Trong những năm qua, cùng với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em.
Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam hiện hành cũng đã dành hẳn một chương riêng quy định về trách nhiệm hình sự của tội phạm chưa thành niên.
Có nên thay thế bằng biện pháp chuyển hướng?
Dự thảo sửa đổi BLHS hiện nay đang đặt ra vấn đề sửa đổi bằng các biện pháp thay thế hình sự đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, với thực trạng tình hình trẻ em phạm tội hình sự phức tạp như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, việc xử lý chuyển hướng nhẹ đi như vậy trong dự thảo sửa đổi BLHS sẽ làm gia tăng thêm tình hình tội phạm.
Theo báo cáo của Chính phủ, trung bình mỗi năm có từ 16.000-18.000 trẻ em chưa thành niên phạm tội, chiếm 15-18% tổng số tội phạm. Trong 5 năm (2007-2012), các lực lượng Công an đã điều tra hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với gần 76.000 đối tượng chưa thành niên phạm pháp. Đặc biệt, hơn 65% vụ phạm pháp của đối tượng chưa thành niên có sử dụng vũ khí nóng hoặc hung khí. Để giải quyết hiệu quả tình trạng này đòi hỏi phải có nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc sửa đổi BLHS.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đưa ra các biện pháp thay thế TNHS, bao gồm: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
PGS.TS Dương Tuyết Miên, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, cần cân nhắc khi đưa nội dung thay thế này vào Dự thảo Luật sẽ không phù hợp, vì quy định về các biện pháp thay thế xử lý hình sự là cần thiết, thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý người chưa thành niên phạm tội, nhưng để trong BLHS là không phù hợp và chưa có tiền lệ, cần quy định ở một văn bản khác.
Điều kiện để xem xét, áp dụng biện pháp thay thế hình sự tại khoản 2 Điều 87 của Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định: Các cơ quan có thẩm quyền chỉ xem xét áp dụng biện pháp thay thế hình sự đối với người chưa thành niên khi có các điều kiện như: Có căn cứ phạm một tội; có thái độ hối cải, thành thật khai báo, tự nguyện khắc phục hậu quả do mình gây ra; phạm tội lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ... “Những điều kiện này là “khá dễ dãi”, chưa thực sự nghiêm minh đối với người phạm tội khi không quy định thêm về điều kiện loại tội phạm họ đã thực hiện. Vậy nên, nếu triển khai quy định này theo tinh thần trên, tội phạm sẽ không giảm đi, an toàn trật tự xã hội có thể càng tồi tệ hơn, người phạm tội ngày càng khinh nhờn pháp luật và tái phạm nhiều hơn”, bà Miên lo ngại.
Lê Văn Luyện - một trẻ vị thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc bảo vệ lợi ích chính đáng của người chưa thành niên phạm tội phải đi đôi với bảo vệ lợi ích của cộng đồng xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đối với người chưa thành niên phạm tội, giả sử nếu có các quy định về biện pháp thay thế hình sự thì chỉ nên áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng mà thôi.
Hòa giải tại cộng đồng: Thiếu khả thi
Nội dung nữa mà Dự thảo BLHS (sửa đổi) bổ sung là quy định về hòa giải tại cộng đồng; giám sát giáo giục của gia đình hoặc cơ quan, tổ chức.
Dự thảo Luật đã không hạn chế phạm vi những tội phạm nào mà chỉ nói chung chung là: “Tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng”. Như vậy, giả sử người chưa thành niên phạm tội giết người (thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng) hoặc phạm tội cướp tài sản (thuộc trường hợp rất nghiêm trọng) mà áp dụng biện pháp này thì việc xử lý sẽ không nghiêm minh, mức độ răn đe hạn chế, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận; thậm chí có thể xảy ra trường hợp gia đình nạn nhân có phản ứng tiêu cực, sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu sử dụng biện pháp giám sát tại cộng đồng, gia đình chẳng khác nào “thả hổ về rừng”, vì thường trẻ vị thành niên hư, phạm tội phần lớn do cha mẹ quản lý, giám sát con không tốt (rất nhiều trường hợp do bố mẹ ly hôn, hoặc mải làm ăn... không quan tâm đến con dẫn đến con phạm tội). Như vậy mà lại để trẻ vị thành niên phạm tội cho cha mẹ, cộng đồng giám sát, cải tạo thì không thể khả thi.
Mặt khác, đối với trẻ em đường phố, sống lang thang, đối tượng vô gia cư phạm tội thì không áp dụng được việc giám sát, giáo dục tại gia đình. Còn nếu giao các đối tượng này cho các cơ quan, tổ chức thì vô cùng phức tạp khi hệ thống các hoạt động xã hội trợ giúp trẻ em của nước ta hiện nay còn rất khiêm tốn, việc kiểm soát những đối tượng này rất khó khăn. Đối với trẻ em nông thôn, vùng sâu vùng xa phạm tội, nếu áp dụng biện pháp này cũng vô cùng nan giải. Vì giao thông khó khăn, việc đi lại không dễ dàng nên giám sát của cơ quan có thẩm quyền đối với trẻ vị thành niên phạm tội cũng không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, quy định về “Việc khiển trách đối với người chưa thành niên phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên” cũng khó khả thi khi không có quy định đi kèm như: Việc khiển trách được tiến hành ở đâu? Nếu quy định như vậy thì rất hạn chế, bởi thực tế, nhiều phụ huynh rất nuông chiều con cái, bênh vực con thái quá nên việc khiển trách chỉ là “chiếu lệ” nếu như những người chứng kiến khiển trách chỉ là những người thân trong gia đình, họ hàng. Về phía người chưa thành niên sẽ không cảm thấy xấu hổ hay áy náy gì về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Giả sử việc khiển trách lại được tiến hành tại nhà người phạm tội và nếu cán bộ có thẩm quyền thực hiện lại khiển trách “qua loa”, chiếu lệ như vậy sẽ rất hình thức và kém hiệu quả.
Ngoài ra, còn một số điều, khoản quy định trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) về trẻ vị thành niên phạm tội còn khá xa rời thực tế Việt Nam như: Nghĩa vụ của người bị khiển trách “Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề, các chương trình tham vấn kỹ năng sống phù hợp tại địa phương...”. Chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống hiện nay mới chỉ được tổ chức ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Các chương trình này chủ yếu do một số cơ sở tư nhân hoặc liên kết đào tạo mở và người học phải tự trả tiền với mức phí rất cao. Nhiều địa phương chưa có điều kiện, kinh nghiệm tổ chức các lớp, chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống. Vì vậy, người chưa thành niên không tham gia được lớp học này do địa phương không tổ chức. Nếu những nơi có tổ chức lớp được thì ai sẽ là người chi trả các chi phí nếu trẻ vị thành niên phạm tội tham gia chương trình này là trẻ lanh thang, cơ nhỡ...? Do đó, việc người chưa thành niên phạm tội không thực hiện nghĩa vụ này thì cũng không hẳn do lỗi của họ trong khi Nhà nước chưa đảm bảo đủ điều kiện để đảm bảo thực hiện. Bởi vậy, sửa đổi lại cho phù hợp với thực tiễn là việc làm cần thiết hiện nay.