Thông tin được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 9/5.
Tăng trưởng GDP giảm đáng kể
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022 nước ta đạt được nhiều thành quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nền kinh tế phục hồi nhanh, là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng cao, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Mặc dù còn có chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những hậu quả để lại rất nặng nề của đại dịch COVID-19, nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraina, nhưng với quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, chúng ta đã vượt qua các khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra.
Bộ trưởng cũng cho biết, tình hình KTXH tháng 4 và 4 tháng năm 2023 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển, Chính phủ tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng, các dự án đường cao tốc, đường vành đai, đường ven biển và hạ tầng đô thị lớn; chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.
Báo cáo thẩm tra sau đó, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2022 nước ta đối diện với nhiều biến động nhanh, phức tạp, tiêu cực của tình hình thế giới. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UBKT, bên cạnh kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Cụ thể, có 2 chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu đã báo cáo là tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.
Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu khoảng 5,5%. Tăng trưởng GDP giảm tốc đáng kể trong quý IV do xuất khẩu sụt giảm và sản xuất công nghiệp tăng thấp khi các điều kiện kinh doanh xấu đi và nhu cầu thế giới suy giảm mạnh, đơn hàng sụt giảm trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu.
Chủ nhiệm UBKT cũng cho biết, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức tiếp diễn từ quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Cụ thể, tăng trưởng GDP Quý I/2023 thấp, các trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước đã có mức sụt giảm hoặc tăng không đáng kể cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là vô cùng khó khăn.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng là rất khó khăn. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Cùng với đó thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; Chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; theo dõi chặt chẽ, chủ động phương án ứng phó, phòng, chống, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19,…
Cần đánh giá đúng thực chất tăng trưởng để có phương án
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho rằng, tổng thể chung tình hình vi phạm pháp luật và các loại tội phạm về trật tự xã hội giảm, tuy nhiên một số loại tội phạm gia tăng như tội phạm giết người, mua bán người, cho vay lãi nặng, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông…
Trong thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, đã xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm. Tuy nhiên tình trang sai phạm liên quan đến tham nhũng tiêu cực vẫn xảy ra, gây bức xúc trong dư luận như chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm…
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa nghiêm, còn nhiều trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đề nghị kịp thời bổ sung, đánh giá cụ thể hơn các nội dung trên, chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, do đó tiếp tục đề ra các giải pháp, chỉ đạo, phòng ngừa và xử lý hậu quả. Cho rằng đây là báo cáo kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo cần đánh giá kỹ hơn về mảng xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá đúng thực chất biểu đồ tăng trưởng của đất nước, không phải tăng trưởng giảm đột ngột từ 8,2 xuống 3,3%, mà từ cuối quý III, quý IV/2022 đã có xu hướng giảm, do vậy cần phân tích những tồn tại một cách khoa học, chặt chẽ và đầy đủ hơn.
Về tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua làm việc với các chuyên gia, các nhà khoa học cho thấy dòng tiền vẫn còn điểm nghẽn, các chính sách mới ban hành chưa phát huy tác dụng. Nếu đánh giá lạc quan quá sẽ dẫn đến công tác điều hành gặp khó.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số khó khăn, hạn chế nhưng không làm rõ tồn tại nội tại nền kinh tế, chưa phân tích rõ nguyên nhân của tình trạng này. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung phân tích cụ thể hơn vào những vấn đề bất cập, nhất là những yếu kém, tồn tại trong nội tại của nền kinh tế, năng lực điều hành quyết định những vấn đề trước các tình huống, các giai đoạn có tính chất đặc biệt quan trọng cần có linh hoạt, quyết đoán, mạnh mẽ hơn, không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở các Bộ, ngành và địa phương.