Sao

Dùng nước mắt chinh phục khán giả: "Dẫu hay cũng nhàm"

Minh Anh 23/03/2023 - 15:03

Tại sự kiện công bố dự án phim của bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito, Trấn Thành được mời lên sân khấu chia sẻ. Nam MC một lần nữa gây tranh cãi vì khóc nấc, khi nhắc đến cuộc đời của người nghệ sĩ...

Sau ánh hào quang - nước mắt và nụ cười của người nghệ sĩ

Góp mặt tại sự kiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành có những chia sẻ về sự nổi tiếng của đàn anh. Nam MC bật khóc khi nói về áp lực của ánh hào quang: "Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều. Có nhiều thăng trầm. Nếu ai thích tiền, hào quang thì mời lên đây để nếm bốn chữ 'hào quang rực rỡ' và biết nó là gì".

anh_3_pzrv.jpg
Theo nhiều người làm nghệ thuật, nước mắt của người nghệ sĩ không dễ rơi vì những hoàn cảnh khó khăn, thử thách của đời, của nghề.

Đồng cảm với anh, không chỉ riêng những nghệ sĩ, ngay đến khán giả cũng hiểu phần nào sự khắc nghiệt phía sau ánh hào quang. Bởi, để đến được thành công, được công chúng biết đến, những người nghệ sĩ đã trải qua quãng đường dài vô tận. Họ hoàn toàn không biết được, đến bao giờ sẽ nổi tiếng, đến bao giờ mới thành công. Đơn giản họ chỉ muốn sống, muốn cháy hết mình vì những cái đẹp của nghệ thuật, cái quyến rũ của ánh đèn sân khấu.

lavieenrose1-06163047.jpg
Giọt nước mắt ám ảnh của Edith Piaf gục ngã khi vĩnh viễn mất đi ánh sáng cuộc đời.

Giới nghệ sĩ hay nói với nhau rằng: “Khi khán giả nghỉ thì mình làm, khi người ta ăn thì mình diễn”. Họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình, đổi lại được gieo rắc những bông hoa tư tưởng đẹp đẽ, những tác phẩm nghệ thuật thắm đượm tình yêu đến với khán giả.

Cuộc đời của mỗi nghệ sĩ đều có thăng, trầm, như những bản hồi ký mà chỉ riêng họ mới viết được ra, mới cảm nhận được hết nỗi vất vả đó.

Do đó, khi có cơ hội trải lòng về nghề về đời, thì như một lẽ thường tình, những giọt nước mắt sẽ rơi. Và đó là cảm xúc!

ce555ae0f75ac99d576c1332c73b247b-06163085.jpg
Những giọt nước mắt đắt giá của diễn viên chỉ rơi vào khoảnh khắc lắng đọng của nghệ thuật, của cảm xúc.

Ranh giới giữa cảm xúc và "nghệ thuật rỗng"

Nước mắt người nghệ sĩ khiến cho công chúng hiểu được những gì họ đã trải qua. Khán giả cũng cảm thấy gần gũi với chính thần tượng của mình. 

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, với việc một nghệ sĩ khóc quá nhiều đã khiến họ trở nên thiếu chuyên nghiệp trong việc kiểm soát cảm xúc, thậm chí còn coi đó là "nghệ thuật rỗng" trong mắt công chúng.

Một, hai chương trình đầu, giọt nước mắt của người nghệ sĩ đó đã trở thành tâm điểm của dư luận. Như một lẽ tất yếu, chương trình có nghệ sĩ ấy tham gia cũng trở thành "trend" trên các bảng xếp hạng.  

Thế nhưng, nhiều quá hóa... nhàm chán! Vài ba chương trình sau, người nghệ sĩ ấy lại rơi nước mắt, trong những bối cảnh na ná... Công chúng thốt lên: "Lại khóc nữa à”. Lúc này, mâu thuẫn xảy ra, khi thế giới quan của người làm nghệ thuật và công chúng không tìm được điểm chung.

Khán giả có quyền thưởng thức nghệ thuật, có những điểm nhìn không trùng khớp. Họ cũng có lý do để phán xét cách thức nghệ sĩ thể hiện cảm xúc trong những chương trình, sự kiện, sản phẩm. Nghệ sĩ cũng có lý do để bày tỏ cảm xúc theo cách của riêng mình.

tran-thanh.jpg
Nước mắt là phương tiện truyền tải và kết nối cảm xúc, điều này không đồng nghĩa với việc chỉ cần nghệ sĩ “khóc”, khán giả phải có trách nhiệm “đồng cảm”.

Không ai đúng và cũng chẳng ai là sai. Mọi sự tranh luận cũng chỉ để những sai sót có thể sửa chữa và rút kinh nghiệm.

Dẫu nước mắt là phương tiện truyền tải và kết nối cảm xúc, điều này không đồng nghĩa với việc chỉ cần nghệ sĩ “khóc”, khán giả phải có trách nhiệm “đồng cảm”. Giọt nước mắt chỉ có giá trị khi chúng rơi đúng chỗ, đúng hoàn cảnh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng nước mắt chinh phục khán giả: "Dẫu hay cũng nhàm"