Văn hóa - Du lịch

Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực kích cầu

Minh Triết 18/09/2024 - 14:06

Sau hơn 2 năm “đóng băng”’ vì đại dịch COVID-19, ngành du lịch tại khu vực ĐBSCL đã có sự vươn mình mạnh mẽ, đó là nhờ nỗ lực kích cầu của các địa phương và doanh nghiệp du lịch.

Nhiều hoạt động hấp dẫn

Nhằm tìm giải pháp đánh thức tiềm năng du lịch ven sông Hậu, mới đây, từ ngày 25 – 31/8/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Trà Vinh đã tổ chức sự kiện “Festiaval 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè”.

Sự kiện có các hoạt động đáng lưu ý như: Hội thảo về cây dừa sáp; trưng bày trái cây ngon; hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp (xác lập kỷ lục); tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”.

Sự kiện Tuần lễ Vu lan thắng hội có các hoạt động chính: công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chứng nhận Lễ hội Vu Lan thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hoạt động tín ngưỡng thờ Ông Bổn; hội chợ thương mại; không gian ẩm thực; liên hoan Lân Sư Rồng;

a1.jpg
Nhiều địa phương nỗ lực tổ chức sự kiện để kích cầu du lịch

Trưng bày hình ảnh văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Vu Lan thắng hội huyện Cầu Kè; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian.

Chỉ trong 7 ngày diễn ra sự kiện, địa phương đã thu hút gần 72.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.

Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh, địa phương có 143 ngôi chùa Khmer – Phật giáo Nam tông có kiến trúc cổ kính và các lễ hội diễn ra quanh năm như: Lễ hội Nghinh Ông; Vu Lan thắng hội; lễ hội Óc Om Bok; lễ hội Nguyên tiêu và nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.

Việc địa phương tổ chức các sự kiện Festiaval 100 năm dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan thắng hội huyện Cầu Kè cùng với những sự kiện khác không nằm ngoài mục đích kích cầu du lịch tại địa phương”, ông Dương Hoàng Sum nhấn mạnh.

Trước đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã tạo được tiếng vang từ Giải Marathon quốc tế lớn nhất khu vực với gần 11.000 vận động viên tham gia. Trong đó có 19 vận động viên nước ngoài đến từ 11 quốc gia: Nhật Bản, Ấn Độ, Thailand, Đức, Kenya, Philippines, Newzealand, Singapore, Anh, Australia và Malaysia),…

a2.jpg
Giải marathon quốc tế tại Hậu Giang

Bên lề sự kiện này, địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động như: hội chợ, hội thi ẩm thực, hội thi làm bánh dân gian, tham quan các không gian triển lãm văn hóa, thể thao, du lịch…, chỉ trong 2 ngày diễn ra sự kiện này, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) đã đón trên 22.000 lượt du khách.

Không chỉ hai địa phương trên, trong những tháng đầu năm 2024, các địa phương khác trong vùng ĐBSCL như: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… cũng đã tổ chức các sự kiện lễ hội như: Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ; lễ hội sông nước miệt vườn; lễ hội nghinh ông Đông Hải; lễ hội Sen; lễ hội đua bò; lễ hội trái cây…

Bên cạnh sự nỗ lực kiến tạo của các địa phương thì các doanh nghiệp du lịch trong vùng cũng đã đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn để kích cầu du lịch.

Điển hình như khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm (An Giang) tung ra gói: mua 5, tặng 1; tặng 2 voucher ẩm thực cho học sinh xuất sắc, học giỏi; miễn phí tham quan cho trẻ em cao dưới 1m trong mùa hè vừa qua.

Điểm tham quan du lịch rừng tràm Trà Sư (An Giang) cũng có chính sách giá vé ưu đãi đặc biệt đối với công ty lữ hành, khách đoàn và các cơ quan ban ngành khi đến tham quan tại rừng tràm Trà Sư.

Các khu, điểm du lịch và nhiều công ty lữ hành khác cũng tung ra chính sách giảm phí, tặng bảo hiểm, giảm giá vé tàu bay… Các sự kiện lễ hội văn hóa, thể thảo, ẩm thực của các địa phương và sự nỗ lực của doanh nghiệp du lịch trong việc khuyến mãi đã góp phần rất lớn thu hút khách du lịch đến với vùng ĐBSCL trong những tháng đầu năm 2024.

