Sáng 5/8, Đoàn kiểm tra số 1351 của Bộ Chính trị do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã đi thăm và tặng quà cho người dân ở khu vực xã Đăk Ring (Kon Plông-Kon Tum).
Tham gia cùng đoàn, về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum; đồng chí Lê Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chánh án TAND tỉnh Kon Tum.
Về phía huyện Kon Plông có đồng chí Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kon Plông; Đại diện lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, UBND huyện Kon Plông; Tập thể Thường trực Đảng ủy xã Đăk Ring; Đại diện các tổ chức - chính trị xã hội xã Đắk Ring và 10 hộ gia đình bị thiệt hại về tài sản và 2 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bị thiệt hại về nhà ở do ảnh hưởng của động đất.
Tại buổi thăm và tặng quà, lãnh đạo huyện Kon Plông đã báo cáo với Chánh án và đoàn công tác về tình hình động đất trong thời gian qua.
Theo đó, thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu từ năm 2021 đến nay số trận động đất tại huyện Kon Plông và lân cận xảy ra thường xuyên, xu hướng mạnh dần từ tháng 4/2021 đến nay.
Năm 2021 ghi nhận 169 trận động đất lớn hơn 2.5 độ. Tháng 4/2022, địa bàn xảy ra trận lớn nhất 4.5 độ. 4 tháng sau cấp độ nâng lên 4.7 độ. Đặc biệt, ngày 28/7/2024, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy tổng cộng 21 trận động đất, trong đó có 02 trận rung chấn mạnh.
Nguyên nhân động đất xảy ra ở địa bàn huyện, theo Viện Vật lý địa cầu là do hoạt động của con người như xây dựng các hồ chứa, đập thủy điện, khai thác mỏ... Viện đã lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất trên địa bàn huyện để cập nhật số liệu, có thể kịp thời cảnh báo.
Đến nay, qua các lần rung chấn, động đất đều có hiện tượng rung lắc có thể nhìn thấy và cảm nhận được (nhà cửa rung lắc và có tiếng nổ nhẹ cảm nhận như phát ra từ lòng đất).
Tuy chưa có thiệt hại về người và tài sản (ngoại trừ 2 trận động đất vào ngày 28/7/2024 có gây thiệt hại về tài sản) do ảnh hưởng của các trận rung chấn, động đất gây ra nhưng tâm trạng của nhân dân có phần lo lắng, bất an và muốn biết được nguyên nhân dẫn đến rung chấn, động đất.
Trước tình hình trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Kon Plông đã chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Phối hợp với Viện Vật lý địa cầu và các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn diễn tập phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, huyện có sự chuẩn bị từng bước về đầu tư hạ tầng ngày càng vững chắc, đảm bảo an toàn khi cường độ động đất không quá lớn.
Hướng dẫn nhân dân cách xây nhà đảm bảo phần nền, tường và mái chịu được lực tốt nhất.
Chỉ đạo các xã tuyên truyền đến từng điểm thôn về hiện tượng động đất và cách ứng phó khi có động đất xảy ra; cấp phát sổ tay tuyên truyền về ứng phó với hiện tượng động đất, sóng thần (do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cung cấp).
Cụ thể: Phối hợp với Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức tập huấn, tuyên truyền và hướng dẫn cho nhân dân về cách phòng tránh, ứng phó với động đất trên địa bàn xã Đăk Tăng, Măng Bút, Đăk Ring, Đăk Nên và Măng Cành.
Phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tại - tìm kiếm cứu nạn, Quỹ phòng chống thiên tai Quốc gia tổ chức tập huấn, thực hành, diễn tập di dời người dân tới nơi an toàn và tổ chức Hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện và cán bộ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Chỉ đạo thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện xuống địa bàn phụ trách nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra (nếu có); phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.
Rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, nhà dân đã bị sụt lún, rạn nứt từ trước do thiên tai, lụt bão gây ra để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời.
Tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về tình hình động đất và công tác ứng phó đến tận người dân.
Thường xuyên phối hợp với các Công ty thủy điện trên địa bàn nắm bắt tình hình về hoạt động các nhà máy thủy điện và công tác vận hành hồ chứa.
Trò chuyện tại buổi thăm và trao quà với cán bộ và bà con nhân dân xã Đăk Ring, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, sáng cùng ngày Chánh án và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
"Bộ Chính trị rất chia sẻ với tỉnh Kon Tum, đặc biệt là huyện Kon Plông, xã Đăk Ring đầu năm đến nay đã trải qua rất nhiều trận động đất, số liệu thống kê và báo cáo cho thấy tần suất dày, nhiều, cường độ thì lớn dần. Đã thấy trận động đất có cường độ đến 5.0 độ”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo tiên lượng của các cơ quan chuyên môn, những trận động đất chưa gây ra hậu quả quá nặng nề về kinh tế, xã hội, con người.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng rất chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Kon Tum và bà con nhân dân. “Tình hình như vậy đặt ra cho chúng ta, cả lãnh đạo Đảng, hệ thống chính trị của Kon Tum và Kon Plông cũng như người dân ở đây tâm thế sống chung với động đất, sẵn sàng cho việc dịch chuyển từ chuyện lớn đến cuộc sống hằng ngày của người dân”.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các lãnh đạo tỉnh phải hoạch định chiến lược phát triển tỉnh trong thời gian tới, sức đầu tư, các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội cho các công trình, các chiến lược cho sự phát triển.
Cuộc sống của bà con ở đây cũng phải sẵn sàng ứng phó. Địa phương cũng đã triển khai một số việc, nhưng Chánh án Nguyễn Hòa Bình mong muốn phải làm hơn thế nữa để người dân sống chung với động đất và thói quen ứng phó phải đầu tư kỹ hơn.
Cho đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng của các nhà khoa học về nguyên nhân động đất nên Chánh án TANDTC mong các đồng chí lãnh đạo tỉnh kết hợp với các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu sớm có kết luận chính thức, chính xác về nguyên nhân, từ đó, mới đề ra các giải pháp hợp lý.
Tại buổi thăm và nói chuyện với bà con nhân dân, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã trao 10 suất quà cho 10 hộ dân bị ảnh hưởng do động đất và trao tặng 2 căn nhà đại đoàn kết cho hộ ông A Thảo và hộ ông A Mréc (mỗi căn nhà trị giá 70 triệu đồng).