Với phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mua bán người được cả hệ thống chính trị của Nghệ An tập trung triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với phong tục, tập quán, đối tượng, thành phần dân tộc.
Bên cạnh cách thức tuyên truyền trực tiếp thì các ngành chức năng Nghệ An đã tuyên truyền phòng chống mua bán người trên không gian mạng và các ứng dụng xã hội, qua hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi, tập san, cụm pano…
Chú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình cụ thể như: “Phòng, chống tội phạm mua bán người” ở xã Chiêu Lưu và Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn; “Phòng chống mua bán người và di cư không an toàn” cùng câu lạc bộ “Bình yên” tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp…
Từ năm 2020-2023, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Nghệ An đã tổ chức trên 3.000 buổi sinh hoạt chuyên đề để tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác tội phạm, phòng chống tội phạm; gần 3.500 cuộc họp khối, xóm, thôn, bản, làng có lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm mua bán người. Đồng thời tổ chức cho trên 13.000 lượt người cam kết, không vi phạm pháp luật, tích cực tố giác tội phạm mua bán người...
Toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả gần 10 nghìn tổ tự quản về an ninh trật tự, 21 mô hình, điển hình tiên tiến về quần chúng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và nhân rộng ra 320 điểm.
Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo, truyền thông về phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tỉnh giáp biên của Lào tổ chức các buổi giao ban và ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong đó có tội phạm mua bán người.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn, trong đó giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ngành xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Làm tốt công tác quản lý xuất, nhập cảnh, quản lý người nước ngoài và rà soát, kiểm tra hành chính đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý người nước ngoài ở khu vực biên giới.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, vùng biển; quản lý cửa khẩu, cảng biển, kiểm soát xuất, nhập cảnh…tạo thế trận liên hoàn, khép kín từ nội địa đến khu vực biên giới trong đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật phòng, chống mua bán người và phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng.
Hỗ trợ các nạn nhân trong vụ mua bán người tái hòa nhập cộng đồng để góp phần ổn định cuộc sống, giảm nguy cơ, rủi ro mua bán người...
Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đối với TAND tỉnh Nghệ An, thời gian qua TAND hai cấp đã đưa một số vụ án mua bán người ra xét xử lưu động. Việc xét xử lưu động giúp người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật cách sinh động, hiệu quả nhất.