Trong thời gian qua, dư luận đang tranh cãi về bài thơ 'Bắt nạt' của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, tập 1, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Với quan điểm của một giáo viên đứng lớp, từng tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh gần 10 năm, thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cho rằng đây là bài thơ chưa tiêu biểu, chưa xứng đáng tuyển chọn vào sách giáo khoa và giảng dạy cho các em học sinh lớp 6.
Vì sao chưa phù hợp?
Quan điểm biên soạn sách giáo khoa THCS nói chung và sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 mới nói riêng tuân thủ nguyên tắc bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Sách có 10 bài học. Các văn bản được lựa chọn làm ngữ liệu trong mỗi bài học có nội dung gắn với chủ đề thể hiện.
Cụ thể trong bài 1 gắn với chủ đề TÔI VÀ CÁC BẠN, các văn bản có chung đề tài là tình bạn giữa những nhân vật đang có quá trình trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành gồm Bài học đường đời đầu tiên (Trích “Dế mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Nếu cậu muốn có một người bạn… ( Trích Hoàng tử bé của Ăng - Toan đơ - Xanh tơ Ê - xu - pe - ri) và bài Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh.
Qua việc đọc hiểu được gợi ra từ văn bản, học sinh được bồi đắp tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự khiêm tốn, thái độ chan hòa…nhưng có vẻ như bài thơ Bắt nạt đã nằm ngoài dụng ý của người soạn sách.
Khi tiến hành thăm dò ý kiến của các học sinh giỏi và các em chuẩn bị lên lớp 6, thầy Ngô Mậu Tình nhận được câu trả lời khá tiêu cực về nội dung bài thơ này. Bắt nạt là hành vi xấu, cần được cảm hóa, cần được giáo dục bằng tình yêu thương thì tác giả như thách thức, đầy cao ngạo: Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay//Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi/Vẫn không thích bắt nạt/Vì bắt nạt rất hôi?
Có người còn cho rằng, đây là sự hồn nhiên, dí dỏm, đáng yêu. Học sinh lớp 6 rất ngây thơ, trong sáng, chúng ta cần dạy cho các em cách nhận biết, chân thành và tin yêu. Các em vừa mới hoàn thành chương trình tiểu học và đang thích ứng dần với cấp học mới, môn học mới.
Với môn Ngữ văn, sự chuyển tiếp của các em học sinh chuyển từ yêu cầu biết đọc, viết, nói, nghe ở mức độ căn bản sang yêu cầu phân biệt được thể loại, loại văn bản.
Cho nên, bài thơ này chưa phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của học sinh vừa rời chương trình tiểu học. Mặt khác, đa số học sinh ở nông thôn, miền núi rất xa lạ với các hình ảnh nhảy híp-hóp và mù-tạt trong bài thơ nên các em cảm thấy rất lạ lẫm, khó hiểu và không thể phát huy được phẩm chất và năng lực tiếp nhận.
Và theo thầy Tình, tác giả dường như đã đi quá xa thậm chí là khiên cưỡng khi áp đặt tư duy người lớn của mình, khuyên các em: "Đừng bắt nạt người lớn / Đừng bắt nạt trẻ con / Đừng bắt nạt nước khác / Trên khắp trái đất tròn". Sự nhẹ nhàng, tinh tế, hồn nhiên đã mất đi, bài thơ vô tình đã "bắt nạt" các em không chịu làm người lớn.
Sự lộn xộn trong lập ý
Qua việc đọc hiểu bài thơ Bắt nạt, giáo viên giúp học sinh hiểu và có thái độ đúng đắn trước hiện tượng bắt nạt, góp phần xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toànvà hạnh phúc.
Tuy nhiên, khi phân tích kỹ nội dung, người đọc dễ nhận ra sự lộn xộn trong lập ý và triển khai khá mâu thuẫn: “Bắt nạt là xấu lắm; Bất cứ ai trên đời/ Đều không cần bắt nạt; Vẫn không thích bắt nạt/ Vì bắt nạt rất hôi !”.
