Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa diễn ra, Trung ương đã dành thời gian (ngày 9/5) để thảo luận về chủ trương lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC)
.
Đây là một trong những chính sách được người dân quan tâm, kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công cuộc PCTN hiện nay.
100% tỉnh, thành nhất trí thành lập BCĐ PCTN cấp tỉnh
Nội dung này cũng đã được đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc hôi nghị. Theo đồng chí Tổng Bí thư, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và kết luận tại phiên họp thứ 21 của BCĐ Trung ương về PCTNTC, kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC.
Dù chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, TP trực thuộc trung ương thành lập BCĐ để tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng đề án, đã có tất cả 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh, đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập BCĐ cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của BCĐ cấp tỉnh về PCTNTC và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Đánh giá về chủ trương này, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nhận định: đây là mặt trận phức tạp, cam go, cần có một tổ chức để thúc đẩy.
Mô hình BCĐ Trung ương trực tiếp do Tổng Bí thư làm trưởng ban đã chứng minh hiệu quả rõ ràng trong công tác PCTN. Điều đó thể hiện rất rõ ở nhiệm kỳ khóa XII, khi số lượng vụ, việc tham nhũng, kinh tế được phát hiện, xử lý tăng lên rất nhiều. Riêng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng trực thuộc trung ương, 112 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý - tăng gấp 10 lần so với nhiệm kỳ trước đó. Kết quả cho thấy tham nhũng, tiêu cực đang rất phức tạp, nghiêm trọng.
Tiếp đến, thực tiễn hoạt động của BCĐ Trung ương là bài học kinh nghiệm quý giá. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác trong chỉ đạo PCTN được cọ xát qua thực chiến. Hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo đi vào nề nếp, bài bản, khoa học, đúng vai, thuộc bài. Các thành viên, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Những kinh nghiệm ấy chắc chắn sẽ giúp việc triển khai mô hình BCĐ cấp tỉnh sớm phát huy hiệu quả, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đưa công tác PCTN lên vị trí ưu tiên cao nhất
Ông Phạm Anh Tuấn cũng cho hay, dư luận quan tâm và đánh giá tham nhũng vẫn còn nhức nhối ở nhiều nơi. Từ kinh nghiệm của BCĐ Trung ương cho thấy, để phát huy trách nhiệm, hiệu quả của các thiết chế PCTNTC địa phương thì cần một đầu mối, một tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Việc lập BCĐ cấp tỉnh sẽ tạo bước tiến mới cho công cuộc này.
Từ thực tế nhiều cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh bị kỷ luật thời gian qua, nên cũng có ý kiến băn khoăn việc giao cho bí thư làm trưởng BCĐ cấp tỉnh, ông Tuấn cho rằng, Tổng bí thư đã thúc đẩy, đưa công tác PCTNTC lên vị trí ưu tiên cao nhất từ trước đến giờ của Trung ương Đảng; tạo ra cơ chế để cấp dưới tự cọ xát, chế ước lẫn nhau, đúng tinh thần “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cho vào đây cũng phải cháy”. Rõ ràng, để PCTNTC thành phong trào như thế này thì vai trò của Tổng bí thư là rất quan trọng, rất quyết định. Điều đó cũng sẽ đúng với BCĐ cấp tỉnh.
Cấu trúc quyền lực phân cấp rất mạnh cho địa phương. Tham nhũng dưới địa phương vừa là nguy cơ vừa là thực tiễn rất phức tạp. Từ kinh nghiệm của trung ương cho thấy rất cần tổ chức BCĐ cấp tỉnh để hình thành cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo để xác lập ưu tiên rõ ràng với nhiệm vụ PCTNTC. Qua đó hình thành cơ chế để PCTNTC ở địa phương cũng thành phong trào.
Hơn nữa, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh, giao cho bí thư làm trưởng ban cũng là cách để ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu, để buộc bí thư Tỉnh ủy phải coi PCTNTC là ưu tiên cao của chính mình, ông Phạm Anh Tuấn nhận định.
Còn theo TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, đã đến lúc cần thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Điều này cũng thể hiện quyết tâm PCTN xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta không có vùng cấm, không ngưng nghỉ.
Để BCĐ cấp tỉnh thực hiện tốt, phát huy hiệu quả công tác PCTNTC thì Ban Nội chính Trung ương và BCĐ Trung ương PCTNTC cần tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban bí thư để có hướng dẫn chi tiết về thành phần tham gia BCĐ cấp tỉnh. Việc này tạo sự thống nhất cho BCĐ cấp tỉnh trong cả nước.
BCĐ cấp tỉnh thì ngoài người đứng đầu cấp ủy đảng và các cơ quan cần thiết khác cần có sự tham gia của các cơ quan dân cử, Mặt trận để tăng cường tính giám sát, đại diện tiếng nói của cử tri, công dân trong tỉnh; cần có quy định việc chịu trách nhiệm trước BCĐ Trung ương cũng như trách nhiệm trực tiếp của các thành viên BCĐ cấp tỉnh nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực, địa phương mà thành viên BCĐ hoặc BCĐ phụ trách.
Cùng với đó phải có cơ quan giám sát, kiểm tra hoạt động của BCĐ cấp tỉnh để tránh những vấn đề tiêu cực, tham nhũng của chính BCĐ này. Chọn người tài đức, có tâm, có tầm tham gia BCĐ thì sẽ hạn chế, kiểm soát được các vấn đề tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.