát hành tạp chí đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng A.I vì lo ngại rằng có thể ảnh hưởng đến các tài liệu học thuật do những thiết sót trong nghiên cứu, hoặc bịa đặt thông tin hay vấn đề về đạo văn. 

Theo trang Equal Times của Bỉ, những lo ngại đối với A.I không phải là không có lý do. 56 % công việc ngày nay vốn đã bị đe dọa bởi tự động hóa, liệu các nghệ sỹ, nhà thiết kế hay các chuyên gia làm về sáng tạo có thể là những người tiếp theo.    

Trong giới hội họa, A.I art generators - các công cụ sáng tạo nghệ thuật từ A.I được coi là anti-artist: phản nghệ sỹ. Các công cụ như Midjourney và Dall-E đã gặp phải vô số bê bối vì các tranh được tạo ra mang hơi hướng phân biệt chủng tộc, giới tính.

tri-.jpg
Trí tuệ nhân tạo liệu có đe dọa nghề sáng tạo nghệ thuật?

Nhiều nghệ sỹ đã thực hiện các thủ tục tố tụng chống lại các công ty xây dựng phần mềm vẽ tranh A.I vì vi phạm bản quyền. 

Một làn sóng đình công lớn nhất tại Hollywood của các nhà biên kịch cũng đủ để thấy viễn cảnh mà ngành công nghệ mang lại. Vẫn biết đó là một xu hướng tất yếu của xã hội. Dù muốn hay không con người vẫn phải chấp nhận và tập thích nghi với nó.

Tuy nhiên, để mọi việc không bị bỡ ngỡ, không bị "đốt cháy giai đoạn" thì chính các nhà sản xuất, các ngành công nghệ phải có một lộ trình phù hợp với từng ngành nghề khác nhau. Vì dù công nghệ có hiện đại như thế nào thì vẫn nhiều yếu tố không thể không có con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng trí tuệ nhân tạo để sáng tạo nghệ thuật: Cần lộ trình cụ thể