Đưa kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí vào chỉ tiêu thi đua, bổ nhiệm cán bộ

Mai Thoa| 27/05/2021 19:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 27/5/2021, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

202105271658562059_dsc_1911.jpg

Vẫn còn nhiều tồn tại

Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Với tinh thần quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) nên đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể: Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được tăng cường, tập trung vào những lĩnh vực có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

phoc-ho.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tóm tắt kết quả THTKCLP trong năm 2020

Kết quả thu NSNN đạt cao hơn (tăng 185 nghìn tỷ đồng) so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi NSNN; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, gây lãng phí NSNN phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, góp phần giảm nợ công. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong giới hạn cho phép; Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những tồn tại, hạn chế như: Cân đối thu, chi NSNN gặp nhiều khó khăn, bội chi NSNN tăng so với dự toán. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương;

Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập còn lớn, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một số quỹ tài chính ngoài NSNN hoạt động chưa hiệu quả; mô hình hoạt động không phù hợp với thực tế; Về việc mua sắm thiết bị làm việc, việc tổ chức, triển khai thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa triển khai đầy đủ các nội dung theo quy định;

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư chậm, phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định; đầu tư dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện so với quy định…. Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi. Tổ chức bộ máy một số cơ quan vẫn còn cồng kềnh, nhiều cấp trung gian; kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Về kế hoạch năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ tập trung vào các nội dung sau: Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP trong mọi lĩnh vực của đời sống KTXH; đưa kết quả THTKCLP là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về THTKCLP, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương…

Cần có chế tài xử lý cụ thể

Báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác THTKCLP năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

bui-cuong.jpg
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hạn chế cần khắc phục. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng, vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi chương trình và báo cáo THTKCLP.

Một số đơn vị đến tháng 4/2020, tháng 5/2020 mới ban hành Chương trình THTKCLP; Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao; Công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó vẫn còn tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra. Một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công…

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị trong thời gian tới cần quan tâm một số giải pháp; cần sớm xây dựng và ban hành chương trình THTKCLP ở từng ngành, từng địa phương, đơn vị, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực; tăng cường kiểm tra, giám sát để chỉ ra bất cập và có giải pháp khắc phục. Có chế tài cụ thể, xử lý vi phạm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa THTKCLP tạo chuyển biển trong cả nước.

Nhấn mạnh chủ trương THTKCLP là chủ trương lớn của Đảng đã được thể chế trong pháp luật, bên cạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: THTKCLP là vấn đề rất lớn nhất là đối với điều kiện khó khăn của nước ta. Tuy nhiên, báo cáo thường niên về THTKCLP lại chưa được chú trọng đúng mức. Nhiều chương trình, báo cáo THTKCLP còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất, chưa bám sát vào các nội dung của Luật và Chương trình THTKCLP của Chính phủ.

hue-v.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng nào nên bám sát nội dung cốt lõi của Luật THTKCLP và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình THTKCLP năm 2020, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính gồm: Tài chính, ngân sách nhà nước, tín dụng nhà nước, tài chính công, tài sản công, doanh nghiệp có vốn nhà nước, năng suất lao động của cán bộ, công chức; Tài nguyên đất đai khoáng sản, bảo vệ môi trường; Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, xã hội. Đồng thời cần nhìn thẳng vào thực tiễn cuộc sống, bám sát vào cuộc sống để tránh hình thức để từ đó có đánh giá thực chất, rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí vào chỉ tiêu thi đua, bổ nhiệm cán bộ