Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế tăng trưởng năm 2022 và các năm tiếp theo.
Ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhận định và dự báo, sau 2 năm 2020 - 2021 tăng trưởng dương ở mức thấp, kinh tế Việt Nam sẽ "viết tiếp câu chuyện tăng trưởng".
Trong điều kiện nhanh chóng kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt, Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch sắp được Quốc hội thông qua sẽ là nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất và an sinh. Nếu được thực hiện hiệu quả, đúng và trúng mục tiêu, đây sẽ là đòn bẩy lớn cho nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Năm 2020, trong khi đại đa số các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng âm do tác động của đại dịch thì Việt Nam là quốc gia hiếm hoi nỗ lực duy trì được mức tăng trưởng GDP dương với mức tăng 2,91%.
Năm 2021, trong kinh tế các quốc gia trên thế giới có xu hướng phục hồi khi đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine thì kinh tế Việt Nam lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn của đại dịch với biến chủng mới Delta, nên tăng trưởng đạt 2,58%.
Hiện nay, với độ bao phủ vaccine cao, chiến lược thích ứng, linh hoạt, an toàn, năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Như vậy, kinh tế Việt Nam 2 năm cùng tăng trưởng dương ở mức thấp, hiện nay đang trên đà phục hồi và dự báo sẽ theo mô hình chữ U như hình dưới.
Ông Hiếu cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dự báo dựa vào các ngành, lĩnh vực và các yếu tố, động lực sau:
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và cải thiện nhờ vào lực đẩy từ các DN FDI; kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn cơ bản ổn định, tạo tiền đề cho điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt và dễ đạt hiệu quả hơn;
Thứ hai, trong các ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chắc chắn sẽ tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế và sẽ tiếp tục phát huy vai trò này để hỗ trợ cho kinh tế phục hồi. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2022 sẽ khởi sắc hơn; một số ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; bưu chính viễn thông; khoa học công nghệ; y tế vẫn tiếp tục là những ngành duy trì tốc độ tăng trưởng tốt.
Thứ ba, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng vaccine đầy đủ 2 mũi, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn. Ngoài ra, thị trường được hỗ trợ bởi sự gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm khi người lao động trở lại các nhà máy, khu công nghiệp sau thời gian trở về địa phương tạm lánh dịch bệnh;
Thứ tư, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư công bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, và tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn;
Thứ năm, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;
Thứ sáu, cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả; các gói kích thích kinh tế, hỗ trợ khu vực DN, cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ giúp khu vực này dần đi vào ổn định, phát triển sản xuất;
Thứ bảy, hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn;
Thứ tám, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được dự báo sẽ duy trì và có thể mở rộng hơn 2 năm 2020 - 2021; hoạt động du lịch quốc tế sẽ khởi sắc khi Việt Nam mở cửa trở lại các đường bay thương mại quốc tế trong thời gian tới.