Dù một tia hy vọng mong manh cũng xin đừng từ bỏ

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó chánh Toà Phúc thẩm, TAQSTW| 21/09/2020 13:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh trong việc hòa giải án dân sự, cả Thẩm phán và Luật sư cũng phải nỗ lực hết mình tìm mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để hiện thực hóa tia hy vọng nhỏ nhoi ấy.

Khi còn là Thẩm phán, tôi luôn tâm đắc về câu nói của các bậc tiền nhân: “Trăm cái lý không bằng một một tý cái tình”. Không phải cứ đưa nhau ra pháp đình là nhất thiết phải đấu lý. Đây cũng chính là nguồn cội, là cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định về nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Nội dung nguyên tắc đó là: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Chính vì vậy, khi giải quyết các tranh chấp dân sự, tôi luôn đặt ra cho mình trách nhiệm, nghĩa vụ và cố gắng đạt được mục tiêu hòa giải, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đương sự nhận được cái “gật đầu” của nhau. Và thực tế, sự nỗ lực của Thẩm phán, đặc biệt có sự phối kết hợp của Luật sư bảo vệ các bên, kết quả hòa giải đã, đang và sẽ mang lại niềm vui cho cả người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng.

Sau khi nghỉ hưu, tôi chuyển sang hành nghề Luật sư, nhờ vậy mà tôi càng có điều kiện thuận lợi và hợp pháp để tham gia vào quá trình hòa giải nhiều vụ án dân sự.

Một ngày đầu tháng 5/2020, nhận được tin nhắn của Thư ký của một Tòa án về vụ việc đang cần hòa giải, tôi sắp xếp thời gian đến Tòa gặp gỡ đương sự. Tiếp xúc với tôi là một cặp vợ chồng bao năm chung sống hạnh phúc, nhưng nay họ muốn “đường ai nấy đi”. Việc ly hôn của họ đơn giản bởi hết duyên tay đã rời tay, chẳng ai nỡ ép. Chỉ còn lại tài sản chung cần phân chia.

Anh bảo đất của anh, nhà anh làm, chị thì nói mình đã đóng góp 500 triệu đồng để cùng anh xây nhà. Tuy nhiên, người đứng ra mua bán, ký kết, chi trả tiền nguyên vật liệu, thợ thuyền là anh. Còn chị, không cung cấp được bất kỳ chứng cứ nào chứng minh việc đưa tiền cho anh và những tranh cãi đó không hồi kết, cả hai bên đều bức xúc về nhau tột độ…

Dù một tia hy vọng mong manh cũng xin đừng từ bỏ

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết, nguyên Phó chánh Toà Phúc thẩm, TAQSTW 

Qua tìm hiểu tôi được biết, cặp vợ chồng vốn là đồng đội của nhau: Anh là cấp trên của chị. Anh - một Đại tá - Trưởng ban Tổ chức động viên của một đơn vị cấp Lữ đoàn. Chị là nhân viên, quân nhân chuyên nghiệp. Hai người đến với nhau đều có chung hoàn cảnh là đã qua một lần đò và đều có con riêng, giờ đến tuổi trung niên, cần một chỗ nương tựa nhau lúc về già. Vợ anh đã mất vì căn bệnh ung thư, để lại hai cha con côi cút. Chị đã qua một lần đò, được một đứa con gái với chồng cũ.

Hai gia đình nhỏ cùng cảnh ngộ hội nhập về chung một nhà. Dù không cùng dòng máu nhưng phàm là con người, ăn ở với nhau, đối xử với nhau như ruột thịt thì ắt sẽ gắn bó yêu thương. Mơ vậy nhưng đời không vậy. Bảy tháng sau khi kết hôn thì anh đập nhà cũ, xây ngôi nhà mới 4 tầng khang trang trên mảnh đất mang tên anh và vợ cũ. Rồi hôm nay, họ hẹn nhau đến Tòa, vừa để cắt duyên, vừa giải quyết việc phân chia tài sản.

