Liên quan đến dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng, sau khi UBND TP.HCM có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về phương án giải quyết vướng mắc, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hoả tốc lấy ý kiến với báo cáo trên.
Ngày 2/10, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam về việc lấy ý kiến hỏa tốc đối với phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ nhận được báo cáo của UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Để có đủ cơ sở tổng hợp, báo cáo trước ngày 5/10, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản gửi về Văn phòng Chính phủ trước 17h ngày 3/10.
Trước đó, vào cuối tháng 9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trình Thủ tướng Chính phủ phương án tháo gỡ vướng mắc đối với dự án ngăn triều cường 10.000 tỷ đồng.
UBND Thành phố cho biết, đây là dự án nhóm A với hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách thành phố.
Dự án giúp kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Dự án có năng lực chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch, nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị. Bên cạnh đó là hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường, góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước.
Quá trình triển khai, dự án có ba khó khăn chính, gồm không có vốn để hoàn thành công trình; chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình triển khai có sự thay đổi mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và chưa có cơ sở thanh toán hợp đồng BT.
Nguyên nhân là dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị quyết số 98 năm 2023 của Quốc hội và Nghị định số 35 năm 2021 của Chính phủ.
UBND TP.HCM nhận định, các vướng mắc liên quan đến quy định của Luật, một số nội dung không được thể hiện trong các quy định của Luật như việc xác định Hợp đồng có được phép thanh toán (sau khi khắc phục các thiếu sót)... nên vượt thẩm quyền của Chính phủ. Thành phố sẽ phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
Liên quan đến các vướng mắc này, TP.HCM báo cáo xin ý kiến của các Bộ, ngành để có phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất.
Xét tính chất đặc thù của dự án, trên cơ sở đồng thuận của nhà đầu tư, ngân hàng BIDV tại cuộc họp ngày 10/9, UBND TP.HCM đề xuất thêm các phương án tháo gỡ vướng mắc.
Do tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án cũng đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, để đảm bảo cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên, thực tế, thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án rất phức tạp, do quy định của pháp luật, mất nhiều thời gian và cần thương thảo thống nhất với ngân hàng BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Do đó, TP.HCM đề xuất điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.
Cụ thể, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết Phụ lục Hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.
Sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT, dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót sẽ là cơ sở để TP thanh toán bằng quỹ đất (là các khu đất đã xác định trong Hợp đồng BT) theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.
Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) trị giá 10.000 tỷ đồng, được khởi công tháng 6/2016. Mục đích của dự án nhằm kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Công trình dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng phải dừng thi công tháng 4/2018. Giữa tháng 11/2020 dự án tiếp tục ngưng do UBND Thành phố chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6/2020).