Dự án tuyến đường trục Hồ Tây – Ba Vì đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến QL32 dài 3,26km nằm trong danh mục công trình trọng điểm ưu tiên triển khai của thủ đô Hà Nội giai đoạn năm 2016-2020. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn phải nằm trên...giấy.
Tuyến đường trọng điểm gần 4 năm phải nằm...chờ
Tuyến đường trục Hồ Tây – Ba Vì được kỳ vọng khi hình thành sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc tại nhiều “điểm đen” giao thông trên các con phố như Hoàng Công Chất, Quốc lộ 32, Phạm Văn Đồng... Tuy nhiên tới nay dự án này vẫn chưa thể triển khai vì vướng một số ý kiến của người dân liên quan tới quy hoạch.
Sau khi nhận được thông tin, Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội đã gửi văn bản xin ý kiến một số sở ngành về rà soát quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì. Ngày 18/12/2019, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội có văn bản số 11209/SGTVT-KHTC gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Công văn nêu rõ: “Tuyến đường này vai trò quan trọng trong mạng lưới hệ thống giao thông khung của TP.Hà Nội đã được xác định trong đồ án quy hoạch chung và quy hoạch GTVT của Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.Việc quy hoạch và triển khai đầu tư tuyến đường này là cần thiết. Tại đồ án quy hoạch GTVT đã định hướng, ưu tiên lộ trình đầu tư tuyến đường trục Hồ Tây - Ba Vì ngay trong giai đoạn 2016 - 2020”.
Cũng theo Sở GTVT, tuyến đường trục Hồ Tây - Ba Vì được quy hoạch theo hướng Đông – Tây và là một trong các trục chính hướng tâm có nhiệm vụ kết nối khu vực đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành. Tuyến đường khi hình thành sẽ giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông trên tuyến QL32 hiện nay. Riêng đối với đoạn trong khu vực đô thị trung tâm của tuyển đường trục Hồ Tây - Ba Vì, khi đầu tư xong sẽ hỗ trợ trực tiếp cho việc phát huy hiệu quả kết nối loại hình giao thông đường bộ với đường sắt đô thị.
Bình đồ tuyến đường trục Hồ Tây – Ba Vì.
Trước đó, ngày 21/11/2019, Sở QH&KT cũng gửi văn bản số 6738/QHKT-HTKT tới Sở KH&ĐT. Văn bản nêu rõ: Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000 do Bộ Xây dựng chủ trì lập, đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011: định hướng quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì được xác định trên cơ sở kéo dài đường Hoàng Quốc Việt từ vành đai 3 đến Quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây – Ba Đình. Tuyến đường làm nhiệm vụ tăng cường khả năng hỗ trợ giao thông cho Đại lộ Thăng Long. Đoạn đầu tuyến đường từ Vành đai 3 đến Quốc lộ 32, chiều dài khoảng 3,4km (cả tuyến có 3 đoạn) Trên các bản đồ quy hoạch của đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô được duyệt, thể hiện trục Hồ Tây – Ba Vì có hướng tuyến kéo dài thẳng hướng với đường Hoàng Quốc Việt.
Để triển khai cụ thể hóa quy hoạch xây dựng chung, Hà Nội đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, trong đó liên quan đến quy hoạch trục Hồ Tây – Ba Vì là phân khu H2-1 tỷ lệ 1/2000 và GS tỷ lệ 1/5000. Tại các đồ án quy hoạch phân khu này, trục đường Hồ Tây – Ba Vì (đoạn từ Vành đai 3 đến Quốc lộ 32) xác định tuân thủ theo Quy hoạch chung xâu dựng Thủ đô đã được duyệt.
Ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 519 phê duyệt quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tuyến đường trục Hồ Tây - Ba Vì. Theo đó tiếp tục khẳng định trục Hồ Tây – Ba Vì có hướng tuyến, quy mô, vị trí thống nhất với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt.
Ngày 4/12/2017, HĐND TP.Hà Nội ban hành Nghị quyết 15, trong đó xác định dự án trục Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 3 (Hoàng Quốc Việt) đến QL32 dài 3,26km, rộng 50m, tổng mức đầu tư 3.604 tỷ đồng là một trong những công trình trọng điểm của TP Hà Nội thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trong giai đoạn 2016 - 2020. Nghị quyết 15/2017 của HĐND TP.Hà Nội cũng nêu rõ mốc thời gian dự kiến khởi công dự án vào năm 2017 và hoàn thành vào năm 2021.
Sau khi UBND TP.Hà Nội công bố danh mục các dự án đầu tư theo hình thức BT, ngày 29/12/2017, liên danh nhà đầu tư gồm: Tổng công ty CP Sông Hồng; Công ty CP Tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng; Công ty CP Công nghệ và xây dựng Sông Hồng; Công ty CP Công nghệ Quốc gia; Công ty CP Đầu tư thiết bị công nghệ Sông Hồng đã có hồ sơ đề xuất thực hiện dự án BT này với tổng mức đầu tư dự kiến 3.604 tỷ đồng.