Anh thì vẫn kiên quyết với ý nghĩ “nhà đất, tiền xây nhà của tôi, lương cô ấy có 5 triệu mỗi tháng, nuôi ăn hai mẹ con còn không đủ lấy đâu ra tiền góp xây nhà…”. Còn chị thì uất nghẹn trong lòng với những câu hỏi đầy bức xúc: “Không có tôi anh có xây nhà được không? Tiền tôi bán nhà, tiền về một cục, tiền đi làm thêm. Chẳng lẽ vợ chồng đưa nhau tiền, tôi lại yêu cầu anh viết biên nhận. Năm trăm triệu tiền mặt, có phải ít đâu mà anh không nhớ…”. Những lời cãi vã, kể tội nhau của cặp vợ chồng càng lúc căng thẳng. Anh thì vẫn nhất quyết chỉ cho cô ấy 40 triệu đồng sau khi ly hôn, còn chị không chịu…

Từng là người lính trong quân ngũ, tôi với tư cách Luật sư - Hòa giải viên cho người vợ, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp chuyện cùng nhau. Sau hồi lâu, từ chỗ căng thẳng đăm chiêu, anh đã bộc bạch nỗi lòng mình: Hóa ra, tôi với vợ chồng anh còn có một thời thanh xuân sôi nổi cùng làm những công việc của một anh lính “Tổ chức động viên”. Và sau nhiều câu chuyện vui vẻ không đầu, không cuối, tôi mới vào đề theo mục đích của mình.

Với cách đặt vấn đề rằng khi anh chị kết hôn, anh đã hiểu rất rõ hoàn cảnh của nhau và thương nhau. Cuộc hôn nhân trước đổ vỡ là thiệt thòi lớn cho người vợ và họ kỳ vọng anh - người chồng sau sẽ mang đến hạnh phúc cho họ ở cuộc hôn nhân này. Trong hôn nhân nếu rạch ròi thắng thua sẽ không còn ý nghĩa, bởi cuộc sống có muôn hình vạn trạng, không thể cái gì cũng rạch ròi. Nếu như anh vẫn quyết ly hôn thì hãy tạo điều kiện cho người phụ nữ đã từng “đầu gối tay ấp” một thời có cuộc sống vật chất bớt khó khăn và để lại cho nhau một sự tôn trọng… Còn nếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì đó là tài sản chung thời kỳ hôn nhân về nguyên tắc tài sản sẽ được chia đôi, Tòa sẽ xem xét đến công sức đóng góp của mỗi người để phân chia tài sản.

Tôi cũng nói rõ cho anh biết rằng, khi không thỏa thuận được, Tòa sẽ đưa ra xét xử, hai người sẽ phải nộp án phí, chi phí thẩm định, chi phí đo vẽ, chi phí định giá, mà chắc chắn còn phải mất nhiều thời theo kiện…

Với sự phân tích có tình, có lý của cán bộ Tòa án và lời tham góp công tâm, đúng quy định của pháp luật của Luật sư, người chồng như hiểu ra nhiều điều. Và anh quyết định nâng số tiền “hỗ trợ” cho vợ thêm nhiều lần so với con số 40 triệu lúc đầu đưa ra. Tuy nhiên, anh vẫn nhắc lại, “đây không phải là tôi thừa nhận khoản tiền cô nói đã đưa cho tôi, mà chỉ là tôi hỗ trợ mẹ con cô sau ly hôn mà thôi”. Người đàn bà vừa được tôi an ủi tạm yên, nghe thấy chồng nói vậy, lại bừng bừng đứng lên định nói lời chua chát.

Ngay lập tức, tôi kéo chị ra ngoài và ghé tai: "Em nghe chị, ra ngoài! Để mình chị vào, hãy nuốt nước mắt vào trong và nhẫn nhịn một chút".

