Ngoài Tết Nguyên đán chung của cả nước và Tết riêng của dân tộc mình, ở nhiều địa phương, từ lâu đồng bào đã có thói quen ăn Tết Độc lập 2/9. Ngày Quốc khánh của cả nước đã trở thành một ngày vui và đầy ý nghĩa trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc.
Là huyện có đông đồng bào dân tộc Kinh-Thái-Thổ cùng sinh sống, có nhiều phong tục, tập quán cũng như các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống đa dạng và phong phú, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết Độc lập 2/9, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện lại cùng nhau tổ chức các lễ hội, các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các trò chơi không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, giao lưu, đoàn kết, gắn bó giữa các xã, các dân tộc với nhau, mà còn là những món ăn tinh thần.
Với đồng bào Thái ở xã Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An), ngày Tết Độc lập từ lâu đã trở thành một ngày lễ, ngày Tết quan trọng, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Đồng bào Thái ở đây quan niệm: Tết Độc lập quan trọng trong năm chỉ sau Tết Nguyên đán.
Mâm cơm truyền thống dâng cúng tổ tiên là một thủ tục không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của đồng bào Thái nơi đây. Cùng với các món ăn chính được chế biến từ các loại động vật như: gà, vịt, lợn... thì các loại bánh như bánh chưng, bánh ít.. cũng hết sức quan trọng, không những được chủ nhà dùng để cho con cháu, mà còn dùng để tiếp đãi và làm quà cho khách khi đến chơi nhà. Mâm cơm vừa để dâng kính lên ông bà tổ tiên, những người có công xây dựng nền độc lập của dân tộc, vừa để ăn mừng ngày khai sinh của đất nước”.
Ngày Tết Độc lập, trên mọi ngả đường của các xóm nhà nào nhà nấy không ai bảo ai, đều cầm chổi ra quét dọn, sửa sang ngay ngắn, sạch đẹp… Không khí Tết Độc lập tràn từ trong nhà ra ngoài ngõ, trên những con đường vào xóm.
Anh Hoàng Văn Kết, xóm Tân Thái, xã Nghĩa lợi phấn khởi cho biết: "Trước kia, bà con ở xóm mình khó khăn lắm, phương tiện đi lại cũng không có, đường sá đi lại khó khăn... Bây giờ thì khác rồi, đời sống kinh tế được nâng lên.
Nhiều mô hình kinh tế mới, như phát triển cây cam, quýt, bưởi, đã mang lại hiệu quả cao; hệ thống đường giao thông được bê tông hóa rộng rãi, sạch, đẹp; đèn điện thắp sáng đường quê; hệ thống thủy lợi được kiên cố… Tình làng nghĩa xóm càng gắn kết. Có được ngày hôm nay là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Từ ngày đất nước Độc lập đến nay, năm nào bà con ở đây cũng ăn Tết Độc lập"…
Còn bà Lục Thị Dung thì phấn khởi cho biết thêm: “Ngày 2/9 là ngày Tết Độc lập của đất nước ta. Đồng bào Thái ở đây năm nào đến ngày này cũng tổ chức ăn mừng - có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Đây còn là dịp để cho cả gia đình ngồi lại, ôn lại ý nghĩa cũng như ký ức hào hùng của dân tộc trong ngày Độc lập, nhà nào nhà nấy ai cũng háo hức lắm”.
Ngày Tết độc lập, người Thái còn tổ chức rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí truyền thống như ném còn, múa xòe,… thu hút đông đảo người già thanh niên nam nữ và trẻ em tham gia các trò chơi dân gian truyền thống, hiểu rõ hơn về những nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật độc đáo của người dân vùng núi. Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” đồng bào Thái Nghĩa Đàn cũng ăn Tết Độc lập tiết kiệm, gọn nhẹ hơn.
Trong ngày Tết mọi người khuyên nhau thực hiện nếp sống văn hóa mới như không uống rượu; không ăn uống linh đình, lãng phí và kéo dài - bà Lê Ngọc Linh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm.
Việc đón Tết Độc lập của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành một nét văn hóa độc đáo. Trải qua thời gian lịch sử, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.
Quan trọng và ý nghĩa hơn cả, đây cũng là cách mà người Thái dạy cho con cháu mình nhớ về ngày trọng đại của cả nước, nhớ về đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.