Âm nhạc - Phim

Dòng chảy đương đại trong những thanh âm truyền thống

Tuyết Nhung 22/08/2024 - 08:06

Qua bao thăng trầm lịch sử, nhạc cụ truyền thống vẫn duy trì được sức sống mãnh liệt để ngân lên những giai điệu thấm đẫm hồn cốt, ước mơ, khát vọng về một cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc. Những sáo, đàn bầu, đàn t’rưng, đàn nhị... vẫn hiển hiện như là cầu nối giữa con người với thiên nhiên, giữa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè năm châu.

Mỗi nhạc cụ là một câu chuyện, một bản sắc riêng

Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng "Nếu không có giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu khép lại vì đầu vào không có, mà muốn đào tạo phải có đầu vào, có nhu cầu các cơ sở mới tuyển sinh được".

Theo Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.

me-1-.jpg
Kể chuyện lịch sử bằng nhạc cụ dân tộc theo phong cách nghệ thuật đương đại.

Về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.

Là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, nhạc cụ truyền thống đang ngày càng được giới trẻ biết đến. Đây là một thực trạng đáng buồn. Bởi không chỉ là một đồ vật phát ra âm thanh. Mà trong đó còn chứa đựng bề dày lịch sử của hình thành và phát triển.

Đặc trưng âm nhạc nước ta là phát triển theo vùng miền từ Bắc đến Nam. Có những nhạc cụ đơn thuần là sự sáng tạo của con người ở vùng đất đó; có loại được du nhập từ nước ngoài nhưng được dân tộc hóa, bản địa hóa để phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc Việt Nam.

Mỗi nhạc cụ truyền thống có một đặc thù riêng, âm hưởng cũng đặc biệt; những hồn cốt đều nằm trong các nhạc cụ truyền thống đó. Trống lớn, trống nhỏ, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc,... mỗi nhạc cụ đều có quá trình phát sinh, phát triển cùng thời gian, chứa đựng những giá trị, ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Mang trong mình những giá trị văn hóa, tâm linh, thẩm mỹ và nghệ thuật đặc trưng của dân tộc mình.

Là một nghệ sĩ đã gắn bó hơn 60 năm với nhạc cụ dân tộc, NSND Minh Phương cho biết: "Nhạc cụ dân tộc có ý nghĩa rất lớn về mặt âm nhạc với người Việt. Với những nhạc cụ như trống, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh... đều phục vụ cho đời sống sinh hoạt tinh thần của con người Việt Nam.

Ngoài ra, nhạc cụ dân tộc mang giá trị tinh thần, có giá trị lịch sử, nhạc khí dân tộc tồn tại suốt một thời gian dài. Nó gắn bó lâu dài với đời sống con người. Nhờ sự gắn bó đó, vật và người có thêm mối liên kết không thể tách rời với nhau. Một người nghệ sĩ không bao giờ bỏ cây đàn đã đi theo mình từ lúc bắt đầu, nếu bắt buộc từ bỏ thì họ cũng sẽ luôn nhớ tới. Đó chính là những tình cảm con người thường có với nhạc khí của mình".

ds-1-.jpg
Với nền văn hóa dân gian, nhạc cụ dân tộc như là những viên ngọc quý, sáng đẹp mang sức sống tiềm tàng góp phần làm giàu thêm cho nền âm nhạc Việt Nam.

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội, giới trẻ đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị hao mòn theo năm tháng. Từ đó, nhạc cụ dân tộc dần trở nên bị lép vế trước các loại hình nhạc cụ ngoại lai, dẫn tới âm nhạc truyền thống bị âm nhạc hiện đại lấn át. Các buổi biểu diễn nghệ thuật dân tộc đang ngày càng thưa vắng khán giả, còn nghệ thuật hiện đại lại "chiếm lĩnh trận địa và lên ngôi". Chính vì vậy việc bảo tồn và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc Việt Nam phải được khuyến khích và có những cách thể hiện đột phá hơn.

Kết hợp âm nhạc và du lịch

Một đặc thù của âm nhạc, nhạc cụ dân tộc là sống cùng đời sống, có những sự dịch chuyển và thích ứng với hoàn cảnh, không gian sống hiện thời của con người.

