Ngày 6/1, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử với hai bị cáo Kiều Văn Tùng (SN 1992, trú tại xã Hòa Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh) và Trần Thị An (SN 1991, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) về tội Tổ chức người khác trốn ra nước ngoài.
Theo hồ sơ vụ án, Tùng và An vốn sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc từ năm 2013. Trước ngày xảy ra vụ án không lâu, Tùng làm việc tại Công ty Julia của nước này và quen biết Vũ Thành Long (trú tại Quảng Bình) cùng sang Cộng hòa Séc sinh sống.
Đến cuối năm 2015, Long nhờ Tùng tìm cách đưa một số người thân quen, họ hàng của Long ở Quảng Bình sang Cộng hòa Séc lao động. Qua tìm hiểu, Tùng biết được người có nhu cầu sang quốc gia này lao động phải nộp hồ sơ cho Văn phòng tư vấn của nước sở tại.
Sau đó, Tùng điện thoại thông báo cho người thân của Long để những người có nhu cầu đi lao động chuẩn bị hồ sơ. Tháng 1/2016, Tùng về Việt Nam gặp người thân của Long và được họ nhờ đưa 10 người sang Cộng hoà Séc để đi làm.
Một thời gian sau, Tùng đã cầm 10 bộ hồ sơ của người thân Long mang sang Cộng hoà Séc nộp cho Văn phòng tư vấn lao động nhưng không được chấp nhận. Không chịu bó tay, tháng 5/2016, Tùng quay trở lại Việt Nam đưa bốn người nhà của Long đến Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Hà Nội để phỏng vấn, nhưng vẫn không đủ điều kiện làm Visa.
Hai bị cáo Tùng và An tại phiên tòa xét xử
Đến tháng 6/2016, Tùng và Long bàn bạc và thống nhất sẽ lần lượt đưa bốn người nhà của Long trốn sang các nước châu Âu bằng một thủ đoạn hết sức tinh vi. Sau đó, Tùng sẽ đưa người xuất cảnh sang Thái Lan bằng hộ chiếu thật, rồi đối tượng tráo đổi hộ chiếu cho người muốn sang châu Âu. Bởi hộ chiếu của Tùng vẫn đang có sẵn Visa của Cộng hòa Séc.
Trong khi người có nhu cầu sang châu Âu bằng hộ chiếu, visa giả thì Tùng quay trở lại Việt Nam bằng hộ chiếu của người này và chờ Long thu lại hộ chiếu của đối tượng gửi về nước.
Như vậy, chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, Tùng và Long đã đưa trót lọt được 3 người sang các nước châu Âu. Trong đó, có một người là nữ giới nên Tùng đã nhờ Trần Thị An đưa hộ chiếu, Visa của mình cho Tùng để tráo đổi cho một phụ nữ ngay sau khi quá cảnh sang Thái Lan.
Với thủ đoạn tinh vi trên, Long và Tùng đã thỏa thuận sẽ thu của mỗi người từ 11.000 USD đến 16.000 USD. Số tiền này, Long được hưởng 2.500 USD và Tùng được hưởng 6.000 USD. Số tiền còn lại, Tùng sử dụng cho các chi phí khác.
Hiện Long vẫn ở Cộng hòa Séc nên cơ quan tố tụng đã quyết định tách rút hồ sơ, xử lý sau.
Tại phiên tòa, hai bị cáo đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tùng thừa nhận đã hưởng lợi bất chính 9.000 USD, còn An được đồng bọn trả công 2.000 USD.
Sau khi nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan, HĐXX cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội nên nên cần phải có hình phạt nghiêm khắc để răn đe giáo dục và phòng ngừa chung.
Từ nhân định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt Kiều Văn Tùng 3 năm tù và Trần Thị An 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội danh trên.