Thu hút đông khách nội địa

Với lợi thế có nhiều hòn đảo đẹp, ẩm thực phong phú đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa đặc sắc, tỉnh Kiên Giang là một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển du lịch của vùng ĐBSCL. Trong đó, Phú Quốc được mệnh danh là “thiên đường” du lịch nghỉ dưỡng, nơi đây cũng được chọn thí điểm đón khách du lịch quốc tế sau 2 năm tạm đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho hay, với việc triển khai đồng bộ các quy định về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành du lịch đã có sự phục hồi tốt. Trong 8 tháng đầu năm 2024, du lịch Kiên Giang đón trên 7,6 triệu lượt khách; trong đó có trên 665.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch trên 18.000 tỷ đồng, đạt gần 90% mục tiêu đề ra cho cả năm 2024.

a3.jpg
Tài nguyên du lịch vùng ĐBSCL độc đáo

Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Vina Phú Quốc cho hay, trong những tháng đầu năm 2024, lượng khách du lịch nội địa đến với Phú Quốc đã tăng mạnh trở lại. Bên cạnh đó, các đối tác lữ hành quốc tế cũng đã kết nối để đưa khách vào Việt Nam và Phú Quốc là điểm đến được nhiều du khách quốc tế chọn. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch của Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng đang hồi phục mạnh mẽ.

Tại tỉnh An Giang, địa phương có thế mạnh du lịch tâm linh với dãy núi Thất Sơn huyền bí, trong 8 tháng đầu năm 2024, An Giang đã đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch. Theo Sở VHTT&DL tỉnh An Giang, năm 2024, địa phương đặt mục tiêu đón 9 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú khoảng 800.000 lượt. Doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt trên 6.200 tỷ đồng.

a4.jpg
Du lịch nông nghiệp, nông thôn là lợi thế của ĐBSCL

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau cho biết, với vị trí đặc biệt là điểm cực Nam của Tổ quốc, Cà Mau có rừng, có biển, hệ sinh thái đa dạng, ẩm thực phong phú rất hấp dẫn khách du lịch. Hiện, Cà Mau có 3 tuyến du lịch chính gồm: TP. Cà Mau - Khu du lịch Mũi Cà Mau; TP. Cà Mau - Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc và tuyến TP. Cà Mau - Khu Du lịch sinh thái sông Trẹm.

Trong đó, tuyến du lịch TP. Cà Mau - Khu Du lịch Mũi Cà Mau đã được xác định là tuyến du lịch trọng điểm, địa phương đang tập trung phát triển thành Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Hiện nay, sản phẩm du lịch của Cà Mau đã có bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng, hướng đến phát triển thương hiệu du lịch Cà Mau trên bản đồ du lịch Việt Nam.

dua-sap-tra-vinh.jpg
Dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh), sản phẩm đặc thù của địa phương

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Lê Thanh Phong cho rằng, ngoài Phú Quốc, các địa phương còn lại tại ĐBSCL không có “biển xanh, cát trắng” như nhiều địa phương ven biển miền Bắc, miền Trung. Tuy nhiên, với đặc thù là vùng nông nghiệp trù phú, ngư trường rộng lớn, giàu tài nguyên biển, văn hóa đa sắc tộc, ẩm thực phong phú, khu vực ĐBSCL vẫn có những nét hấp dẫn riêng.

“Du lịch ĐBSCL sẽ hấp dẫn du khách hơn nếu được đầu tư bài bản và có chiến lược liên kết, xúc tiến, quảng bá hiệu quả”, ông Lê Thanh Phong nhấn mạnh.

Nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL, ngày 20/9 tới đây, tại TP Cần Thơ, Báo Công lý phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”.

Hội thảo có sự tham dự của trên 150 đại biểu gồm: lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; lãnh đạo TAND, các Sở quản lý về du lịch khu vực ĐBSCL; các nhà quản lý, các khoa học, chuyên gia về du lịch; đại diện các khu du lịch; các công ty lữ hành...

Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị:

1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon

2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP

3. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm

4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu

5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực kích cầu