Việc này cũng mở ra cơ hội cho các cộng đồng khác nhau khi giao lưu và trao đổi văn hóa, giúp tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng văn hóa đối với những người khác. Đặc biệt là trong việc kết hợp với phát triển du lịch.

Liên quan đến mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay, "du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa". Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.

dan-toc.jpg
Những loại hình nghệ thuật truyền thống đang ngày càng mai một.

"Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, chúng tôi mong muốn tập trung khai thác giá trị văn hóa truyền thống, bản địa để thu hút du lịch. Cách làm này nhiều địa phương làm tốt", ông Hùng nói và dẫn chứng một số điểm du lịch ở Hòa Bình, Điện Biên đã dựa trên văn hóa ẩm thực, văn hóa bản địa để thu hút khách.

Đất nước Việt Nam trải dài từ đất mũi Cà Mau đến nơi địa đầu phía bắc của tổ quốc, dải đất hình chữ S uốn lượn với thiên nhiên ưu đãi cho cảnh sắc vùng miền vô cùng tươi xinh và rạng rỡ. Ở mỗi vùng đều có những loại hình văn hóa riêng biệt trở thành một loại “đặc sản” không dễ gì quên được với lữ khách. Về xứ Kinh Bắc để nghe câu quan họ, nghe câu hát giao duyên, ngắm nhìn những liền anh đầu đội khăn xếp, chân đi guốc mộc, chị em trong áo mớ ba mớ bẩy, bỗng thấy tình cứ vấn vương, chẳng nỡ rời xa.

Hay về Phú Thọ để nghe hát xoan tại những câu lạc bộ hát xoan do các nghệ nhân đã mất nhiều công để nâng niu truyền thụ vốn quý của loại hình âm nhạc từ xa xưa. Bước tới miền Trung, đến xứ Huế để buổi tối ngồi trên du thuyền, bầu trời đêm yên bình nghe ca Huế trên dòng sông Hương thơ mộng.

Ghé vào vùng Tây Nguyên thưởng thức cồng chiêng Tây Nguyên, loại hình văn hóa độc đáo có một không hai ở vùng đất đỏ đầy nắng và gió. Đi miền Tây để nghe đàn ca tài tử của vùng đất cải lương Ca Văn Lầu…

Không chỉ có những vùng đất có đặc sản riêng về các loại hình âm nhạc trù phú mà ngay cả các địa điểm du lịch cũng tổ chức hẳn các sân chơi nghệ thuật. Đến Hội An thì có những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất di sản Hội An, Quảng Nam.

Thông qua những câu hò điệu lý, những điệu múa dân gian cùng với loại hình âm nhạc truyền thống biểu cảm của sáo, nhị, bầu… Sự trải nghiệm văn hóa Việt Nam và nét đẹp rất riêng của miền Trung qua những loại hình nghệ thuật độc đáo đã để lại trong lòng du khách ấn tượng về mảnh đất yêu thương và không nỡ rời xa.

Hiện nay những loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc như kịch nói, chèo, cải lương vẫn được tổ chức biểu diễn tại khu phố cổ Hà Nội vào ngày cuối tuần trên phố đi bộ. Đó là những hoạt cảnh, những trích đoạn rất ngắn để phục vụ cho du khách vãng lai kịp bắt nhịp.

hue2-1-.jpg
Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa Huế đã không ngừng bồi tụ, giao lưu - tiếp biến, trở thành một nền văn hóa vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa thống nhất và đa dạng.

Theo NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, thì mô hình kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống với du lịch đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai trên khu phố cổ đi bộ Hà Nội.

“Để đưa nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du lịch đạt hiệu quả cao cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của cả hai bên nghệ thuật truyền thống và công ty du lịch. Chúng ta cần phải xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng tốt, đào tạo diễn viên am hiểu về nghệ thuật truyền thống. Thực tế đã cho thấy những sản phẩm văn hoá cổ truyền độc đáo bao giờ cũng níu chân khách du lịch. Khi du lịch và nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo thì hiệu quả đạt được vô cùng lớn, không chỉ tăng doanh thu lợi nhuận kinh tế mà đời sống tinh thần cũng được nâng cao, quảng bá văn hóa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam”, ông Kiên bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dòng chảy đương đại trong những thanh âm truyền thống