Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Không phải cứ áp dụng tử hình là giảm tội phạm

Mai Thoa| 02/09/2015 12:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội nghị các đại biểu Quốc hội chuyên trách vừa qua, nguyên Phó Chánh án TANDTC - Chánh án TAQSTW Trần Văn Độ vẫn bảo lưu quan điểm về việc cần thiết phải giảm án tử hình ở một số tội danh.

Ông cho rằng “không nên quan niệm nặng nề dùng tiền mua án tử hình, bởi thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tốt hơn tử hình trong khi Nhà nước vẫn bị thất thoát khoản tiền lớn...”.

Tử hình có tác dụng răn đe không nhiều

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh cũng như quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn cũng được xem xét không áp dụng án tử hình.

Đại biểu Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC - Chánh án TAQSTW ủng hộ quan điểm của ban soạn thảo và cho rằng, có thể bỏ thêm hình phạt tử hình ở nhiều tội hơn vì thực tế không áp dụng bao giờ, tính răn đe không cao. Ông Độ cho biết, là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu luật hình sự và kinh nghiệm từ thực tiễn thấy rằng, không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm, tử hình có tác dụng răn đe không nhiều.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Không phải cứ áp dụng tử hình là giảm tội phạm

ĐB Đỗ Văn Đương

Qua thực tế xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình cho thấy, nhiều bị cáo khi được hỏi có nghĩ sẽ bị tử hình nếu phạm tội không thì trả lời rằng không nghĩ gì. Với tội phạm ma tuý thì đối tượng nghĩ vận chuyển trái phép một bánh cũng bị tử hình rồi thì 1.000 bánh cũng vậy. Còn tội tham nhũng, quy định hình phạt tử hình từ lâu nhưng áp dụng không bao nhiêu. Trong khi đó tài sản tham ô, tham nhũng thu hồi được rất ít. Do đó, nếu có biện pháp thu hồi tài sản sẽ tốt hơn rất nhiều việc tử hình. Vì vậy, đề nghị trong tội này quy định tịch thu tài sản là biện pháp bắt buộc chứ không phải “có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản”. Khi tịch thu tài sản như một hình phạt thì không cần chứng minh tài sản đó người  phạm tội từ đâu mà có. Còn nếu qua con đường tư pháp lại phải chứng minh điều đó.

Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, năm 2014, nước Nga có sắc lệnh quy định trước khi khởi tố người tham nhũng tự giác khắc phục cơ bản tài sản thì không bị xử lý hình sự. Nếu phát hiện, khởi tố mà nộp phần lớn hoặc toàn bộ thì coi đó là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. “Trao đổi về vấn đề này, họ nói với tôi, từ khi có sắc lệnh mới, tài sản thu hồi tăng gấp 5 lần. Do đó, ta nên ủng hộ việc khắc phục cơ bản để giảm tử hình mà không nên quan niệm nặng nề rằng dùng tiền mua án”, đại biểu Trần Văn Độ nói.

Ủng hộ quan điểm trên, đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, việc xây dựng luật này thể hiện quan điểm của Nhà nước về chính sách hình sự, tránh để cảm xúc chi phối. Về phương diện tội phạm học thì tử hình và giảm tội phạm không liên quan trực tiếp. Không phải tử hình là giảm tội phạm mà còn nhiều yếu tố khác. Việc giảm hình phạt tử hình như vậy là hợp lý.

Còn theo đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn Đoàn ĐBQH Cà Mau, hình sự phải nghiêm khắc nhưng không có nghĩa phải tử hình mới là nghiêm khắc. Do đó, cần nghiên cứu giảm án tử hình.

Nên bổ sung tội “Lãng phí”

Tuy đồng ý với việc giảm án tử hình nhưng với 7/22 tội danh được đề cập trong dự thảo, nhưng nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc giữ lại hình phạt này ở một số tội danh để xử lý nghiêm minh.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, không nên giảm tử hình với người từ 75 tuổi trở lên vì họ là người trải qua cuộc sống, chín chắn, biết hậu quả của các hành vi phạm tội, đặc biệt là các tội phản quốc hay ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc bỏ đi nhiều hình phạt tử hình không phải là biện pháp mà nên quy định dù chưa áp dụng trên thực tế nhưng trong tương lai, có thể sẽ áp dụng. “Nên quy định, còn quan trọng là áp dụng trong xét xử như thế nào cho phù hợp. Bỏ tử hình với người trên 70 tuổi cũng không nên”, đại biểu nêu quan điểm.

Lo lắng trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, nguy hiểm, manh động, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị cân nhắc vì bỏ án tử hình với 7/22 tội là nhiều. Thay vào đó nên tiếp tục quy định vì luật hình sự góp phần đấu tranh trấn áp tội phạm, sau này, khi tình hình chuyển biến sẽ có bước sửa đổi tiếp theo.

Còn theo nhiều ĐB khác, nếu bỏ Điều 165 BLHS hiện hành về tội “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ rất nguy hiểm. Nếu bỏ tội danh này thì lập tức, các quan chức phạm tội này sẽ trở thành vô tội hết. Vì vậy, chỉ nên sửa cấu thành tội danh cụ thể chứ không thể bỏ đi, vì có liệt kê đến mấy cũng không thể đủ các luật chuyên ngành. Sửa lại cho rõ cấu thành tội phạm, không ghi chung chung mà nên ghi “vi phạm các quy định của pháp luật hay của luật” gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý.

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị, nên bổ sung thêm tội “Lãng phí” vào dự thảo BLHS vì hiện nay có tình trạng cứ có dự án là làm, làm xong không sử dụng, để hoang hoá, gây lãng phí và tốn kém tiền của Nhà nước, dân kêu ca rất nhiều. “Người làm dự án biết ngay không sử dụng mà cứ làm thì pháp luật hình sự phải can thiệp”, ông nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Không phải cứ áp dụng tử hình là giảm tội phạm