Trao đi đổi lại nhiều lần, đặc biệt với lời phân tích có tình, có lý của Thẩm phán, lời tham góp chân tình của chị Thư ký, cuối cùng, hai bên đã hạ bút ký vào Biên bản thỏa thuận giải quyết phân chia tài sản chung. Tuy chẳng thể nào thỏa mãn cao nhất cái mong muốn của mỗi người, nhưng nhờ sự nỗ lực và tạo điều kiện thuận lợi của Tòa án, cùng sự phối hợp nhịp nhàng của Luật sư, cuối cùng, lòng tham của mỗi người đã được kiềm chế, lợi ích cả hai được hài hòa.

Vậy là vụ việc vốn phức tạp nay được giải quyết giản đơn hơn. Thẩm phán và Luật sư có thêm một niềm hy vọng chấm dứt một vụ kiện không dễ gì dừng lại ở cấp sơ thẩm. Biên bản hòa giải được ký cũng là lúc đồng hồ đã điểm 20 giờ tối. Vậy mà trong chúng tôi, chẳng ai biết bụng mình đang rỗng. Tôi hối hả ra về, không quên bắt tay cảm ơn người lính già và chúc anh có cuộc sống mới nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn.

Sau khi ký biên bản hòa giải, các đương sự có 7 ngày để thay đổi ý kiến. Tôi thấp thỏm chờ đợi thời khắc quyết định của anh với hy vọng sẽ không có “biến” xảy ra. Vậy nhưng ngày hôm sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại của người lính già ấy với lời xin lỗi không thể hàn gắn với lý do “cô ấy không tôn trọng anh”, rằng anh đã “hạ mình” để hỗ trợ cô ấy thêm tiền…

Nói với anh ấy rằng tôi rất tiếc vì công sức của hai bên, của Luật sư, Thẩm phán, của Thư ký đã bỏ ra nhiều ngày để hòa giải cho gia đình anh không kể thời gian đêm, ngày… rồi dặn anh ngày trở lại Tòa xem xét vụ án, dù vẫn chưa hết hy vọng về một sự thay đổi nào đó.

Là Luật sư, cũng là Hòa giải viên tôi hiểu rằng, trong hòa giải vụ án dân sự, dù chỉ còn một tia hy vọng mong manh, cả Thẩm phán và Luật sư cũng không nên từ bỏ, mà phải nỗ lực hết mình để tìm mọi cách, mọi biện pháp mà pháp luật cho phép để hiện thực hóa tia hy vọng nhỏ nhoi ấy. Thậm chí, ngay cả khi phiên tòa đã được mở, cơ hội hòa giải cũng chưa bao giờ khép lại. Tòa án luôn tạo điều kiện tối đa để các bên tìm được tiếng nói chung, kể cả phải tạm dừng phiên tòa và chờ đợi.

Có lẽ vẫn chưa yên tâm về vụ việc, về quyết định của anh, nữ Thẩm phán thụ lý vụ án của anh đã mời anh đến Tòa một lần nữa để hòa giải, thuyết phục với sự cảm nhận rằng đó là một người chồng tốt, nhưng chị vợ không khéo léo nên quyết tâm thêm một lần nữa hàn gắn cho gia đình họ.

Và thật vui, không biết người Thẩm phán ấy thuyết phục thế nào mà người chồng lại đồng ý rút đơn, Biên bản thỏa thuận lại được giữ nguyên. Sau buổi ấy, người chồng đã chủ động gặp gỡ nói lời cảm ơn Luật sư, Thẩm phán đã giúp họ không đưa ra những quyết định sai lầm…

Trời mùa hè thật yên ả với tiếng ve kêu rả rích. Nhiệt độ lên đỉnh hè mà lòng tôi nhẹ nhõm, thảnh thơi. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho Luật sư chúng tôi những niềm hạnh phúc giản dị như thế - Hạnh phúc từ một phiên hòa giải tại Tòa án. Tôi càng trân trọng hơn những nỗ lực của con người dù  hy vọng vô cùng mong manh, vì đời vẫn rộng mở, ban phát niềm vui nho nhỏ cho mỗi con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dù một tia hy vọng mong manh cũng xin đừng từ bỏ