Văn bản trả lời của Sở GTVT liên quan đến tuyến đường.
Hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư sau đó đã được tổ công tác liên ngành của TP.Hà Nội thẩm định và chấp thuận để nhà đầu tư hoàn thiện. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV báo Công lý , sau hơn 2 năm nhà đầu tư nghiên cứu và đề xuất, đến nay dự án vẫn dừng ở bước hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của kết quả thẩm định của Sở KH&ĐT Hà Nội, vẫn chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư để triển khai thực hiện công việc tiếp theo.
Cần cơ chế đặc thù để bảo đảm quyền lợi cho người dân
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, vướng mắc lớn nhất khiến dự án chưa thể triển khai là do phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn chưa được các cơ quan liên quan thống nhất, chấp thuận. Bởi, theo quy hoạch đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì đoạn từ Vành đai 3 đến QL32 được xây dựng mới dài khoảng 3,26km đi qua địa phận các phường Mai Dịch (Q.Cầu Giấy), phường Phú Diễn và Phúc Diễn (Q.Bắc Từ Liêm). Khu vực tuyến đi qua một phần nhỏ là đất nông nghiệp, các khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu đời nên có nhiều công trình, nhà kiên cố bê tông cốt thép của người dân.
Đặc biệt, tuyến Hồ Tây - Ba Vì đi qua 3 khu tái định cư 8,5ha, 2,1ha và 2,3ha đều là những hộ gia đình đã bị thu hồi đất, phải di dời để phục vụ công tác GPMB thực hiện triển khai các dự án khác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Để bảo đảm quyền lợi cho những người dân tại khu vực này đã thực hiện tái định cư (nay lại phải tái định cư lần 2) khu 8.5ha, 2.1ha, 2.3ha và đẩy nhanh tiến độ, thuận lợi cho việc triển khai, tiến hành đầu tư xây dựng dự án, nhà đầu tư đã có nội dung đề xuất UBND TP.Hà Nội cần có cơ chế đặc thù về GPMB, tái định cư cho dự án trọng điểm này.
Theo đó, nhà đầu tư đề xuất với UBND TP Hà Nội sử dụng một phần diện tích trong quỹ đất thanh toán của UBND TP.Hà Nội cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT làm quỹ đất tái định cư cho những người dân khu vực 8,5ha, 2,1ha, 2,3ha. Hoặc UBND TP.Hà Nội bố trí quỹ đất tái định cư tại các khu đất theo kế hoạch đã dự kiến cho những hộ dân tại khu vực cần GPMB khu 8,5ha, 2,1ha, 2,3ha.
Văn bản của Sở Quy hoạch và Kiến trúc gửi Sở KH&ĐT.
Ngày 31/5/2019, nhà đầu tư đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các hộ về phương án giải phóng mặt bằng. “Tại hội nghị đa số người dân đều mong muốn thông qua nhà đầu tư báo cáo, đề xuất UBND TP.Hà Nội, UBND quận Bắc Từ Liêm có cơ chế đặc thù cho dự án, bố trí quỹ đất tái định cư cho người dân thuộc diện GPMB tại vị trí ô đất mới gần với khu vực hiện đang sinh sống. Phương án hỗ trợ, đền bù hài hòa, phù hợp cho người dân nhằm hạn chế, giảm thiểu những ảnh hưởng, biến động đến đời sống của những người dân có đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án”, đại diện nhà đầu tư cho biết.
Trước đó, tại văn bản số 13/UBND-QLĐT của UBND Quận Bắc Từ Liêm gửi Tổ công tác liên ngành của thành phố về thẩm định dự án, UBND quận cũng cho rằng công tác giải phóng mặt bằng là khá khó khăn, cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng. Đồng thời cần có cơ chế đặc thù để bảo đảm quyền lợi của người dân đã thực hiện tái định cư (nay lại phải tái định cư lần 2)...
Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn trong việc ổn định chỗ tái định cư, thông qua hội nghị lấy ý kiến nhân dân ngày 31/5/2019, đa số ý kiến các hộ dân đều mong muốn đề xuất tới UBND quận Bắc Từ Liêm giới thiệu một số vị trí ô đất tại địa bàn phục vụ nhu cầu nhà ở xã hội, khu vực giãn dân...để làm quỹ đất cho các hộ dân tại khu vực 8.5ha, 2.1ha, 2.3ha phù hợp với chủ trương của thành phố.
Phát triển hạ tầng giao thông nối trung tâm với khu vực phía Tây là việc làm hết sức cần thiết, tạo “đòn bẩy” trong việc phát triển đồng bộ kinh tế- xã hội của Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, mong rằng, UBND TP Hà Nội, nhà đầu tư và người dân sớm có được tiếng nói chung để dự án được triển khai.