Dứa gai rớt giá, nông dân điêu đứng

Tài Đức| 04/04/2019 13:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dứa gai đang vào vụ thu hoạch rầm rộ, thế nhưng giá cả lại liên tục xuống thấp khiến người nông dân Thanh Hóa lao đao, đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tại Thanh Hóa, dứa gai được trồng tập trung ở các huyện Hà Trung, Thạch Thành và Nông trường Thống Nhất (Yên Định). Hàng năm, khi dứa đang chuẩn bị thu hoạch đã xuất hiện nhiều thương lái đến đặt mua với giá khá cao nên nông dân phấn khởi mở rộng diện tích canh tác.

Thế nhưng năm nay, do giá dứa xuống thấp, cộng với thương lái không thu mua rầm rộ như những năm trước khiến nhiều nông dân trồng dứa lâm vào cảnh lao đao, đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Giá dứa gai liên tục xuống giá, người nông dân điêu đứng

Xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) là địa phương có 650 ha diện tích trồng cây dứa gai. Trước đây, nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ trồng dứa. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, giá dứa liên tục không ổn định, nếu như năm ngoái giá dứa xuống thấp vào thời điểm tháng 6 thì năm nay giá dứa đã xuống thấp ngay từ đầu vụ, điều này đã làm nhiều người trồng dứa gặp rất khó khăn trong việc tiêu thụ.

Bà Trần Thị Mây, thôn Đồng Hậu, xã Hà Long cho biết, năm nay nhà bà trồng hơn 1 ha dứa với chi phí đầu tư là 150 triệu đồng, thế nhưng do giá dứa xuống thấp nên tiểu thương chỉ mua với giá 2.600 đồng/kg dứa đẹp, quả nhỏ chỉ bán được 1.300 đồng/kg, tổng số tiền bán dứa thu về được 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua chồi, phân bón, thuê máy múc làm đất, bà chỉ còn được 70 triệu đồng, vì vậy năm nay bà xác định bị lỗ vốn, mong các cấp trên sớm có giải pháp để nhân dân trồng dứa có đầu ra ổn định.

Hiện nay, đây đang là chính vụ thu hoạch dứa

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long (Hà Trung) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, giá dứa gai đã xuống thấp dưới 3.000 đồng/kg, điều này đã làm hơn 500 hộ dân trồng dứa trên địa bàn bị giảm nguồn thu bởi người dân khi đầu tư 1 ha dứa phải mất ít nhất hơn 100 triệu đồng. Nếu bán dứa 3.000 đồng/kg thì sẽ không có lãi, còn nếu bán thấp hơn thì sẽ lỗ vốn, hiện xã đang phối hợp với các cấp trên để tìm giải pháp giúp người dân tiêu thụ được dứa trong thời gian tới.

Được biết trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Hà Trung, cây dứa được quy hoạch vùng phát triển trong diện tích 250-300 ha. Tuy nhiên, do dứa gai là cây trồng có năng suất cao nên những năm gần đây, người dân trồng gấp đôi diện tích vùng trồng dứa đã quy hoạch, dẫn đến cung vượt quá cầu, giá dứa bị đẩy xuống thấp. Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện Hà Trung đã chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện cũng các xã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân trồng dứa.

Bên cạnh đó, huyện đã đề nghị các doanh nghiệp, thương lái đang có mối quan hệ làm ăn với xã Hà Long lâu nay tập trung thu mua dứa giúp bà con. Đồng thời, vận động bà con phải phân kỳ và trồng rải vụ, xử lý chín theo từng đợt, mỗi đợt xuống giống cách nhau 2 tháng, không trồng ồ ạt làm giá dứa xuống thấp. 

Giá dứa gai vẫn phụ thuộc chính vào nhu cầu thị trường và lái buôn

Hiện huyện Hà Trung đang kêu gọi một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến dứa, nếu được các cấp trên chấp thuận địa điểm đầu tư, doanh nghiệp này có thể sẽ xây dựng nhà máy dứa tại xã Hà Long, qua đó giải quyết được vấn đề tiêu thụ dứa cho nhân dân, ổn định vùng nguyên liệu.

Theo anh Trần Thế Năng, một thương lái ở tỉnh Hà Nam, mỗi ngày anh bán ra thị trường 3 tấn dứa, năm nay thị trường dứa gai bán rất chậm nên anh chỉ nhập dứa đẹp với giá từ 2.500-2.600 đồng/kg, còn dứa nhỏ chỉ mua vào với giá 1.300 đồng/kg. Thêm vào đó, trong vòng 1 năm qua, số hộ dân trồng dứa ngày càng tăng nên các tiêu thương có thêm nhiều lựa chọn khi chọn mua các loại dứa.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, không chỉ riêng huyện Hà Trung mà người dân sống tại các huyện khác như Thạch Thành, Yên Định và thị xã Bỉm Sơn cũng đang gặp nhiều khó khăn do giá dứa xuống thấp. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dứa gai rớt giá, nông dân điêu đứng