Theo The Times, thời gian gần đây những khách du lịch thường đến Bỉ cùng hồ sơ của mình, và mong muốn có được cái chết êm ái trong vòng một tuần.
Theo đó, “An tử” hay còn gọi là “cái chết nhân đạo chủ động” là việc thực hành chấm dứt sinh mạng một con người với mục đích làm giảm thời gian chịu đau đớn và đau khổ về mặt thể lý cho người bệnh.
Cho đến nay trên thế giới, vẫn còn nhiều người ở các quốc gia đang kêu gọi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa quyền được chọn cái chết nhẹ nhàng. Nhưng, số người phản đối "quyền được chết" này cũng không phải là ít. Họ cho rằng, việc gây nên cái chết cho người khác dù trực tiếp hay gián tiếp đều không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.
Nhiều người ở các quốc gia đang kêu gọi đấu tranh cho việc hợp pháp hóa quyền được chọn cái chết nhẹ nhàng
Nên tính đến năm 2015, trong tổng số 221 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chỉ có 3 nước cho phép trợ tử bệnh nhân là Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Còn Thụy Sĩ, Argentina và năm bang của Mỹ áp dụng cái chết nhân đạo thụ động.
Được biết, các quốc gia, lãnh thổ áp dụng cái chết nhân đạo đều có quy định pháp lý chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục áp dụng đối với mỗi hình thức. Tuy nhiên thời gian gần đây, đã có hàng nghìn du khách đổ xô đến Bỉ để được xin an tử, do nước này đã hợp thức hóa việc tìm đến cái chết êm ái từ năm 2003.
Theo số liệu mới đây, chỉ tính trong năm 2015, có tới 2.023 người xin được an tử ở Bỉ, tăng gấp đôi số lượng so với 5 năm trước. Những khách du lịch xin được an tử dùng thẻ bảo hiểm y tế Liên minh châu Âu để xin cấp một liều thuốc độc miễn phí. Họ thường đến Bỉ cùng hồ sơ của mình, và mong muốn có được cái chết êm ái trong vòng một tuần.
Cho đến nay, chỉ có 3 nước cho phép trợ tử bệnh nhân là Hà Lan, Bỉ, Luxembourg
Bác sĩ Olivier Vermylen làm việc ở một bệnh viện ở Brussels cũng đã báo cáo về sự gia tăng đột biến của du khách nước ngoài đến Bỉ để tìm kiếm sự an tử. Vermylen cho biết, chỉ tính riêng trong bệnh viện nơi ông làm việc đã có tới 15 người xin được chết, trong đó có 7 người đến từ Pháp (tại Pháp, an tử vẫn bị cấm).
Giáo sư Raphael Cohen ở Đại học Hull, Anh cũng cho biết, ông chứng kiến nhiều người Anh rời khỏi đất nước và đến Thụy Sĩ, nơi họ được giúp đỡ để chết. Gần 300 người Anh đã đi đến Zurich để được trợ tử với sự giúp đỡ của Dignitas, một trung tâm trợ giúp quyền được chết ở Thụy Sĩ.
Đứng trước thực trạng đó, ông cho rằng đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại, các quốc gia cần kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh kẻ xấu lợi dụng, lạm dụng quyền này để hợp thức hóa hành vi giết người.