Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP: Người mua nhà ở xã hội bị “bỏ sót”

20/03/2013 08:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Xây dựng đã phối hợp với NHNN để xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người dân, Thông tư không hề nói đến nhóm đối tượng mua nhà thu nhập thấp.

30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi

Theo dự thảo thông tư, dự kiến các ngân hàng thương mại sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng để cho người có thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức... được vay để thuê - thuê mua nhà ở xã hội hoặc thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2 , giá bán dưới 15 triệu đồng/m2... Các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội. Nguồn vốn này sẽ được hỗ trợ dưới hình thức tái cấp vốn cho 5 ngân hàng gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Đầu tư và Phát triển (BIDV), Công thương (Vietinbank), Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) để cho vay. 

 

Nếu theo quy định này, ngân hàng thương mại nhà nước phải dành tối thiểu 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đối tượng có thu nhập thấp, các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; các doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất và thời hạn phù hợp. Các đối tượng được vay vốn sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi và ổn định 6%/năm đến thời điểm 15/4/2016 (3 năm). Sau thời điểm này, khách hàng tiếp tục được hưởng chính sách lãi suất hỗ trợ theo công bố của NHNN. 

 

Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP: Người mua nhà ở xã hội bị “bỏ sót”

Mua được nhà ở xã hội vẫn là mơ ước của nhiều người dân

 

Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà có thời hạn được vay tối đa sẽ là 10 năm và 5 năm đối với doanh nghiệp. Khách hàng vay mua, thuê, thuê mua nhà thì số tiền vay tối đa là 80% phương án vay và 70% đối với doanh nghiệp (khách hàng có vốn tham gia vào phương án vay theo quy định của ngân hàng nhưng không quá 20% đối với người mua, thuê, thuê mua nhà và 30% đối với doanh nghiệp). Về điều kiện cho vay, khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở phải có hợp đồng với chủ đầu tư theo quy định; cam kết vay vốn để mua, thuê, thuê mua một căn nhà duy nhất để ở và chưa được vay vốn hỗ trợ lãi suất để mua, thuê, thuê mua nhà ở tại các ngân hàng khác. Đối với khách hàng là các doanh nghiệp thì phải có tên trong danh mục chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng thông báo cho Ngân hàng Nhà nước. 

 

Cần hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp 

 

 Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo thông tư đã “bỏ sót” nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng cho biết đã đề nghị NHNN đưa vào dự thảo Thông tư này quy định về việc cho các hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được hỗ trợ về nhà ở theo Nghị quyết 02 được vay vốn để mua nhà ở xã hội, có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, tại dự thảo Thông tư lần 4, NHNN vẫn chưa đưa đề cập đến quy định đó. Lý do của NHNN là trong Nghị quyết 02 chỉ quy định cho các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để thuê - thuê mua nhà ở xã hội chứ không có quy định hộ gia đình, cá nhân được vay vốn để mua nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Luật Nhà ở hiện hành cũng chỉ quy định nhà ở xã hội được đầu tư để cho thuê và thuê mua. 

 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Các chính sách và chủ trương của Chính phủ hiện nay đều nhất quán về quy định các đối tượng có khó khăn về nhà ở thì được mua nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc hỗ trợ lãi suất không nên dừng lại ở nhóm đối tượng thuê và thuê mua nhà mà cần tính cả đến nhóm khách hàng được mua nhà ở xã hội. Nếu không quy định về vấn đề này thì chưa đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 02 là vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đồng thời giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp và thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở. 

Mặc dù Luật Nhà ở 2005 có quy định nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, thuê mua nhưng khái niệm nhà ở xã hội trong Luật này chủ yếu là do ngân sách nhà nước đầu tư nên chỉ để cho thuê và thuê mua. Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2006 nhưng đến nay hầu như chưa có dự án nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn ngân sách được thực hiện. Vì vậy, việc giải quyết nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp, có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị còn gặp rất nhiều khó khăn. 

 

Cách đây 4 năm, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP (22/4/2009) về một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hơn nữa nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp tập trung và nhà ở cho học sinh - sinh viên các cơ sở đào tạo. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 67/2009-QĐ-TTg (24/4/2009) về một số cơ chế chính sách phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Theo đó, Nhà nước có cơ chế ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập thấp để bán, cho thuê - thuê mua cho các đối tượng thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Bởi vậy, về bản chất, loại hình này vẫn là nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước. 

 

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02, Bộ Xây dựng cho rằng cần xem xét đưa nhóm đối tượng được mua nhà thu nhập thấp vào diện được hỗ trợ vay vốn. 

 

Bảo Nam

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP: Người mua nhà ở xã hội bị “bỏ sót”