Thái độ đối với các bạn bắt nạt phải rõ ràng, dứt khoát chứ không cần bắt nạt rồi không thích bắt nạt. Với trẻ em là phải có hoặc không, nhất là muốn giáo dục các em trước những cái xấu và cái đẹp.
Với các bạn bị bắt nạt, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh tỏ ra rất thân thiện, gần gũi, yêu mến song cách diễn đạt trong bài thơ đã phá vỡ điều này: “Những bạn nào nhút nhát/ Thì là giống thỏ non/ Trông đáng yêu đấy chứ”.
Với người Việt, nhút nhát được ví như thỏ, tục ngữ có câu: “ Nhát như thỏ”. Vì vậy, sự so sánh này không có lợi trong tiếp nhận của trẻ. Đã nhút nhát thì không thể nào đáng yêu được ở hoàn cảnh này.
Nhà giáo Ngô Mậu Tình băn khoăn và không hiểu phải dạy học sinh như thế nào khi tác giả viết: “ Bạn nào bắt nạt bạn/Cứ đưa bài thơ này/Bảo nếu cần bắt nạt/Thì đến gặp tớ ngay. Đây có thể là thái độ sẵn sàng bênh vực bạn nhưng cũng có thể hiểu là tác giả đang thỏa hiệp và khuyến khích hành vi bắt nạt.
Bắt nạt là một thói xấu có thể gây ra những tổn thương, nỗi sợ hãi và gây ra những hậu quả nặng nề về tâm lý cho người khác do vậy muốn tránh được điều này, người lớn phải giáo dục trẻ con tình yêu thương, thái độ bao dung, biết trân trọng và nâng niu con người.
Tác giả có vẻ không nhận thức thấu đáo điều này nên có những lý giải chưa đúng mực: “Sao không ăn mù tạt?/ Đối diện thử thách đi/ Sao không trêu mù tạt/Tại sao không học hát/Nhảy Hip - hop cho hay…”. Lý giải điều này chỉ có thể dùng lý thuyết ngoại biên (marginal) của chủ nghĩa hậu hiện đại để cắt nghĩa. Nhưng theo thầy Tình, với sinh viên các trường Đại học văn khoa đã khó tiếp nhận rồi chứ đừng nói đến học sinh lớp 6.
Gửi sách qua văn bản PDF gây những khó khăn trong việc đọc và nghiên cứu tác phẩm
Để có sự trao đổi, tiếp nhận dân chủ và khoa học nhằm có sản phẩm thơ ca tốt nhất đưa vào sách giáo khoa, hội đồng biên soạn sách giáo khoa lớp 6 mới nên có những buổi tập huấn cụ thể vào từng chủ đề, từng đơn vị bài học, qua đó giáo viên THCS sẽ hấp thục được tác phẩm trên tinh thần khoa học.
Muốn làm được điều này, thiết nghĩ nhà xuất bản nên in sách gửi đến tất cả các giáo viên để họ có thể đọc một cách tốt nhất. Việc gửi cho giáo viên bộ sách qua văn bản PDF gây ra những khó khăn trong việc đọc và nghiên cứu tác phẩm.
Năm học 2021-2022 đang đến, giáo viên trong cả nước lại bận rộn với việc lên phân phối chương trình dạy học, soạn bài. Tất cả đều rất mới mẻ, vừa làm vừa đúc rút những bài học để dần hoàn thiện các khâu trong quá trình lên lớp.
Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, thầy Tình chỉ đề cập đến những khía cạnh cần thiết để trao đổi với mong muốn các tác giả chọn tác phẩm giảng dạy cho học sinh cần đặc biệt chú ý đến đối tượng học sinh, nội dung tác phẩm và tính thông dụng để đảm bảo tất cả các em học sinh được học một cách chủ động, sáng tạo và vừa sức.
Thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Lâm Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình.